Đại học tự chủ rồi, bao giờ đến cao đẳng?

13/02/2021 06:40
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần loại bỏ những ràng buộc mang tính xin - cho, thay bằng hành lang pháp lý cùng cơ chế giải trình, cơ chế hậu kiểm giúp các trường cao đẳng thực hiện tự chủ.

Tự chủ trong giáo dục là mối quan tâm đặc biệt đối với các trường đại học, cao đẳng hiện nay.

Trong lĩnh vực giáo dục đại học, những "nút thắt" đang dần được tháo gỡ, các hành lang pháp lý hỗ trợ cho cơ chế tự chủ từng bước được xây dựng, được áp dụng, và được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, dù đã có những quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì các trường cao đẳng hiện nay vẫn gặp phải nhiều rào cản, vướng mắc từ cơ chế xin cho.

Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng, các trường cao đẳng vẫn chưa có hành lang pháp lý đủ rộng để thực hiện tự chủ, vẫn phải áp dụng cơ chế xin - cho (Ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng, các trường cao đẳng vẫn chưa có hành lang pháp lý đủ rộng để thực hiện tự chủ, vẫn phải áp dụng cơ chế xin - cho (Ảnh: Thùy Linh)

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, thời gian gần đây dư luận đặc biệt quan tâm và tranh luận khá nhiều về tự chủ trong giáo dục. Ông có thể cho biết vì sao lại xảy ra tranh luận nhiều như vậy?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Có lẽ trước hết cần thống nhất cách hiểu về bản chất của tự chủ trong giáo dục. Bản chất của tự chủ trong giáo dục không phải là tự túc (tự đảm bảo tài chính) giống như cơ chế tự chủ đang áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp, cũng không phải là tự trị muốn làm gì thì làm, vì giáo dục là một lĩnh vực phức tạp, cần có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, các trường cần có trách nhiệm giải trình, và cần có sự giám sát, kiểm tra, điều phối từ các cơ quan quản lý và từ xã hội.

Bản chất của tự chủ trong giáo dục là xóa bỏ cơ chế dưới đề xuất - trên phê duyệt (còn gọi là cơ chế xin-cho), từng bước thay thế cơ chế này bằng cơ chế các trường được tự quyết trong hành lang pháp lý phù hợp, các trường tự vận động trong hành lang pháp lý đó. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước thay từ xem xét phê duyệt chuyển sang hậu kiểm. Mức độ tự chủ của các trường phụ thuộc vào các hành lang pháp lý nhiều hoặc ít (tự chủ trong nhiều lĩnh vực hay ít lĩnh vực), rộng hay hẹp (rộng thì các trường được chọn cách xoay xở sáng tạo, hẹp quá thì chỉ có một cách đi giống nhau).

Trong thời gian vừa qua có khá nhiều ý kiến về tự chủ trong giáo dục vì ba lý do. Thứ nhất, đây là lĩnh vực mới, nếu các hoạt động dịch vụ sản xuất đã chuyển sang cơ chế tự chủ từ 30 năm nay thì giáo dục đi sau 20 năm, vẫn hoạt động chủ yếu theo cơ chế hành chính kế hoạch hóa và mới bắt đầu nhúc nhích tự chủ những năm gần đây. Vì mới, nên có nhiều ngỡ ngàng, mò mẫm cả từ phía các trường lẫn phía cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai là trào lưu tự chủ trong giáo dục lại song hành với một trào lưu cũng gọi là tự chủ áp dụng riêng cho các cơ quan sự nghiệp công lập, với cơ chế tự chủ xây dựng trên nền tảng tự chủ tài chính (tự chủ dựa trên mức độ tự túc) gây nhầm lẫn giữa hai trào lưu cùng thời, cùng tên gọi nhưng khác biệt về bản chất. Thứ ba hệ thống giáo dục gồm cả trường công và trường tư, về góc độ chuyên môn nghiệp vụ nói chung giống nhau, nhưng góc độ tài chính tài sản và tổ chức nhân sự khác nhau rất nhiều – một hành lang pháp lý áp dụng phù hợp cho khối trường công có thể không phù hợp với trường tư và ngược lại.

Phóng viên: Hiện nay các trường đại học và các trường cao đẳng hoạt động theo hai luật khác nhau (Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục Nghề nghiệp), và do hai bộ khác nhau quản lý (Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh Xã hội). Khác nhau về luật và về cơ quan quản lý có dẫn đến các khác biệt về tự chủ cho các trường đại học và cao đẳng không thưa ông?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Luật Giáo dục Đại học 2012, Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 nêu rõ các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp – trong đó bao gồm các trường đại học, cao đẳng – được tự chủ trong chuyên môn học thuật, tài sản tài chính và tổ chức nhân sự.

