Đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến phải gắn với chuẩn đầu ra

18/12/2021 06:38
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến cần chú ý đến chương trình và nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học, hoạt động kiểm tra đánh giá, hạ tầng kỹ thuật.

Chia sẻ tại Hội thảo "Đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học Việt Nam", Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, trong hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo trực tuyến, thực hiện kiểm định, đảm bảo chất lượng phải gắn với chuẩn đầu ra.

Theo Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, trong bối cảnh hoạt động dạy học trực tuyến còn nhiều khó khăn, thách thức, việc đảm bảo chất lượng cũng là một vấn đề cần phải lưu tâm.

Hội thảo "Đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học Việt Nam" được tổ chức ngày 15/12 kết nối hơn 300 điểm cầu trên cả nước. (Ảnh: PM)

Hội thảo "Đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học Việt Nam" được tổ chức ngày 15/12 kết nối hơn 300 điểm cầu trên cả nước. (Ảnh: PM)

Nguyên tắc quan trọng của đảm bảo chất lượng là tiếp cận đào tạo theo chuẩn đầu ra. Một khi đã công bố chuẩn đầu ra thì hoạt động dạy học là phải giúp người học thực hiện được chuẩn đầu ra đó. Thực hiện nguyên tắc này sẽ giúp công tác đảm bảo chất lượng được tiến hành thuận lợi nhất.

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy cho biết, có 4 yếu tố quan trọng liên quan đến vấn đề đảm bảo chất lượng trong dạy học trực tuyến, bao gồm chương trình và nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học, hoạt động kiểm tra đánh giá, hạ tầng kỹ thuật và nguồn học liệu.

Đảm bảo chất lượng về chương trình và nội dung đào tạo

Muốn đảm bảo chất lượng chương trình và nội dung đào tạo, chuẩn đầu ra, nội dung giảng dạy của học phần phải đảm bảo thực hiện được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Nội dung giảng dạy trực tuyến phải bám sát chuẩn đầu ra và nội dung được nêu trong đề cương học phần, đảm bảo thực hiện được các chuẩn đầu ra của học phần và chương trình đào tạo.

Tiến sĩ Huy nêu ra nguyên lý thực hành tổ chức dạy học gồm: Xác định rõ Chuẩn đầu ra; Quyết định lựa chọn phương thức kiểm tra, đánh giá để đo lường mức độ đạt được Chuẩn đầu ra; Tổ chức các hoạt động dạy và học để cho phép sinh viên phát triển kỹ năng, tri thức, phẩm chất hành vi đã được mô tả trong Chuẩn đầu ra và đo lường thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá; Lựa chọn nội dung/học liệu cần có để hỗ trợ các hoạt động dạy và học.

Theo đó, giảng viên có nhiệm vụ xác định các chuẩn đầu ra của học phần phù hợp, các nội dung giảng dạy trực tuyến của học phần phù hợp với chuẩn đầu ra và cập nhật đề cương học phần đáp ứng yêu cầu đào tạo trực tuyến.

Các khoa, bộ môn có nhiệm vụ đảm bảo mức độ phù hợp của chuẩn đầu ra và nội dung giảng dạy trực tuyến của học phần với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Thông qua đề cương học phần đã được giảng viên cập nhật; Quyết định các phương án, tỷ lệ nội dung được tổ chức giảng dạy theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.

Nhiệm vụ của nhà trường là xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo trực tuyến, quyết định phương thức, khối lượng tổ chức đào tạo trực tuyến, xác lập các nguyên tắc xây dựng và lựa chọn nội dung đào tạo trực tuyến cho các chương trình đào tạo.

Đảm bảo chất lượng hoạt động dạy và học

Các hoạt động dạy và học phải được thiết kế phù hợp với hoạt động đào tạo trực tuyến và phương thức đào tạo kết hợp để đạt được chuẩn đầu ra của học phần đồng thời thúc đẩy việc rèn luyện các kỹ năng, nâng cao khả năng học tập suốt đời của người học.

Để đảm bảo chất lượng hoạt động dạy và học, giảng viên cần xây dựng kế hoạch giảng dạy, thiết kế các hoạt động, kịch bản giảng dạy chi tiết; Xây dựng lịch trình học tập, cách thức tổ chức các hoạt động học tập khác nhau; Xây dựng video bài giảng để người học có thể chủ động tiếp cận và học tập.

Ngoài ra, giảng viên phải biết sử dụng các công cụ, phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến có tính tương tác; Kết nối và hỗ trợ người học kịp thời; Thực hiện các hoạt động tuyên dương, khuyến khích, ghi nhận sự tham gia tích cực của người học; Rà soát, đánh giá để cải tiến các hoạt động dạy và học trực tuyến.

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy chia sẻ về vấn đề đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến tại Hội thảo. (Ảnh: PM)

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy chia sẻ về vấn đề đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến tại Hội thảo. (Ảnh: PM)

Các khoa, bộ môn cần xác định và cụ thể hóa các hoạt động của giảng viên và người học phù hợp với phương thức đào tạo trực tuyến; Hướng dẫn giảng viên thiết kế các phương giảng dạy/học tập phù hợp nhằm thúc đẩy việc rèn luyện các kỹ năng thiết yếu, kỹ năng mềm cho người học.

