Gần 6 tháng chưa có hội đồng trường, Đại học Hải Phòng khó tự chủ

06/01/2021 07:18
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gần 6 tháng qua, Trường Đại học Hải Phòng chưa kiện toàn Hội đồng trường để điều hành các kế hoạch phát triển trong bối cảnh nhà trường được giao quyền tự chủ.

Ngày 11/6/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành các Quyết định về công tác cán bộ tại Trường Đại học Hải Phòng.

Theo Quyết định số 1558 ngày 11/6/2020, ông Dương Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hải Phòng được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Du lịch. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm.

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng miễn nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng đối với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên để bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Gần 6 tháng qua, Trường Đại học Hải Phòng vẫn loay hoay với việc kiện toàn hội đồng trường (Ảnh: CTV)

Gần 6 tháng qua, Trường Đại học Hải Phòng vẫn loay hoay với việc kiện toàn hội đồng trường (Ảnh: CTV)

Cũng trong ngày 11/6/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã điều động ông Nguyễn Văn Kính, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị Tô Hiệu đến công tác tại Trường Đại học Hải Phòng, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Hải Phòng.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có Quyết định giao ông Nguyễn Hoài Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng phụ trách Trường Đại học Hải Phòng đến khi kiện toàn xong chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng.

Tuy nhiên, gần 6 tháng qua, kể từ khi ông Dương Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hải Phòng được điều động sang Sở Du lịch, đến nay nhà trường chưa có ai đảm nhận chức vụ này.

Theo Điều 16, Luật số 34/2018/QH14 “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”, Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn như:

a) Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc việc sáp nhập với trường đại học khác;

b) Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động;

d) Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật;

đ) Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;

e) Quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường đại học; chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hàng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường đại học;…

Điều đáng nói là, tháng 1/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có quyết định giao quyền tự chủ cho Trường Đại học Hải Phòng, trong đó có việc nhà trường hoàn toàn tự chủ chi thường xuyên.

Ngay sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng giao quyền tự chủ cho Trường Đại học Hải Phòng thì nhà trường đã ý thức được việc thành lập hội đồng trường.

Theo phân cấp quản lý thì Hội đồng trường có toàn quyền quyết định các kế hoạch, chiến lược phát triển nhà trường…

Nhưng đến thời điểm này, nhà trường vẫn chưa có Hội đồng trường và chưa có Chủ tịch Hội đồng trường nên không thực hiện được quyền tự chủ, bởi Hội đồng trường thay mặt cho cơ quan chủ quản thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Việc này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển của Trường Đại học Hải Phòng, khiến nhiều cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên băn khoăn, lo lắng.

LÃ TIẾN