Danh sách các mô hình giáo dục mở ở Việt Nam

03/05/2018 07:05
Thùy Linh
(GDVN) - Hiện nay, cả nước có 21 trường đại học có các chương trình đào tạo từ xa nhưng đến nay chỉ có 17 trường tuyển sinh được.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động cũng như nền giáo dục sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài, do đó giáo dục đại học cần có một hướng đi đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh trong nước cũng như quốc tế. 

Một xu hướng nổi bật trên thế giới hiện nay là thực hiện giáo dục mở tại các cơ sở giáo dục đại học. 

Theo khung pháp luật của Việt Nam, có thể nhận thấy giáo dục mở theo định nghĩa trên có sự giao thoa nhất định với giáo dục từ xa.

Giáo dục mở giống với giáo dục trực tuyến ở khía cạnh sử dụng các phương tiện để người học có thể không cần đến tận cơ sở giáo dục vẫn có thể thực hiện được hoạt động. 

Các cấu phần của giáo dục mở (Ảnh chụp màn hình)
Các cấu phần của giáo dục mở (Ảnh chụp màn hình)

Trong hoàn cảnh ở Việt Nam, Tiến sĩ Lê Văn Nam (Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) và Thạc sĩ Hứa Phương Linh (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, giáo dục mở đang được chia thành mô hình trực tuyến và truyền thống. 

Mô hình giáo dục mở trực tuyến được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng kỹ thuật số và do các tổ chức giáo dục không phải là cơ sở giáo dục đại học (không thuộc hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam) cung cấp. 

Mô hình giáo dục mở truyền thống được xây dựng trên nền tảng kỹ thuật số kết hợp với cách thức giáo dục truyền thống và do các trường đại học cung cấp.  

Thứ nhất, mô hình giáo dục mở trực tuyến 

Với ưu điểm là học phí của các khóa học thấp hơn so với hình thức giáo dục truyền thống, cùng với đó là thời gian học tập linh hoạt và nội dung khóa học có thể được truy cập ở bất kì đâu, các tổ chức giáo dục trực tuyến đang trở nên phổ biến và dần trở thành sự lựa chọn của đông đảo mọi người. 

Đặc biệt, hình thức học tập trực tuyến đem đến cho học viên sự tự do lựa chọn khóa học mong muốn, nhờ đó có thể nhanh chóng cải thiện kiến thức hay kĩ năng còn yếu. 

Đi đầu về giáo dục trực tuyến tại Việt Nam hiện nay là FUNiX và Topica Uni. 

Danh sách các mô hình giáo dục mở ở Việt Nam ảnh 2Sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục truyền thống và hệ thống giáo dục mở

Hiện nay hệ thống đào tạo của FUNiX gồm 8 tín chỉ tương đương 8 khóa học khác nhau.

Học viên có thể học riêng lẻ từng tín chỉ theo nhu cầu cá nhân hoặc học cả 8 tín chỉ theo một trình tự nhất định và nhận bằng cử nhân công nghệ thông tin do đại học FUNiX cấp. 

Topica Uni là một tổ chức giáo dục cung cấp hạ tầng hạ tầng công nghệ dịch vụ cho 11 trường đại học của Việt Nam, Mỹ và Philippines để triển khai đào tạo cử nhân trực tuyến. 

Hiện nay Topica Uni cung cấp 6 ngành đào tạo cử nhân, bao gồm quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, luật và luật kinh tế.

Cùng với đó, Topica Uni còn cung cấp các khóa học để cải thiện kĩ năng làm việc thực tế, được giảng dạy bởi các doanh nhân và những người có nhiều kinh nghiệm làm việc chuyên môn. 

Với hình thức học tập trực tuyến, ngoài việc tiếp cận với nguồn kiến thức rộng lớn ở nhiều lĩnh vực, học viên còn có thể tự do trao đổi với nhau qua cổng thông tin của khóa học, tham gia vào các buổi thảo luận, giải đáp, phản biện với giảng viên. 

Thứ hai, mô hình giáo dục mở truyền thống


Việc áp dụng giáo dục mở ở các cơ sở giáo dục đại học truyền thống sẽ đem lại những lợi ích to lớn. 

Cùng với lợi ích chính về mở rộng cơ hội giáo dục đến với mọi người và cải thiện chất lượng học tập, giáo dục mở cũng đem lại nhiều lợi ích khác như: 

- Giới thiệu được những thành quả nghiên cứu mà cơ sở giáo dục đại học đang sở hữu, quảng bá hình ảnh và chất lượng của các khóa học cũng như của nhà trường và nhờ đó thu hút được nhiều sinh viên theo học.

Danh sách các mô hình giáo dục mở ở Việt Nam ảnh 3Giảng viên đề xuất 9 giải pháp phát triển mô hình đại học theo hướng mở

Thông qua đó, nhà trường có thể tăng nguồn thu từ phí nhập học và học phí hàng năm của sinh viên.

- Cung cấp cho sinh viên cơ hội để truy cập và xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân.

Lợi ích có được là sinh viên sẽ học tập chủ động và nhanh hơn nhờ vào lộ trình học tập rõ ràng đã được đề ra và nhờ đó giảm tỉ lệ nghỉ học và bỏ học giữa chừng cũng như tăng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp.

Từ đó uy tín của nhà trường sẽ được gia tăng và nguồn thu từ học phí sẽ không bị mất hụt giữa chừng.

- Giảm thời gian chuẩn bị cũng như sửa đổi tài liệu cho nhà trường. Nếu sử dụng nguồn tài liệu in ấn xuất bản truyền thống, mỗi khi có những sai sót hay đổi mới trong nguồn tài liệu, chi phí cho việc thay đổi là tương đối lớn. 

Trong khi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kiến thức luôn thay đổi từng ngày. Những kiến thức đúng đắn trong hôm nay có thể không còn chính xác trong tương lai gần.

Bằng việc sử dụng các nguồn tài liệu số, khi có những thay đổi, cập nhật về nội dung giáo trình, việc xử lí sẽ trở nên đơn giản, nhanh chóng và giảm đáng kể nguồn chi phí.  

- Tăng cường tốc độ lan truyền và mức độ phổ biến của những phát minh, sáng chế mới của nhà trường.

Nếu không ứng dụng công nghệ thông tin và chia sẻ các thành tựu đạt được trong quản lý giáo dục hay sáng chế, sẽ chỉ có một số ít người có liên quan biết đến những thành quả này. 

Các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đã có những quan tâm nhất định đến mô hình giáo dục mở truyền thống. 

Tuy nhiên, việc thực sự áp dụng giáo dục mở theo nghĩa rộng với việc chia sẻ học liệu mở một cách rộng rãi cũng như áp dụng hoàn toàn hình thức đào tạo trực tuyến không cần các trạm đào tạo thực tế chưa được áp dụng ở Việt Nam. 

Ngay cả giáo dục từ xa hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, cả nước có 21 trường đại học có các chương trình đào tạo từ xa nhưng đến nay chỉ có 17 trường tuyển sinh được. 

Trong khoảng ba năm từ 2015 đến 2017 quy mô đào tạo từ xa giảm sút. Năm 2012, có 17 trường đại học đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo từ xa với 90 chương trình đào tạo

Quy mô sinh viên đã giảm đáng kể, từ 161.047 sinh viên (tháng 10/2012) chiếm 6% so với tổng số sinh viên đại học, cao đẳng toàn quốc, giảm xuống chỉ còn 70.425 sinh viên (tháng 10/2016).

Thùy Linh