Không phải nhân sự cơ hữu, Chủ tịch Hội đồng trường khó toàn tâm toàn ý

02/08/2021 06:51
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ tịch Hội đồng trường nên là cơ hữu, Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Bí thư Đảng ủy là mô hình phát huy tốt nhất vai trò người đứng đầu tổ chức Hội đồng trường.

Bàn về vấn đề tự chủ đại học tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng ngày 25/7, đại biểu Lê Quân cho rằng, quy định bắt buộc Chủ tịch Hội đồng trường phải là cơ hữu là một trong những tồn tại hạn chế. Theo đó, các trường, các cơ sở giáo dục đại học có thể mời những người có vai trò quan trọng với trường tham gia, điều hành Hội đồng trường.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: Trường Đại học Mở Hà Nội)

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: Trường Đại học Mở Hà Nội)

Liên quan đến quy định bắt buộc Chủ tịch Hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: “Theo Luật 34/2018/QH14, Hội đồng trường phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, gần như bao quát tất cả lĩnh vực quản trị của nhà trường.

Chủ tịch Hội đồng trường có vai trò rất quan trọng, cùng với Hội đồng trường đưa ra định hướng, chiến lược, chính sách, kế hoạch, mục tiêu và giám sát việc thực thi.

Chính vì vậy, Chủ tịch Hội đồng trường không nên là người ở ngoài trường, đó phải là người nắm bắt thông tin của trường một cách sát sao nhất, phải ‘nhúng mình’ trong cả bối cảnh của trường, phải thực sự cùng trăn trở từng ngày, từng giờ để phát huy tốt vai trò của mình.

Nếu Chủ tịch Hội đồng trường không cơ hữu thì từ việc nắm bắt thông tin đến triển khai công việc, hoạt động đều rất khó khăn”.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Mai Hương, mô hình Chủ tịch Hội đồng trường ở các nước có thể có những điểm khác biệt. Bởi lẽ, ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo toàn diện trong trường đại học, Nghị quyết 19-NQ/TƯ năm 2017 đã nêu rõ, Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường, do đó, Chủ tịch Hội đồng trường phải là cơ hữu.

Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Bí thư Đảng ủy là mô hình phát huy tốt nhất vai trò người đứng đầu tổ chức Hội đồng trường.

Hiện nay, trong một Hội đồng trường có đa dạng các thành phần, bao gồm cả những thành viên ngoài trường. Các thành viên ngoài trường cũng có những đóng góp và thể hiện vai trò của mình nhưng bản thân họ kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ và không thường xuyên ở trong trường nên việc nắm bắt thông tin, hoạt động của trường không thể sát sao.

“Trong khi hoạt động của trường đại học là liên tục, từng giờ, Chủ tịch Hội đồng trường cùng với thường trực phải chuẩn bị tốt cho các nội dung, tổ chức các cuộc họp sát nút, đưa ra những chính sách, quyết định quan trọng, kịp thời.

Nếu Chủ tịch Hội đồng trường không là cơ hữu, họ không sống trong môi trường giáo dục đó, họ chỉ có thể nắm thông tin qua các tài liệu, văn bản báo cáo thì quá trình triển khai thực hiện vô cùng khó khăn, đó là chưa kể có những thời điểm, họ phải đưa ra được những quyết sách nhanh chóng, mang tính quyết định.

Một lãnh đạo quan trọng của trường mà lại xa rời trường, tôi chưa tưởng tượng được mô hình này sẽ hoạt động như thế nào?”, Phó Giáo sư Nguyễn Mai Hương nêu quan điểm.

Mô hình Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Bí thư Đảng ủy đã được ghi rõ trong Nghị quyết 19-NQ/TƯ, quy định này được tổng kết từ thực tiễn hoạt động của các trường đại học, sát với các yêu cầu nhiệm vụ.

Sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản trị của Hội đồng trường được quy định rất rõ ràng. Đảng lãnh đạo toàn diện các hoạt động của nhà trường, chỉ ra đích đến, đưa ra chủ trương, đường lối hướng tới mục đích chung.

Hội đồng trường là tổ chức quản trị nhà trường, đại diện cho sở hữu, đưa ra định hướng, chiến lược, chính sách, kế hoạch, mục tiêu và giám sát việc thực thi; đi đến đích bằng những thể chế, chính sách quản trị hiệu quả.

