Khóa học số, trường học ảo và những “cú hích” phát triển cho giáo dục đại học

27/10/2021 06:38
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng: “Xây dựng trường đại học ảo sẽ tạo ra hệ sinh thái học thuật kiến tạo, học tập đa chiều, không giới hạn không gian và thời gian”.

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã có tác động rất lớn đến giáo dục đại học, trong đó công nghệ truyền thông trực tuyến đã làm thay đổi môi trường học thuật với nhiều hệ sinh thái số khác nhau, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục đại học.

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) tại hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học đang là thách thức và cũng là thời cơ lớn để các cơ sở giáo dục phát triển đi lên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Chụp màn hình)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Chụp màn hình)

Một trường đại học có thể tiến hành ngay chuyển đổi số thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Nếu chỉ ứng dụng nền tảng Google Meeting, Zoom,... là dạy học từ xa chứ chưa thực sự đúng bản chất của chuyển đổi số. Dạy học trên những nền tảng số này nếu kéo dài thời gian sẽ khiến người học nhàm chán, mệt mỏi.

Thay vào đó, phải xây dựng những module nhỏ, có trường quay, đội ngũ sư phạm cùng hỗ trợ tư vấn thầy cô xây dựng bài giảng.

Để thực hiện chuyển đổi số thành công phải thay đổi tư duy của cán bộ viên chức, giảng viên trong trường; phải có chính sách khuyến khích giảng viên cùng tham gia xây dựng các lớp học số.

Trường học ảo thúc đẩy tinh thần tự học của sinh viên

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cũng nêu ra 7 vấn đề trọng tâm của chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ nhất, sử dụng các kênh truyền thông số như mạng xã hội facebook, youtube, website, email, truyền hình, apps,… để tiếp cận một cách nhanh nhất các sinh viên tương lai, truyền thông các chính sách và các thông tin của cơ sở đào tạo đến các bên liên quan.

Thứ hai, xây dựng hệ thống quản trị số đồng bộ nhằm tối ưu thời gian và hiệu quả công việc; Xây dựng và phân tích hệ thống dữ liệu lớn nhằm đánh giá, dự báo và đưa ra các quyết định quản trị kịp thời.

Thứ ba, xây dựng tài nguyên số như giáo trình, tài liệu và học liệu điện tử giúp nhiều sinh viên có thể tham khảo trong cùng một thời điểm và có thể truy cập mọi lúc mọi nơi.

Thứ tư, xây dựng hệ thống dạy học trực tuyến, từ đó tương tác giữa giảng viên và sinh viên không còn thuần túy trong lớp học mà ở mọi lúc mọi nơi. Từ đó phát triển hệ sinh thái giáo dục kiến tạo, trong đó chuyển giáo dục thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc và mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.

Thứ năm, xây dựng phòng thí nghiệm thực tế ảo, công nghệ này có thể mang các sinh viên kiến trúc đến ngay công trình xây dựng hay các sinh viên Y khoa đến với bệnh viện.

Thứ sáu, xây dựng trường đại học ảo nhằm tạo ra hệ sinh thái học thuật kiến tạo, học tập đa chiều, không giới hạn không gian và thời gian.

Thứ bảy, phát triển giáo dục sẻ chia nhằm chia sẻ nguồn nhân lực và tài nguyên số giữa các cơ sở đào tạo.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cho biết: “Tham gia vào lớp học số sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần chủ động, tích cực, tự giác học tập của sinh viên. Nhờ chủ động nghiên cứu, học tập trên lớp học ảo, các em dành được nhiều thời gian để thực hành, trải nghiệm.

Nếu xây dựng tốt các khóa học số, trường học ảo, sinh viên có thể chỉ cần dành 10% thời lượng để lên lớp học trực tiếp, 20% thời lượng học tập nhóm chia sẻ trao đổi kinh nghiệm và có 70% thời gian cho thực hành, thực tế. Hiện nay, thực hành đang là xu hướng học tập mới để tiếp cận tri thức tốt nhất”.

Cũng theo thầy Dũng, việc xây dựng thư viện số, mở ra các khóa học và số hóa toàn bộ giáo trình sẽ giúp các trường đại học tạo nên được một không gian học tập số lý tưởng cho sinh viên, đặc biệt tạo điều kiện để sinh viên học đa ngành, liên ngành.

