Chủ tịch HĐT, Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ theo luật, không nên bàn ai to hơn

03/11/2021 06:35
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luật đã quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, do đó, không nên tiếp tục tranh cãi ai là người đứng đầu trường đại học.

Bước vào con đường tự chủ, hoạt động quản trị đại học đã có nhiều thay đổi, từ cơ chế tập quyền chuyển sang cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình. Trước đây, quyền quyết định thuộc về cá nhân Hiệu trưởng thì sau khi tự chủ, nhà trường hoạt động theo nghị quyết tập thể: Hội đồng trường ra các quyết nghị và Hiệu trưởng quản lý, điều hành để thực hiện những quyết nghị của Hội đồng trường trên tinh thần tuân thủ các quy định tại luật và các văn bản dưới luật của nhà nước.

Cơ chế tự chủ không trao quyền cho cá nhân, các văn bản pháp luật cũng không quy định rõ ràng về người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập. Chính vì vậy, vấn đề này hiện vẫn gây tranh cãi và ảnh hưởng đến hoạt động quản trị của một số trường.

Không nên tranh cãi người đứng đầu trường đại học

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là quan hệ cộng sự, đồng cấp, không phải quan hệ cấp trên - dưới. (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là quan hệ cộng sự, đồng cấp, không phải quan hệ cấp trên - dưới. (Ảnh: Tùng Dương)

Chia sẻ về nội dung này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm, Hội đồng trường và Hiệu trưởng phải cùng phối hợp với nhau để lãnh đạo trường, không nên tranh cãi ai là người “to” nhất, ai là người đứng đầu.

Bởi thực tế, trách nhiệm, quyền hạn của hai chủ thể này đều đã được quy định rõ. Hội đồng trường đóng vai trò quản trị, còn Ban giám hiệu, cụ thể Hiệu trưởng đóng vai trò điều hành, quản lý.

Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho chủ sở hữu và các bên liên quan, trong khi đó, Ban giám hiệu là đại diện cho tập thể nhà trường trước pháp luật.

Dưới góc độ hoạt động của tập thể nhà trường thì Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm, còn xem xét định hướng phát triển của nhà trường thì Hội đồng trường phải chịu trách nhiệm. Hội đồng trường hoạt động theo nghị quyết tập thể nên không trao quyền cá nhân cho Chủ tịch hội đồng trường.

Một khi các chủ thể đã được phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm thì cần thực hiện đúng theo vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình.

Cụ thể, Luật 34 đã phân định về thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng chủ thể một cách rõ ràng.

Điều 16 Luật 34 nêu rõ về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng trường, là đại diện chủ sở hữu và các bên liên quan; Ban hành hệ thống pháp lý nội bộ để làm cơ sở quản lý, điều hành; Quyết định tất cả mọi vấn đề, trong đó có quyết định nhân sự Hiệu trưởng, bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm Phó Hiệu trưởng; Quyền, nghĩa vụ giám sát mọi hoạt động của nhà trường, công khai, giải trình, chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước những người mà mình đại diện thông qua những ràng buộc, chế tài của pháp luật.

Điều 20 Luật 34 cũng xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của Hiệu trưởng, Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động. Hiệu trưởng tổ chức thực hiện những gì mà Hội đồng trường đã quyết định; Trình và đề xuất Hội đồng trường quyết định những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; Báo cáo, giải trình và chịu sự thanh tra, kiểm tra giám sát của pháp luật, của Hội đồng trường.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, Giáo sư Phạm Phụ đã có những phân tích rất rõ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường và Hiệu trưởng cũng như mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng. Những quan điểm này đều nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của các chuyên gia.

Cụ thể, vai trò đầu tiên của Hội đồng trường phải nói đến là cầu nối giữa nhà trường với chủ sở hữu cộng đồng. Hội đồng trường nhận ủy thác của chủ sở hữu cộng đồng để thực hiện quyền sở hữu, quyền đại diện pháp lý và một phần quyền định đoạt lợi ích phát sinh để đảm bảo giá trị kinh tế - xã hội của nhà trường, đáp ứng được nhu cầu, những quan tâm của chủ sở hữu cộng đồng.

Thứ hai, Hội đồng trường có nhiệm vụ xây dựng chính sách, ví dụ như chính sách về chiến lược phát triển, chất lượng đào tạo, chi phí đào tạo,...

Nhiệm vụ thứ ba của Hội đồng trường là thông qua việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng các tiêu chí đã đặt ra cho các thành viên của nhà trường để đảm bảo sự hoàn thành nhiệm vụ của bộ phận thực thi.

Xét về trách nhiệm đối với xã hội, Hội đồng trường chỉ đứng sau chủ sở hữu cộng đồng và nhà nước. Hội đồng trường có nhiệm vụ bầu chọn hiệu trưởng, hiệu trưởng cũng là “nhân viên” duy nhất của Hội đồng trường.

Song, công việc của Hội đồng trường không phải loại công việc “chồng lên trên” công việc của Hiệu trưởng. Và Hiệu trưởng không có trách nhiệm đối với từng thành viên của Hội đồng trường, thậm chí đối với các ủy ban của Hội đồng trường (nếu có). Mối quan hệ giữa Hiệu trưởng và các thành viên của Hội đồng trường (bao gồm cả chủ tịch hội đồng trường) là cộng sự chứ không phải là cấp trên - dưới trong cấu trúc tập quyền mà là “quan hệ ngang hàng để hỗ trợ nhau”.