Ban giám hiệu thì thực hiện nghị quyết của Đảng ủy và Hội đồng trường, điều hành quản lý các công việc hằng ngày để đạt được mục tiêu đã đặt ra.

Sự lãnh đạo của Đảng và quản trị của Hội đồng trường đều thực hiện theo nguyên tắc tập thể, có tính phản biện với những quyết định khả thi và có tính chính xác cao. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường với cơ chế hoạt động khá tương đồng, sẽ bổ trợ cho nhau, phát huy tốt nhất vai trò của mình.

“Những chủ trương của Đảng với đích đến rất rõ ràng. Chủ tịch Hội đồng trường cũng là Bí thư đảng ủy sẽ thấm nhuần chủ trương đó, có sự đồng tâm lớn trong quản trị điều hành để đạt được đích đến, nhờ vậy, toàn bộ nghị quyết của Đảng ủy sẽ được triển khai triệt để.

Quan trọng là mô hình này giúp những hoạt động của Hội đồng trường đi đúng hướng, thực hiện đúng bản chất những nghị quyết mà Đảng ủy ban hành”, Phó Giáo sư Nguyễn Mai Hương khẳng định.

Cũng theo cô Mai Hương, nếu Chủ tịch Hội đồng trường không là cơ hữu thì sẽ dẫn tới tồn tại hai mô hình.

Thứ nhất là Bí thư Đảng Uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là 3 cá nhân độc lập, Chủ tịch Hội đồng trường không là cán bộ cơ hữu sẽ khó phát huy vai trò của mình, đồng thời, Hội đồng trường cũng khó có được thực quyền.

Thứ hai là mô hình Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy, còn vị trí Chủ tịch Hội đồng trường do một thành viên ngoài trường đảm nhận. Nếu Bí thư Đảng ủy cùng Đảng ủy đưa ra các chủ trương, đường lối mà người thực hiện cùng là một người (Hiệu trưởng) thì sẽ dễ dẫn tới bị lạm quyền, lộng quyền, khó có sự khách quan.

Bởi lẽ với nguyên tắc hoạt động khác nhau, một bên là nguyên tắc tập thể, một bên là cá nhân quyết định, điều này làm lẫn lộn vai trò của hai tổ chức, hiệu trưởng có thể dễ lạm quyền, dẫn tới sự chủ quan, duy ý chí, tự mình đưa ra tự quyết định.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: NVCC)

Đồng quan điểm với Phó Giáo sư Nguyễn Mai Hương, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, Chủ tịch Hội đồng trường phải là nhân sự cơ hữu, người đứng đầu một cơ quan mà không trực tiếp tham gia trong trường thì sẽ rất khó phát huy vai trò của mình. Việc cơ cấu một thành viên ngoài trường đảm nhận vị trí này là không phù hợp.

"Sinh mạng của một trường đại học thuộc về Hội đồng trường.Người đứng đầu tổ chức này nếu ở ngoài trường sẽ khó toàn tâm toàn ý với công việc, hoạt động và sự phát triển của trường đại học đó.

Có thể trước đây, người đó không phải là cán bộ cơ hữu nhưng một khi đã trở thành Chủ tịch Hội đồng trường thì nhất định phải là nhân sự cơ hữu. Có như vậy mới tạo được tâm thế cho họ thuộc về trường, dồn tâm sức của mình cho trường, họ phải cảm nhận được sức nặng mà vị trí đó đang đặt lên đôi vai của mình", Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y – Dược (Đại học Thái Nguyên). (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y – Dược (Đại học Thái Nguyên). (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y – Dược (Đại học Thái Nguyên) cũng khẳng định, Chủ tịch Hội đồng trường đồng thời là Bí thư Đảng ủy sẽ phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TƯ năm 2017, thuận lợi cho công tác chỉ đạo và quản trị toàn diện trong nhà trường.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung, là cán bộ cơ hữu thì mới tập trung hoàn toàn thời gian, tâm lực, trí lực cho công việc, đồng thời nắm bắt rõ các cơ chế, chính sách nội bộ của nhà trường ngay từ lúc xây dựng tới khi ban hành, triển khai thực hiện;hiểu rõ về đội ngũ nhân lực và về chuyên môn trong nhà trường, giúp cho Hội đồng trường có những quyết sách phù hợp trong chiến lược phát triển của nhà trường, nhất là khi các trường tiến tới tự chủ toàn diện.

Phạm Minh