Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

26/11/2019 08:35
Thùy Linh
(GDVN) - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trân trọng báo cáo, kiến nghị và mong được sự phản hồi.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019.

Luật số 34/2018/QH14 được xây dựng trên tinh thần chuyển dịch đại diện chủ sở hữu tài sản các cơ sở giáo dục đại học công lập từ cơ quan chủ quản về nhà trường, hướng tới mỗi cơ sở giáo dục đại học thành một pháp nhân độc lập.

Luật đã quy định Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường.

Tại Khoản 8, Điều 16 Luật số 34/2018/QH14 quy định chức năng, quyền hạn, cơ cấu, tiêu chuẩn, nguyên tắc làm việc, cách thức làm việc của hội đồng trường; đồng thời giao cho Chính phủ “quy định chi tiết về quy trình thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường”.

Việc này Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (Ảnh: Trinh Phúc).
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (Ảnh: Trinh Phúc).

Tuy nhiên, ngày 16/10/2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành quyết định 1584/QĐ-TLĐ về “phân cấp quản lý và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển cán bộ trong tổ chức công đoàn” đã đưa các trường đại học, cao đẳng (không phải tổ chức công đoàn) vào đối tượng điều chỉnh. Cụ thể:

Tại Khoản 4, Điều 6 của Quy định kèm theo quyết định 15841584/QĐ-TLĐ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cho phép Thường trực Đoàn chủ tịch có quyền “giới thiệu nhân sự tham gia hội đồng trường, giới thiệu nhân sự tham gia hội đồng trường, giới thiệu nhận sự để hội đồng trường bầu chủ tịch hội đồng trường; quyết định công nhận thành viên hội đồng trường và các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký ….; giới thiệu nhân sự để hội đồng trường bầu…; ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trường, cho ý kiến trước khi bổ nhiệm phó hiệu trưởng, kế toán trưởng đối với các trường đại học trực thuộc tổng liên đoàn”.

Những quy định nhằm mục tiêu tương tự còn xuất hiện tại: Điểm C, Khoản 1, Điều 2; Khoản 2, Điều 6; Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 2, Điểm d Khoản 3 của Điều 15…

Trường hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được coi là “cơ quan ngang bộ” thì trước khi “vận dụng” điều 34 của Luật tổ chức Chính phủ phải trừ những việc mà Quốc hội giao Chính phủ làm, phải tôn trọng tính thống nhất của hệ thống giáo dục “điều 11 Luật Tổ chức Chính phủ” và không “bỏ qua” Điều 16 của luật số 34/2018/QH14 do Quốc hội ban hành.

Rõ ràng, một số định chế đối với các cơ sở giáo dục đại học tại quy định kèm theo quyết định số 1584/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực chất là tiếp tục thực hiện việc tập trung quyền lực chứ không phải “phân cấp quản lý” như tên văn bản.

Điều đó, ngăn cản chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tự chủ đại học.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức kiểm tra, làm rõ những gì mà chúng tôi đã phản ánh, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong việc ban hành các văn bản dưới luật của các tổ chức cấp dưới.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trân trọng báo cáo, kiến nghị và mong được sự phản hồi.

Thùy Linh