Đơn vị đào tạo phải xây dựng quy trình thực hiện các phương pháp dạy học trực tuyến và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến có hiệu quả; Tổ chức lấy ý kiến phản hồi và chỉ đạo cải tiến hoạt động dạy và học trực tuyến; Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động dạy học trực tuyến; Tổ chức hội thảo, hội nghị tổng kết để đánh giá và rút kinh nghiệm trong dạy và học trực tuyến; Sắp xếp bổ sung giảng viên hoặc trợ giảng cho những lớp học trực tuyến.

Đảm bảo chất lượng trong hoạt động kiểm tra đánh giá

Để thực hiện tốt việc đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm tra đánh giá, cần bám sát quy định tại đề cương học phần và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của học phần; Tuyên bố rõ ràng và công khai tới người học các quy định về đánh giá kết quả học tập của người học. Đồng thời, cần sử dụng phương pháp đánh giá kết quả học tập đa dạng, phù hợp với bối cảnh giảng dạy trực tuyến, đồng thời, đảm bảo tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng; Phản hồi kịp thời, nhanh chóng kết quả đánh giá tới người học.

Giảng viên cần căn cứ chuẩn đầu ra để lựa chọn hình thức và nội dung kiểm tra, đánh giá phù hợp với phương thức đánh giá trực tuyến. Bên cạnh đó phải cung cấp cho người học các hướng dẫn, quy định cụ thể về hoạt động kiểm tra, đánh giá; Tích cực sử dụng phương thức đánh giá quá trình trong giảng dạy trực tuyến để điều chỉnh việc dạy và học; Sử dụng các công cụ xây dựng bài kiểm tra trắc nghiệm trực tuyến phổ biến, đáng tin cậy, có độ bảo mật cao để tạo các bài thi, kiểm tra. Đặc biệt, các bài kiểm tra, đánh giá phải có thang điểm và tiêu chí chấm rõ ràng, công bố công khai cho người học.

Các khoa, bộ môn có nhiệm vụ thẩm định và thông qua phương án kiểm tra, đánh giá đề xuất của giảng viên phụ trách học phần; Biên soạn các tài liệu hướng dẫn giảng viên trong việc thiết kế các phương pháp/công cụ kiểm tra, đánh giá phù hợp với mức độ đạt được chuẩn đầu ra của các học phần.

Đơn vị đào tạo sẽ xây dựng quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học phù hợp với phương thức đào tạo trực tuyến; Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động kiểm tra, đánh giá trực tuyến; Tổ chức hội thảo, hội nghị tổng kết để đánh giá và rút kinh nghiệm trong kiểm tra, đánh giá trực tuyến.

Đảm bảo chất lượng về hạ tầng kỹ thuật và nguồn học liệu

Cụ thể là cần đảm bảo tính bảo mật, an toàn và an ninh mạng đối với hệ thống đào tạo trực tuyến.

Hệ thống đào tạo trực tuyến cần đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về khối lượng giảng dạy, tương tác dạy và học, khả năng vận hành trên nhiều loại thiết bị phần cứng.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật cho người dùng sử dụng hệ thống đào tạo/lớp học trực tuyến một cách thuận lợi; Nguồn học liệu được cập nhật và số hoá để người dùng có thể truy cập và sử dụng trong quá trình dạy và học trực tuyến; Có cơ chế và công cụ trực tuyến để thu thập ý kiến phản hồi về chất lượng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và nguồn học liệu để cải tiến chất lượng hoạt động đào tạo trực tuyến.

Giảng viên cần ưu tiên sử dụng những hệ thống đào tạo trực tuyến có bản quyền/ miễn phí, hoặc phần mềm mã nguồn mở, có độ an toàn về bảo mật thông tin; Chịu trách nhiệm bảo quản thông tin (tài khoản, mật khẩu…) để tham gia giảng dạy trực tuyến; Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phù hợp để tổ chức giảng dạy trực tuyến; Thường xuyên báo cáo hoặc phản hồi các thông tin về hạ tầng, kỹ thuật và nguồn học liệu cho bộ phận/đơn vị chuyên trách để khắc phục và cải tiến hệ thống đào tạo trực tuyến.

Các khoa, bộ môn có nhiệm vụ phối hợp với thư viện để bổ sung học liệu hoặc phối hợp tổ chức số hóa học liệu; Thường xuyên hỗ trợ, theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy – học trực tuyến của giảng viên, người học; Thông báo kịp thời với Nhà trường khi phát hiện các lỗi về bảo mật hệ thống, các khó khăn trong quá trình triển khai đào tạo trực tuyến.

Đơn vị đào tạo cần ban hành các quy định việc sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến; Lựa chọn hệ thống đào tạo trực tuyến phù hợp; Đảm bảo hạ tầng kết nối; Tổ chức giới thiệu và hướng dẫn người dùng sử dụng hệ thống, công cụ, ứng dụng đào tạo trực tuyến; Khuyến khích và hỗ trợ giảng viên sản xuất bài giảng dưới dạng video; Phối hợp với thư viện của trường số hóa các học liệu bắt buộc; Thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật/nhóm chuyên trách; Thường xuyên cập nhật, kiểm tra, rà soát tính bảo mật của hệ thống; Thường xuyên tổ chức lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan về chất lượng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và nguồn học liệu.

Phạm Minh