GS Hồ Tú Bảo: “Nếu không học trực tuyến thời Covid sẽ là thảm họa của giáo dục”

15/12/2021 21:00
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đào tạo trực tuyến là một phần của giáo dục đại học trong tương lai. Chuyển đổi số giáo dục và đào tạo là sự thay đổi mang tính cách mạng cần được bắt đầu ngay.

Ngày 15/12, tại Hội thảo “Đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học Việt Nam”, Giáo sư Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) đã trình bày tham luận về Đào tạo trực tuyến và chuyển đổi số giáo dục Việt Nam.

Thay đổi nội dung giáo dục đào tạo trong tương lai là điều quan trọng nhất

Giáo sư Hồ Tú Bảo cho biết, trong phiên thảo luận và chất vấn Quốc hội tháng 11, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hạn chế khi học trực tuyến. Tuy nhiên, các đại biểu chưa đề cập đến vấn đề nếu không học trực tuyến khi dịch bùng phát, học sinh sẽ phải nghỉ học trong thời gian dài. Đây mới là thảm họa của nền giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, học trực tuyến chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện chuyển đổi số giáo dục và đào tạo, trong đó có chuyển đổi số giáo dục đại học.

“Chuyển đổi số là thay đổi toàn bộ cách dạy và học trong môi trường mới, ở đó có dữ liệu và kết nối. Chuyển đổi số là phương thức phát triển của xã hội khi môi trường sống thay đổi thành môi trường thực - số, ngành giáo dục sẽ có rất nhiều cơ hội, đồng thời cũng không ít thách thức.

Nền giáo dục của Việt Nam hiện nay có 4 hệ thống đó là giáo dục mầm non và phổ thông, giáo dục và đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục và đào tạo thường xuyên. Đào tạo trực tuyến sẽ tác động lên 4 hệ thống giáo dục này và chuyển đổi số cũng sẽ bao trùm hoạt động của toàn nền giáo dục”, Giáo sư Hồ Tú Bảo nhận định.

Giáo sư Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)

Giáo sư Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)

Theo đó, việc dạy và học cũng đang dần thay đổi. Trước kia, dạy học là truyền tải kiến thức, kỹ năng, kiến thức chủ yếu từ sách giáo khoa và được truyền tải bởi giáo viên. Hiện nay, cùng sách giáo khoa thầy cô có thể sử dụng học liệu số với nội dung chia theo mô-đun.

Việc học của học sinh từ cố hiểu bài để làm bài tập, đến nay người học phải chủ động, biết sáng tạo tự định hướng (đặt mục tiêu), tự tìm hiểu (với học liệu số), hợp tác và hứng thú (kết nối).

Giáo sư Hồ Tú Bảo nhấn mạnh, thay đổi nội dung giáo dục và đào tạo trong tương lai là điều quan trọng nhất. Giáo sư cũng chỉ ra 6 giải pháp quan trọng cần lưu ý khi triển khai thay đổi nội dung giáo dục và đào tạo.

Thứ nhất, cần xác định lại nội dung, kiến thức, kỹ năng người học cần biết.

Thứ hai, bỏ cái cũ không cần và thêm vào cái mới sẽ cần đối với ngành giáo dục.

Thứ ba, gắn nội dung giáo dục và đào tạo với thay đổi của môi trường.

Thứ tư, cần xác định rõ các kiến thức cơ bản của mỗi môn học.

Thứ năm,cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo nên chia theo các mô-đun.

Thứ sáu, cần phải giáo dục văn hoá số cho học sinh.

Bên cạnh đó, dạy và học trong môi trường thực - số cần áp dụng các phương pháp như: Học tập kết hợp (blended learning) hài hoà việc dạy và học ở lớp với dùng các công nghệ số và học liệu số, gồm cả dạy và học online; học theo đề tài (project-based learning); học đảo ngược (flipped learning); học tập thích nghi (adaptive learning), phân tích dữ liệu người học và điều chỉnh tức thời tài liệu học tập và đánh giá; dùng phân tích dữ liệu và AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ việc dạy và học; cá nhân hoá việc học tập.

Người học đóng vai trò trung tâm

Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, trong đào tạo trực tuyến, người học sẽ đóng vai trò trung tâm, học tập chủ động, tự định hướng, tăng khả năng tự học, học mọi lúc mọi nơi. Người dạy dần dần trở thành “huấn luyện viên”, hỗ trợ tối đa cho người học.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)

“Hiện nay, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục phổ thông, tôi nghĩ cần bổ sung thêm cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Phải sử dụng hiệu quả hơn nữa công nghệ số qua các nền tảng số để quản lý các hoạt động dạy và học.

Ngoài ra, cần tạo thể chế và hành lang pháp lý cho các vấn đề như: thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học trên môi trường số; dạy và học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng, công nhận kết quả; quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, an toàn thông tin cá nhân, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu, kho học liệu số; xây dựng các định chế nội bộ”, Giáo sư cho biết.

Cuối cùng, đào tạo trực tuyến và chuyển đổi số giáo dục Việt Nam có thành công hay không, phụ thuộc vào 3 yếu tố. Trước tiên, con người phải có nhận thức, năng lực số và văn hóa số. Về thể chế, phải có thể chế pháp lý và định chế nội bộ. Tiếp đến là phải xây dựng được hạ tầng số, học liệu số…

“Đào tạo trực tuyến là một phần của giáo dục đại học trong tương lai. Dạy và học trong tương lai là sự kết hợp hài hoà giữa “phần thực” và “phần số”. Chuyển đổi số giáo dục và đào tạo là sự thay đổi mang tính cách mạng cần được bắt đầu ngay với nhận thức sâu sắc và hành động một cách hiệu quả”, Giáo sư Bảo nhấn mạnh.

Ngọc Ánh