Đề xuất tặng anh hùng lao động cho trường Tôn Đức Thắng hoàn toàn có cơ sở

20/08/2020 06:35
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mọi bảng xếp hạng từ ARWU, TIME, QS… chỉ làm tham khảo chứ không phải là căn cứ chính để Hiệp hội đề xuất phong tặng Anh hùng lao động cho trường Tôn Đức Thắng.

Ngày 18/8, báo Thanh Niên đăng bài viết với tiêu đề “Có hiệp hội đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho trường Tôn Đức Thắng”, theo đó, trong bài viết có đăng tải thông tin, hình ảnh công văn mà Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên điều khiến Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam rất bức xúc đó là đây không phải tin bài đưa tin đơn thuần về công văn của Hiệp hội mà ngay mở đầu phóng viên của Báo Thanh niên đã gán ghép:

Giữa lúc thông tin về chiêu trò để được xếp hạng quốc tế gây bức xúc dư luận, vẫn có một hiệp hội gửi công văn đề nghị cấp có thẩm quyền phong danh hiệu Anh hùng lao động cho Trường đại học Tôn Đức Thắng”.

Báo Thanh niên đưa tin về công văn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh chụp màn hình)

Báo Thanh niên đưa tin về công văn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh chụp màn hình)

Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, công văn của Hiệp hội được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vào thời gian 5 giờ 54 phút sáng ngày 18/8.

Trong khi đó Báo Thanh Niên đăng bài viết “Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế” vào lúc 07 giờ 09 phút ngày 18/8.

Tuy nhiên, bài viết trên lại quy chụp Hiệp hội ban hành công văn giữa lúc thông tin về cái tác giả bài viết này gọi là "chiêu trò để được xếp hạng quốc tế", phải chăng đó mới chính "chiêu trò" của tác giả bài viết trên Báo Thanh Niên đang tạo ra nhằm gây bức xúc dư luận?.

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Hơn nữa, ngay từ ngày 02/07/2020, Hiệp hội đã có công văn số 59/HH-VP gửi Trường Đại học Tôn Đức Thắng về việc làm báo cáo thành tích của Trường để Hiệp hội đề nghị cấp trên khen thưởng:

Ngày 19/8, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, lâu nay Hiệp hội đánh giá Trường Đại học Tôn Đức Thắng là ngôi trường nổi bật về thí điểm tự chủ đại học ở tất cả lĩnh vực chứ không phải chỉ xoay quanh các bảng xếp hạng.

“Bởi xếp hạng chỉ là một chuyện mà kiểm định đúng mức mới là quan trọng nhất của một trường đại học”, thầy Quân nhấn mạnh.

Bởi lẽ, theo Giáo sư Trần Hồng Quân, trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng, mỗi bảng xếp hạng lại có những tiêu chí riêng, ví như vừa rồi trường Đại học Tôn Đức Thắng là cơ sở đại học duy nhất của Việt Nam nằm trong nhóm 701 - 800 trường đại học hàng đầu thế giới năm 2020 theo bảng xếp hạng ARWU của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).

Đây là bảng xếp hạng được nhiều chuyên gia đánh giá là bảng xếp hạng đại học uy tín, khách quan và khó nhất thế giới.

“Tuy nhiên mọi bảng xếp hạng từ ARWU, TIME hay QS… đều chỉ làm tham khảo cho Hiệp hội chứ không phải là căn cứ chính để chúng tôi đưa ra đề xuất”, thầy Quân nói.

Theo Giáo sư Trần Hồng Quân đánh giá, không chỉ lọt vào nhiều bảng xếp hạng mà trường Đại học Tôn Đức Thắng đã rất nề nếp trong dạy và học, tạo ra môi trường đào tạo đại học mẫu mực, văn hóa nhà trường rất cao….

Hơn nữa, sau hơn 22 năm hình thành và phát triển, mặc dù không được nhà nước tài trợ chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản nhưng trường đã nổi lên như một điển hình tiên tiến toàn diện, một mô hình quản lý mẫu mực, một thành công rất đáng tổng kết với nhiều kinh nghiệm cần nghiên cứu để đúc rút ra bài học về mô hình tự chủ đại học, từ đó nhân rộng ra.

“Đây là thành tựu không chỉ của riêng nhà trường mà còn là thành tựu của chủ trương đúng đắn về tự chủ đại học mà Đảng, Nhà nước đã định hướng và khuyến khích để có được thành công này ”, Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

“Đó là đánh giá lâu nay của Hiệp hội về ngôi trường này”, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định.

Nói về công văn của Hiệp hội, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: “Chúng tôi khẳng định đề xuất đó là đúng đắn và cần thiết bởi quan điểm của Hiệp hội là đánh giá toàn diện, dựa trên nhiều yếu tố chứ không phải chỉ dựa vào 1 yếu tố nào đó”.

Hơn nữa, theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ngay cả bảng xếp hạng thì họ dựa trên nhiều tiêu chí chứ không chỉ dựa vào tỷ lệ bài báo quốc tế.

Ví như, bảng xếp hạng ARWU tự xây dựng dữ liệu đánh giá các đại học trên toàn thế giới căn cứ vào các cơ sở dữ liệu khoa học hàng đầu thế giới, chứ không phụ thuộc và cũng không yêu cầu các đại học cung cấp dữ liệu.

Theo đó, các tiêu chí đánh giá chính bao gồm: Chất lượng giáo dục (10%); Chất lượng giảng viên (40%); Nghiên cứu khoa học (40%) và Năng suất học thuật bình quân trên đầu người (10%).

Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, đề xuất của Hiệp hội là hoàn toàn có cơ sở và dựa trên những kết quả mà nhà trường đã đạt được từ năm 2008 đến nay chứ không phải chỉ dựa vào thứ hạng trong các bảng xếp hạng.

Thanh Sơn