Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh bình thường

24/06/2022 09:01
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cải tiến chương trình đào tạo lĩnh vực du lịch, xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo để giúp nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.

Ngày 23/6, toạ đàm “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh bình thường mới” do Câu lạc bộ khối Đào tạo Du lịch thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp Trường Đại học Văn Lang tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự toạ đàm có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch (Đại học Huế) kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối Đào tạo Du lịch.

Ngoài ra toạ đàm cũng đã thu hút đông đảo đại diện, lãnh đạo, chuyên gia đến từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có đào tạo khối ngành du lịch trong cả nước và các doanh nghiệp tham dự.

Toạ đàm “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh bình thường mới” thu hút đông đại diện lãnh đạo các trường và doanh nghiệp (ảnh: Lê Phương)
Toạ đàm “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh bình thường mới” thu hút đông đại diện lãnh đạo các trường và doanh nghiệp (ảnh: Lê Phương)

Nhiều giải pháp nâng chất lượng đào tạo nhân lực du lịch

Phát biểu khai mạc toạ đàm, Phó giáo sư Tiến Sĩ Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết: “Đại diện các trường đại học, cao đẳng tham gia buổi tọa đàm đến từ nhiều vùng miền khác nhau, am hiểu tính chất, bối cảnh nguồn nhân lực tại từng khu vực. Vì vậy, tọa đàm là cơ hội cho các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp cùng nhau đưa ra giải pháp, giúp sinh viên khối ngành du lịch sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên cả nước”.

Tại tọa đàm các cơ sở đào tạo, các nhà khoa học, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã cùng trao đổi thảo luận, phân tích các giải pháp và kinh nghiệm phù hợp cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh bình thường mới.

Trong tham luận của mình, Tiến sĩ Vũ Hương Giang,Trường Đại học Mở Hà Nội nêu vấn đề chuyển đổi số trong đào tạo du lịch. Theo bà Giang, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và lĩnh vực du lịch cũng không nằm ngoài. Chính từ đó đã đặt ra yêu cầu đối với hoạt động đào tạo nhân lực du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Tiến sĩ Hương Giang đề xuất, điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch trong đó bổ sung các yêu cầu cụ thể về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong từng vị trí việc làm. Theo đó, cải tiến và đổi mới chương trình đào tạo lĩnh vực du lịch như bổ sung các học phần về công nghệ thông tin trong du lịch, tăng thời lượng tín chỉ cho các học phần liên quan công nghệ thông tin. Kèm theo đó, các cơ sở đào tạo du lịch đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hoạt động thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.

Đồng quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Vũ Quỳnh Giao, Phó Trưởng khoa Du lịch và khách sạn Trường Cao đẳng Quảng Ngãi cũng nêu tham luận nhấn mạnh việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo du lịch.

Thạc sĩ Vũ Quỳnh Giao, Phó Trưởng khoa Du lịch và khách sạn Trường Cao đẳng Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực du lịch. (ảnh: Lê Phương)
Thạc sĩ Vũ Quỳnh Giao, Phó Trưởng khoa Du lịch và khách sạn Trường Cao đẳng Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực du lịch. (ảnh: Lê Phương)

Thạc sĩ Giao cho rằng cả đơn vị đào tạo và doanh nghiệp cần xác định và áp dụng mô hình 2 là 1 gồm “nhà trường của doanh nghiệp”, “nhà trường trong doanh nghiệp”, “doanh nghiệp trong nhà trường”. Đồng thời bà Giao đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cần tăng cường hệ thống pháp lý quy chế, văn bản, tiêu chí có chính sách xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo. Còn các trường đào tạo tìm hiểu nhu cầu của người học trong việc tiếp cận với doanh nghiệp, tránh tình trạng áp đặt họ vào các hình thức liên kết theo cách cung ứng các sản phẩm mình.

Cần chú ý đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực

Phát biểu tổng kết buổi toạ đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá cao chất lượng buổi toạ đàm với nhiều nội dung thiết thực và mong các câu lạc bộ khác sẽ học tập điều này.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng nội dung toạ đàm bàn các vấn đề thực tế đang đòi hỏi như từ ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động đào tạo trong lĩnh vực du lịch, đến công nghệ giáo dục, ứng dụng của khoa học giáo dục...

Đặc biệt, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh thêm hai nội dung để định hướng hoạt động của các trường ngày càng tốt hơn.

Thứ nhất cần chú ý đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực. “Chúng ta bàn chiến lược phát triển chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, nhưng hiện nay không riêng với lĩnh vực này mà tất cả các lĩnh vực khác của đất nước đang thiếu quy hoạch cơ cấu phát triển nguồn nhân lực”, Tiến sĩ Khuyến nói.

