Đại trà dạy học trực tuyến chỉ mang lại thuận lợi cho một bộ phận nhỏ học sinh

07/09/2021 06:58
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy học qua truyền hình là phương thức dạy học truyền thống, đã được triển khai rất phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước, có ưu việt là dễ tiếp cận.

Vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính kiến nghị quan trọng trong triển khai hoạt động dạy và học ở mùa đại dịch Covid-19.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, vấn đề mà Hiệp hội muốn tập trung đề cập là việc nên lựa chọn phương thức dạy học ở khối giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay theo hình thức dạy học trực tuyến hay dạy học qua truyền hình.

Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, dạy học trực tuyến chỉ mang lại thuận lợi cho một bộ phận nhỏ học sinh (ảnh minh họa: Thùy Linh)

Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, dạy học trực tuyến chỉ mang lại thuận lợi cho một bộ phận nhỏ học sinh (ảnh minh họa: Thùy Linh)

Bởi lẽ, theo tìm hiểu của Hiệp hội cho thấy, dạy học trực tuyến (qua Internet) là phương thức dạy học mới xuất hiện, cho phép khoán gọn hoạt động này tới tận từng địa phương, từng cơ sở giáo dục, thậm chí tới từng giáo viên, nhưng có nhược điểm là đòi hỏi công nghệ cao, không phải mọi học sinh đều có điều kiện thụ hưởng.

Dạy học qua truyền hình là phương thức dạy học truyền thống, đã được triển khai rất phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, có ưu việt là dễ tiếp cận tới tận từng người học, bất kể giàu nghèo, có chi phí thấp nếu tận dụng được hệ thống mạng lưới truyền hình trung ương và địa phương. Điểm khó chỉ là ở chỗ phương thức này đòi hỏi cơ quan quản lý cấp cao về giáo dục phải chỉ đạo tập trung, phải biết hợp tác tốt với nhiều cơ quan quản lý khác ở tầm quốc gia .

Hiệp hội cho rằng, khi lựa chọn dành ưu tiên áp dụng đại trà cho phương thức dạy học trực tuyến cho cả 3 cấp học của giáo dục phổ thông sẽ dẫn tới nhiều rủi ro, chỉ mang lại thuận lợi cho một bộ phận nhỏ học sinh trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

Những rủi ro đó bao gồm như hạn chế kết quả học tập cho phần lớn học sinh, đặc biệt đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở, xét trên cả phương diện sức khỏe (bệnh về mắt) và phương diện tâm lý lứa tuổi, nếu đại dịch tiếp tục kéo dài.

Và gây khó khăn lớn cho gia đình và học sinh ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gặp khó khăn trong thu nhập kinh tế, đặc biệt ngay trong mùa dịch Covid-19 này. Kết quả dẫn tới sẽ là hiện tượng học sinh bỏ học nhiều, tạo nên hậu quả rất khó lường hết.

Từ phân tích trên, lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai ngay việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh khối giáo dục phổ thông, đặc biệt đối với các cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, như Hà Nội và một số địa phương khác đã làm rất hiệu quả ở đợt dịch thứ nhất (tháng 3-5/2020).

Trước đó, khi tình hình dịch COVID-19 phức tạp ở làn sóng đầu tiên tại Việt Nam, ngày 20/2/2020 Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam có gửi Thủ tướng kiến nghị giải pháp cho học sinh – sinh viên được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình trên cả nước trong mùa dịch COVID-19.

Để lý giải rõ hơn về kiến nghị trên, ngày 26/2/2020, Hiệp hội gửi Thủ tướng thuyết minh giải pháp cho học sinh- sinh viên được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình trên cả nước trong mùa dịch COVID-19.

Đến ngày 2/3/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tiếp tục có kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng về việc cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch COVID-19 trong đó có phương thức dạy học qua truyền hình.

Ngày 23/3/2020, Hiệp hội kiến nghị một số giải pháp bổ sung trong triển khai phương thức dạy học từ xa trong mùa dịch COVID-19 gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhấn mạnh đến phương thức dạy học qua truyền hình.

Thùy Linh