Bên cạnh đó, việc thành lập trung tâm dạy học số được sẽ ráp nối các đơn vị vận hành, triển khai các hoạt động dạy học số tại Trường. Cụ thể như: Phòng đào tạo lên kế hoạch dạy học, ráp nối giáo viên và sinh viên dạy học số dựa trên nền tảng quản lý cơ sở dữ liệu hiện tại; Trung tâm thông tin máy tính cung cấp hạ tầng kết nối internet và các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết; Các Khoa chuyên ngành định hướng giảng viên và sinh viên trong công tác triển khai dạy học số.

Các trường cũng nên chú trọng xây dựng phòng thí nghiệm thực tế ảo, mở ra cơ hội thực hành, trải nghiệm thực tế nhiều hơn cho sinh viên. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai, phát triển thực tế ảo trong dạy thực hành trong năm học này.

Đặc biệt, việc hướng tới giáo dục chia sẻ chính là cách để các trường liên kết, hỗ trợ nhau đẩy nhanh chuyển đổi số và có những “cú hích” phát triển về chất lượng. Khi sinh viên các trường đại học trên cả nước đang học chung một số môn học, các trường có thể chia sẻ nhau những bài giảng được nghiệm thu, hay các trường có thể chia sẻ phần mềm đại học ảo,...

Biểu đồ, số liệu về số lớp học dạy học số được mở theo từng năm của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Chụp màn hình)

Biểu đồ, số liệu về số lớp học dạy học số được mở theo từng năm của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Chụp màn hình)

Chuyển đổi số và những bước chuyển mình của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh:

Năm 2013, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được nhận hỗ trợ miễn phí phần mềm quản lý dạy học (LMS) từ Tập đoàn giáo dục Pearson Education thông qua dự án hợp tác với trường Đại học bang Arizona (ASU), máy chủ của họ đặt Singapore và studio dạy số đặt tại trường.

Nền tảng này được sử dụng để triển khai dạy học online trong toàn trường. Khởi đầu từ học kỳ I năm học 2014-2015 với 52 khóa học, đến học kỳ II năm học 2019-2020 đã có 5265 khóa học. Số lượt tương tác trong năm trên hệ thống LMS của Pearson Education đạt đến 90 triệu lượt tương tác.

Năm 2018, nhà trường triển khai với BlackBoard. Nền tảng này đang sử dụng dạy học online cho chương trình đào tạo chất lượng cao của trường. Hằng năm, có hơn 96 triệu lượt tương tác học tập trên cả nền tảng của Pearson Education và BlackBoard. Đây là con số rất vượt trội so với hệ thống các trường đại học Việt Nam đạt được.

Đặc biệt, sự đời của Trường Đại học ảo UTEx năm 2019 đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển đổi số của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, hướng đến những trải nghiệm cho người học và giảng viên không giới hạn về không gian, thời gian, khối lượng tri thức thông qua giao tiếp, hỗ trợ và kết nối liên tục.

Trong năm học 2019-2020, 16 khóa học UTEx-MOOC đầu tiên đã được nghiệm thu và triển khai trong năm học mới.

Trong năm học 2020 - 2021, UTEx đang triển khai xây dựng 116 khóa học UTEx-MOOC và nền tảng UTEXLMS (utexlms.hcmute.edu.vn) tổ chức dạy học online cho toàn trường, cả hệ đào tạo đại trà và chất lượng cao.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, trên nền tảng của Pearson Education, trung bình mỗi ngày có 356.959 lượt sinh viên và 26.644 lượt giảng viên tương tác; trên nền tảng của BlackBoard, mỗi ngày có 222.012 lượt sinh viên và 54.087 lượt giảng viên tương tác.

Dự kiến đến năm 2025, nhà trường sẽ xây dựng 1450 khóa học UTEx-MOOC.

Việc triển khai dạy học số của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã đạt được những thành công nhất định.

Mô hình học tập kết hợp (Blended Learning) đã chứng tỏ ưu thế trong phát triển các năng lực cho người học như năng lực tự học, năng lực hợp tác, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong học và tự học.

Trung tâm UTEx bước đầu cho thấy sự chủ động của nhà trường trong xây dựng nền tảng dạy học số và hướng đến cung cấp các khóa học MOOC cho mọi người học có nhu cầu, thực hiện mục tiêu giáo dục sẻ chia và quốc tế hóa giáo dục.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh