Còn mô hình Hội đồng 2 cấp thì các trường đại học thành viên rất khó tự chủ

07/06/2021 06:59
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bởi lẽ trong đại học vùng, thì Đại học đóng vai trò vừa là cơ quan chủ quản của trường thành viên, vừa là đơn vị sự nghiệp thực hiện vai trò quản trị.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục ghi nhận ý kiến từ Chủ tịch Hội đồng đại học/ Hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng qua quá trình thành lập, kiện toàn và hoạt động Hội đồng trường thời gian vừa qua.

Theo đánh giá, hiện nay 2 đại học quốc gia, đại học vùng với đặc thù là nhiều trường thành viên trong khi bản thân đại học quốc gia, đại học vùng đã có Hội đồng đại học mà đại học thành viên vẫn tồn tại Hội đồng trường dẫn đến các cơ sở còn lúng túng trong triển khai vì đây không khác gì là hội đồng 2 cấp khi thực hiện Luật Giáo dục đại học 2018 (còn gọi là Luật 34) và Nghị định 99.

Trước thực tế này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường của một trường thành viên nằm trong đại học vùng (đề nghị không nêu tên) cho rằng, về tinh thần của Luật 34 là “luật về tự chủ đại học”. Xét về phía cạnh này thì mô hình đại học vùng như hiện nay rất gượng ép.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

“Nếu mô hình School trong University như các nước là rất hợp lí. Còn ở chúng ta Trường thành viên là một đơn vị độc lập, rất nhiều vấn đề vẫn chịu sự quản lí nhà nước trực tiếp từ Bộ chủ quản và chịu thêm 1 bậc trung gian là đại học vùng. Mặc dù, có vẻ giống mô hình tổ chức của Đại học Quốc gia, nhưng đại học vùng bị phụ thuộc rất nhiều.

Cũng có vẻ giống mô hình “công ti mẹ công ti con”, nhưng hoạt động không phải vậy. Vì trong thực tế, theo quy định hiện nay, nhiều quyết định và chịu trách nhiệm giải trình xã hội chủ yếu vẫn thuộc về các đại học thành viên”, vị này nêu quan điểm.

Chưa kể, mối quan hệ giữa Hội đồng Đại học, Giám đốc Đại học và Hội đồng trường thành viên cũng là một vấn đề lớn, chưa thực sự rõ ràng. Những quy định ở Điều 16 nhiều vấn đề rất khó phân định giữa trách nhiệm của Đại học và trường thành viên.

Tất nhiên về lí là các đại học vùng sẽ phân định. Nhưng thực tế, vì nhiều vấn đề khác nhau, nên rất khó cụ thể ra. Xét về bản chất của “tự chủ” thì mọi thứ phải được chính tập thể (tức hội đồng trường) thông qua một cách rõ ràng, để thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Trong khi, không phân định rõ ràng thì trách nhiệm cũng không rõ ràng. Vì thế, Chủ tịch Hội đồng trường này cho rằng, để duy trì mô hình đại học vùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn, thì mô hình Hội đồng 2 cấp mới có thể phát huy tác dụng.

Chưa kể, trong đại học vùng, thì Đại học đóng vai trò vừa là cơ quan chủ quản của trường thành viên, vừa là đơn vị sự nghiệp thực hiện vai trò quản trị. Khi mọi việc chưa được quy định rạch ròi thì khó cho các trường thành viên tự chủ. Mặc khác, vì có cơ quan chủ quản và Hội đồng đại học thực hiện quản trị, nên có thể các trường thành viên ỉ lại, làm chậm đi quá trình tự chủ đại học.

Hơn nữa, trong mô hình Đại học vùng hiện nay, ngoài các trường thành viên còn có Viện, Khoa trực thuộc. Nên vai trò vừa quản trị trực tiếp và vừa gián tiếp của Hội đồng Đại học rất khó hiệu quả. Chưa kể, ý thức trách nhiệm của các thành viên hội đồng vẫn còn chờ và nghe ngóng. Quyết định tập thể nên cũng chẳng sợ trách nhiệm. Khi mô hình chưa rõ, trách nhiệm chưa cao, thì vai trò Hội đồng không có tác dụng mà là lực cản.

Từ những bất cập như vậy, vị này nhấn mạnh, đại học 2 cấp là mô hình đặc thù ở Việt Nam và có tính lịch sử. Nay hội nhập quốc tế và hướng đến mô hình quản trị tiên tiến, có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh. Rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành để đại học vùng duy trì thế mạnh và bứt phá. Nếu không, đến một lúc nào đó sẽ rơi thế khó như “sự cố” Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa rồi.

Trong khi đó, là một trường đại học không trực thuộc đại học vùng hay đại học quốc gia, Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng hoạt động của Hội đồng trường hiện nay vướng ở các văn bản luật hay hướng dẫn của Bộ, Ngành đối với một số vấn đề mới mà Luật 34 đã cho phép chưa đầy đủ; việc thực hiện còn một số rào cản pháp lý. Ví dụ:

Một là, vấn đề sử dụng tài sản công phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng nguồn thu cho trường (Luật 34 cho phép), tạo việc làm thêm cho sinh viên nghèo, phục vụ thực tập, trải nghiệm cho sinh viên ... còn nhiều khó khăn. Ví dụ phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, thời hạn tối đa 5 năm. Việc phê duyệt này về cơ bản chưa phù hợp với thực tế xã hội, cản trở quyền tự chủ của Hội đồng trường. Đây là vấn đề đặc biệt cần tháo gỡ.

Hai là, vấn đề lập doanh nghiệp trong trường, cũng lại liên quan đến tài sản công, đất công; liên quan đến viên chức trường và quy định chủ doanh nghiệp ... Nếu không là viên chức thì trường khó kiểm soát được hoạt động đúng chiến lược, quy định… của trường.

Ba là, vấn đề các Quyết định (dưới hình thức Nghị quyết của Hội đồng trường) về tổ chức, nhân sự (Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng); về phê duyệt các văn bản, chiến lược ... của trường thì có được các cơ quan, chính quyền như Kiểm toán, Thanh tra, chính quyền địa phương chấp nhận không? Được coi là cơ sở pháp lý để Hiệu trưởng làm theo không? (ví như, Hiệu trưởng phê duyệt 1 dự án đầu tư, kiểm toán có yêu cầu quyết định này đã được Hội đồng trường duyệt chưa?...).

Như vậy để thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có các thông tư hoặc hướng dẫn cụ thể hơn để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện hiệu quả vai trò của Hội đồng trường.

Thùy Linh