Trong lĩnh vực giáo dục đại học, các hành lang pháp lý hỗ trợ cho cơ chế tự chủ từng bước được xây dựng, được áp dụng, và được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018. Từ tháng 7 năm 2019, các trường đại học khi đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo chất lượng thì được tự chủ hoàn toàn trong việc mở ngành đào tạo, trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh và trong liên kết hợp tác liên kết quốc tế.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định rõ “cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ trong các hoạt động thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế… theo quy định của pháp luật” (điều 25), nhưng rất tiếc là đến nay đã bước sang năm thứ 7 vẫn chưa xây dựng được hành lang pháp lý cho cơ chế tự chủ, và vẫn áp dụng cơ chế xin-cho. So với các trường đại học thì các trường cao đẳng đúng là bị nhiều ràng buộc hạn chế và chịu nhiều thiệt thòi.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những bất cập với các trường cao đẳng khi các trường vẫn còn chịu nhiều sự ràng buộc trong thực hiện tự chủ không ạ? Cụ thể, đối với vấn đề mở ngành, vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh thì sự ràng buộc đó được biểu hiện như thế nào?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Nghị định 143/2016/NĐ-CP của chính phủ, sửa đổi bởi Nghị định 140/2018/NĐ-CP về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định chi tiết về thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký lần đầu và đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đây là một dạng giấy phép con. Sau khi thành lập, các trường cao đẳng cần làm thủ tục đăng ký về ngành nghề, chỉ tiêu, địa điểm với cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình hoạt động, các trường cao đẳng thường xuyên phải làm thủ tục đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp với những hoạt động lẽ ra thuộc quyền tự chủ của các trường theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp về tự chủ trong chuyên môn học thuật, ví dụ như thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh hoặc mở ngành đào tạo mới. Các trường cao đẳng nếu lỡ “tự chủ” không làm thủ tục đăng ký bổ sung có thể sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước chế tài theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Phóng viên: Thưa ông, còn việc liên kết hợp tác quốc tế thì còn chịu sự ràng buộc nào không, trong khi chúng ta đang phát triển theo xu hướng giáo dục mở, nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Theo Nghị định 15/2019/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục Nghề nghiệp, việc hợp tác liên kết giáo dục nghề nghiệp với nước ngoài của các trường cao đẳng vẫn phải do cơ quan nhà nước cấp phép (điều 24).

Phóng viên: Theo ông, những quy định xin-cho như trên đang gây khó khăn, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động đào tạo cũng như việc nâng cao chất lượng và sự phát triển nói chung của các trường cao đẳng như thế nào?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Cơ chế xin-cho ảnh hưởng đến mức độ thích ứng nhanh của các trường trong việc đáp ứng sự thay đổi rất nhanh chóng của xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, khi không phải mạnh được yếu thua, mà ai nhanh người đó sẽ chiến thắng.

Cơ chế xin cho cũng không phải là môi trường khuyến khích sáng tạo đổi mới – khi đây lại đang là một yếu tố cơ bản định hình và phát triển đất nước hiện nay. Nhưng điều lo ngại nhất là các trường hoạt động trong cơ chế xin-cho sẽ có các lãnh đạo với tư duy xin-cho, có các cán bộ giảng viên với tư duy xin-cho, và cuối cùng đào tạo ra những con người với tư duy xin-cho.

Phóng viên: Ông có thể đề xuất một số giải pháp nhằm gỡ bỏ những vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ ở các trường cao đẳng hiện nay không?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Vấn đề quan trọng nhất là các cơ quan chức năng cần nhận thức việc triển khai cơ chế tự chủ cho các trường cao đẳng là rất quan trọng. Hiện đã sang năm thứ 7, và tiếp tục “treo” cơ chế tự chủ sang năm thứ 8 kể từ khi có quy định tự chủ trong Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 là khó chấp nhận được.

Thay đổi nhận thức là việc khó, còn thực hiện thì đơn giản. Chỉ cần Bộ Lao động Thương binh Xã hội soạn thảo sửa đổi các Nghị định 143/2016/NĐ-CP, 140/2018/NĐ-CP, 15/2019/NĐ-CP theo hướng bỏ đi những gì mang tính xin-cho và thay bằng bằng hành lang pháp lý cùng cơ chế giải tình, cơ chế hậu kiểm – có thể tham khảo các quy định tự chủ cho các trường đại học - rồi trình chính phủ ký là xong. Tuy nhiên việc này phải khẩn trương thỉ mới kịp để áp dụng cho năm học 2021-2022, còn nếu cứ túc tắc đến đâu thì đến thì cơ chế tự chủ cho các trường cao đẳng tiếp tục “treo” sang năm thứ 8 là hiện thực có thể nhìn thấy trước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Minh