Ví dụ, đối với nhiệm vụ xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình, Hội đồng trường sẽ thiết lập các định hướng hoạt động, trong khi đó Hiệu trưởng làm công việc lập kế hoạch và ngân sách.

Hiệu trưởng là người có vị trí cao nhất trong “chủ thể thực thi”, là CEO của nhà trường, là “cầu nối” giữa Hội đồng trường và cán bộ nhà trường và chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường về việc hoàn thành nhiệm vụ của nhà trường.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường về: việc hoàn thành các mục tiêu theo định hướng mà Hội đồng trường xác định; không vi phạm những chính sách có liên quan đến “các giới hạn về mặt thực thi” do Hội đồng trường thiết lập. Hiệu trưởng có quyền ra quyết định tất cả các vấn đề có tính chất thực thi và nằm bên ngoài ba “quyền lực” đã nêu của Hội đồng trường.

Chia sẻ với phóng viên, Giáo sư Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nếu tiếp tục tranh cãi việc ai đứng đầu cơ sở giáo dục đại học thì sẽ là rào cản, gây khó khăn trong công việc, hoạt động của các trường.

Do mỗi trường hiểu một cách khác nhau, thậm chí các cơ quan quản lý trực tiếp của các trường cũng không thống nhất về cách hiểu nên vẫn còn những câu hỏi đặt ra về người đứng đầu trường đại học công lập. Vấn đề là phải phân định rõ vai trò của hiệu trưởng là gì? Vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường là gì? Nếu đã xác định rõ vai trò, vị trí của từng chủ thể thì công việc của nhà trường sẽ thuận lợi.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn cũng cho rằng, không nên tranh cãi giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng ai "to" quyền hơn. (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Trần Diệp Tuấn cũng cho rằng, không nên tranh cãi giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng ai "to" quyền hơn. (Ảnh: Phạm Minh)

“Dựa vào Luật 34/2018/QH14, rõ ràng, muốn các trường tự chủ thì Hội đồng trường phải là đơn vị đại diện chủ sở hữu và các bên liên quan. Như vậy, Hội đồng trường có vai trò rất quan trọng trong quản lý tài sản nhà trường, định hướng cho sự phát triển của trường.

Tôi cho rằng không nên phân định ai lớn, ai nhỏ giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, quan trọng là phải làm sao để hai bên có sự phối hợp tốt nhất, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mỗi người: Hiệu trưởng là người điều hành, Chủ tịch Hội đồng trường đứng đầu Hội đồng trường để thực hiện định hướng kế hoạch chiến lược phát triển cho nhà trường”, Giáo sư Trần Diệp Tuấn khẳng định.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, hiện nay có những luồng ý kiến khác nhau, tuy nhiên, không nên tiếp tục tranh cãi người đứng đầu trường đại học là ai. Thay vào đó, cần phải nhận thức đúng, rõ ràng về nhiệm vụ, chức trách của mỗi vị trí.

Những tranh cãi về việc ai có quyền to hơn ai sẽ là mầm mống của sự mất đoàn kết trong nội bộ nhà trường, điều này ảnh hưởng đến hoạt động cũng như sự phát triển của các trường”.

Cơ chế thuê hiệu trưởng vẫn còn vướng mắc khó thực hiện

Cũng theo quy định của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34/2018/QH14), nhân sự hiệu trưởng, nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng trường, điều này mở đường cho cơ chế thuê hiệu trưởng có thể dần được thực hiện.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định, đây là một hướng đi đúng để thu hút người tài vào làm quản lý, điều hành trường đại học.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này vẫn còn khó khăn trong bối cảnh hiện nay, bởi dù Luật 34 cho phép nhưng những văn bản dưới luật lại không cho phép cơ chế thuê Hiệu trưởng, như Nghị định 115/2020/NĐ-CP vẫn có quy định ràng buộc, chưa cho phép trường đại học có thể thuê Hiệu trưởng.

Ở một số nước, Hiệu trưởng do Hội đồng trường tuyển dụng, có thể là người trong trường, người ngoài trường, cá nhân nào đủ tiêu chuẩn sẽ nộp đơn ứng tuyển để tuyển chọn.

Những ứng viên tham gia ứng tuyển sẽ làm đề án về xây dựng trường, bảo vệ đề án trước Hội đồng trường, đó là cơ sở để Hội đồng trường lựa chọn nhân sự cho vị trí này.

Nếu chỉ có 1 ứng viên tham gia, anh vẫn phải xây dựng đề án, bảo vệ đề án, Hội đồng trường bỏ phiếu thông qua, nếu đạt mới được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, nếu không đạt thì tiếp tục tuyển dụng những ứng viên khác.

Đây là cách làm hay, đảm bảo sự trong sáng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, tránh được lo ngại về vấn đề lợi ích nhóm và tìm kiếm được những người có tài về quản lý, điều hành nhà trường.

Bàn về những đổi mới về cơ chế quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường cho rằng, hiểu đúng quy định của Luật 34 thì có thể thực hiện cơ chế thuê Hiệu trưởng, song, với việc tiến độ thực hiện tự chủ còn chậm như hiện nay, để thuê hiệu trưởng về quản lý điều hành trường đại học còn gặp rất nhiều khó khăn.

Phạm Minh