Tiếp nối ý này, ông Khuyến cho rằng ở ta đang tách 2 mảng gồm giáo dục đào tạo liên quan đến đại học và mảng giáo dục nghề nghiệp. Hai mảng này ở “hai chân trời khác nhau”, đây là điều tối kỵ đối với bất kỳ nền giáo dục của tất cả các quốc gia.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá cao chất lượng buổi toạ đàm (ảnh: Lê Phương)
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá cao chất lượng buổi toạ đàm (ảnh: Lê Phương)

"Hai mảng có hai chiến lược khác nhau thì làm sao tạo ra cơ cấu chất lượng nhân lực hợp lý. Chúng ta nói nhiều chuyện “thừa thầy thiếu thợ”, hệ thống giáo dục chúng ta đang bị tách 2 mảng khác nhau theo hai kênh quản lý nhà nước khác nhau, một bên của Bộ Giáo dục và Đạo, một bên Bộ Lao động thương binh và xã hội. Vừa rồi góp ý cho Thủ tướng về chiến lược do hai Bộ trình lên, Hiệp hội đã kiến nghị rằng chỉ nên có một chiến lược duy nhất thôi nếu 2 chiến lược cùng chạy thì nhân lực sẽ khập khiễng. Phải sửa hệ thống giáo dục quốc dân và chỉ nên có một chiến lượng phát triển giáo dục đào tạo cho một quốc gia”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định, đây là cơ hội để các cơ sở đào tạo cùng bàn kỹ vấn đề cơ cấu nhân lực như thế nào cho hợp lý. Lĩnh vực du lịch cần phải có nguồn nhân lực gì, trong điều kiện hiện nay đào tạo trình độ nào là thích hợp chứ không thể lộn xộn đại học rồi nghề. Bên cạnh đó, phải tính đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi nhân lực sẽ điều chỉnh theo như thế?.

Vấn đề thứ hai các cơ sở đào tạo cần quan tâm là chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Đây là vấn đề rất quan trọng đòi hỏi phải có chuẩn tối thiểu. Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng nói vấn đề này. Nếu nhấn mạnh yếu tố chất lượng thì phải theo chuẩn, khung trình độ quốc gia.

Theo Tiến sĩ Khuyến, giáo dục nước ta đặt chuẩn đầu ra nhưng mới ở mức từng ngành, từng chương trình như vậy quá chậm. Hiệp hội đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các câu lạc bộ thuộc Hiệp hội tham gia xây dựng các chuẩn. Bên cạnh đó, giáo dục nước ta phải theo chuẩn quốc tế, hiện tại mới theo chuẩn ASEAN nhưng sắp tới các trường nên nâng chuẩn cao hơn như ISCED phân loại tiêu chuẩn quốc tế do UNESCO ban hành áp dụng trên toàn thế giới.

“Toàn thế giới đều coi cao đẳng thuộc giáo dục đại học, còn ở chúng ta lại thuộc về giáo dục nghề nghiệp. Hai trình độ lại thuộc hai đơn vị quản lý khác nhau và với chuẩn khác thì làm sao liên thông được?”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến băn khoăn.

Tiến sĩ Khuyến cũng bày tỏ tâm đắc với việc các trường nhấn mạnh, chương trình đào tạo phải kết nối với doanh nghiệp. Ông ủng hộ việc phải thu hút được các đơn vị tuyển dụng tham gia xây dựng chương trình. Việc kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp rất quan trọng vì sẽ đảm bảo được chất lượng đào tạo của các trường. Từ yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, các trường sẽ điều chỉnh chương trình để phù hợp với xu hướng của quốc tế, giúp người học ra trường có cơ hội việc làm cao.

Công nhận thêm 11 đơn vị đào tạo tham gia Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch (ảnh: Lê Phương)
Công nhận thêm 11 đơn vị đào tạo tham gia Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch (ảnh: Lê Phương)

Công nhận 11 đơn vị tham gia Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch

Cuối buổi toạ đàm, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng công bố quyết định công nhận thêm 11 thành viên mới tham gia câu lạc bộ.

Đó là các trường: Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trường Đại học Yersin, Trường Đại học kiến trúc Đà Nẵng, Trường Cao đẳng du lịch Nguyễn Du, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Quy nhơn, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Thủ Dầu Một và Trường Đại học Đồng Tháp.

Việc đón nhận thêm nhiều thành viên tham gia sẽ giúp Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch ngày càng lớn mạnh, có nhiều hoạt động giao lưu, kết nối giúp nâng cao chất lượng đào tạo lĩnh vực du lịch nói riêng và giáo dục nói chung.

Lê Phương