Làm thế nào để duy trì, phát triển hiệu quả các trường đại học địa phương?

14/04/2021 06:20
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề về quản trị tự chủ đại học hiện nay là vấn đề rất nóng và không đơn giản. Và nó không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.

Ngày 13/4, Câu lạc bộ Các trường Đại học địa phương thuộc Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Mô hình quản trị đại học hiệu quả theo hướng tự chủ và vai trò của hội đồng trường”. Cuộc tọa đàm diễn ra tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tham gia cuộc tọa đàm theo hình thức trực tuyến.

Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh chụp màn hình: Cao Kim Anh

Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh chụp màn hình: Cao Kim Anh

Tại đây, các đại biểu đến từ nhiều trường đại học địa phương đã trao đổi, thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề, đưa ra các giải pháp làm thế nào để duy trì, phát triển tương lai các trường đại học ở địa phương với mô hình quản trị đại học hiệu quả theo hướng tự chủ.

Nhiều vấn đề đã được đề cập, làm rõ và tập trung nhấn mạnh vai trò của hội đồng trường tại các trường đại học theo hướng tự chủ.

Tại tọa đàm, đại diện Trường Đại học Thủ Dầu Một đã chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để làm sao nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng cung ứng sinh viên, đáp ứng nhu cầu của địa phương, kinh nghiệm thành công trong công tác tuyển sinh của trường tại chính địa phương trong bối cảnh tự chủ đại học.

Đặc biệt, đại diện nhà trường còn chia sẻ những thành công trong việc quản lý đại học hiệu quả theo hướng tự chủ và khẳng định vai trò của hội đồng trường trong việc quản lý, phát triển.

Đối với trường Đại học Thủ Dầu Một, với vị trí là một trường đại học địa phương, để xây dựng mô hình quản trị như hiện nay, nhà trường đã sớm xác định phương hướng chiến lược, tìm ra khâu đột phá, tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức và tổ chức thực hiện kế hoạch chiến lược theo đúng lộ trình đặt ra.

Trường Đại học Thủ Dầu Một đã xây dựng tầm nhìn trở thành đại học thông minh, vào tốp 350 các trường đại học tốt nhất châu Á năm 2030, người học có năng lực làm việc trong và ngoài nước với mục tiêu phát triển theo định hướng ứng dụng, trở thành đại học đa ngành đa lĩnh vực theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến.

Tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết:

“Bình Dương là nơi có sự chuyển biến đột phá về phát triển công nghiệp và đô thị, đời sống xã hội nông thôn đã chuyển biến mạnh sang đời sống xã hội công nghiệp và đô thị. Là tỉnh được cả nước biết đến như một điểm sáng về thu hút đầu tư, năng động trong phát triển kinh tế. Một tỉnh như Bình Dương rất cần một cơ sở giáo dục đại học xứng tầm cả về về quy mô, chất lượng, vị thế, đủ sức đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực và những sản phẩm khoa học có chất lượng.

Xuất phát từ thực tiễn ấy, ngay từ buổi đầu xây dựng, lãnh đạo trường đã xác định chiến lược là: xây dựng một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Bình Dương, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước”.

Để thành công trong phát triển, trở thành đại học đa ngành của trường Đại học Thủ Dầu Một có một số điểm khác biệt trong xu hướng chung của Việt Nam.

Phương hướng chiến lược đã đề ra được xác định từ việc phân tích, đánh giá các nguồn lực hiện có, từ định hướng phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu về nguồn nhân lực của địa phương, khu vực và cả nước.

Không chạy theo xu thế nhất thời trong tuyển sinh và mở ngành đào tạo. Không phân bổ nguồn lực cho những lĩnh vực mà trường không có thế mạnh.

Trường Đại học Thủ Dầu Một đã đột phá trong việc đặt trọng tâm vào việc xây dựng đội ngũ, trọng dụng và thu hút cán bộ giảng viên; nắm bắt thị trường lao động để xây dựng cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp; nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại; đổi mới phương pháp giảng dạy…

Trong sự phát triển các ngành đào tạo và hướng quản lý nhà trường theo hướng tự chủ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng trường. Tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Hội đồng trường thực hiện theo các quy chế tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ giám sát…

Sau khi nhận được sự chia sẻ của trường Đại học Thủ Dầu Một, tại tọa đàm các đại điện đại học địa phương đã đưa ra các nội dung quan trọng chung để tập trung thảo luận, học hỏi những kinh nghiệm về quản lý, cách thức hoạt động và vai trò của Hội đồng trường.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu từ đại diện các trường đại học địa phương, tổng kết tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh: “Vấn đề trao đổi về quản trị tự chủ đại học hiện nay là vấn đề rất nóng và không đơn giản, là vấn đề không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai nhưng nếu không thống nhất, không có sự điều chỉnh thì không thể đi vào cuộc sống mà không có tranh cãi.

Có hai vấn đề đáng quan tâm nhất ở đại học địa phương. Thứ nhất là làm thế nào để phát triển tương lai của đại học địa phương bởi hiện nay có không ít các trường đại học địa phương đã muốn giải tán bởi hoạt động không hiểu quả.

Thứ hai là quản trị, quản lý trường học liên quan đến tự chủ đại học. Đây là một vấn đề đang có nhiều nút thắt, chưa đồng bộ, chưa được hiểu tường tận, chính xác.

Chính vì thế, tọa đàm vô cùng cần thiết để chia sẻ, phản ánh thực trạng để có những bộ quy tắc ứng xử đúng đắn, làm rõ vai trò của Hội đồng trường tại các trường đại học hiện nay”

Cao Kim Anh