Cần có một nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ

24/11/2021 06:42
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi tự chủ, các trường không phải hoàn toàn “tự túc”, “tự bơi” về mặt tài chính mà được chủ động hơn về mọi mặt, trong đó có các quyết định về tài chính.

Trong cải cách giáo dục đại học, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Mục đích của chính sách này là để các trường đại học sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình, phản ứng tốt trước tác động của thị trường luôn thay đổi và với những yêu cầu mới của xã hội. Do vậy, trao quyền tự chủ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục đại học.

Tự chủ đại học ở nước ta đã được khởi động từ nhiều năm nay nhưng tiến triển rất chậm. Hiện nay vấn đề tự chủ đại học được cho là bước đột phá cần thiết, là biện pháp chủ đạo để tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển mạnh mẽ giáo dục đại học Việt Nam.

Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì vẫn đang có những cách hiểu không thống nhất giữa tự chủ và tự túc, thậm chí có nơi đánh đồng giữa 2 khái niệm này dẫn tới triển khai không đúng với tinh thần tự chủ.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)

Vậy tự chủ khác với tự túc như thế nào, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhằm giúp dư luận hiểu hơn về vấn đề này.

Thưa ông, thời gian qua có hiện tượng một số cơ sở giáo dục đại học tăng học phí “phi mã” với lý giải là để chuyển sang tự chủ. Ông đánh giá sao về việc này?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng, thực trạng tăng học phí có nguyên nhân từ việc các trường nhận được cơ chế tự chủ nhưng nhiều khi cố hiểu thành “tự túc”.

Bản chất tự chủ khác “tự túc”. Vì “tự túc” là Nhà nước không cấp xu nào trong khi tự chủ không phải là Nhà nước không tiếp tục đầu tư cho giáo dục đại học chỉ có điều thay đổi cách đầu tư, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại hội thảo: “Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam tổ chức, ngày 30/9/2016 tại Hà Nội.

Cần nhớ, khi tự chủ, các trường đại học không phải hoàn toàn “tự túc”, “tự bơi” về mặt tài chính mà là các trường được chủ động hơn về mọi mặt, trong đó có các quyết định về tài chính. Đồng thời nhà nước vẫn có chính sách đặt hàng đào tạo, đầu tư, hỗ trợ phát triển cùng với các chính sách xã hội hóa và đóng góp nguồn lực từ các doanh nghiệp, cựu giáo chức, cựu sinh viên.

Đúng là khi tự chủ thì người học sẽ phải góp thêm vào chi phí đào tạo nhưng vẫn phải trên nguyên tắc đảm bảo sự công bằng xã hội. Học phí trường công lập phải phù hợp, ở mức độ vừa phải so với thu nhập của người dân chứ không được lấy học phí cao chót vót. Các trường cần lưu ý không thể lẫn lộn, không thể đánh đồng giữa học phí và chi phí đào tạo để vin vào đó tăng học phí một cách phi mã.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu, ông thấy mô hình tự chủ tài chính nào mà chúng ta nên học tập?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tôi đánh giá rất cao mô hình quản trị của các trường đại học ở Thái Lan. Tại Thái Lan cũng có ba loại mô hình: trường đại học công lập tự chủ, trường đại học công lập và trường đại học tư thục.

Riêng đối với trường đại học công lập tự chủ, nhà trường được tự chủ hoàn toàn về học thuật, tổ chức nhân sự, quản lý tài chính; trong khi đó trường đại học công lập thông thường chỉ được tự chủ hoàn toàn về học thuật, nhưng vẫn phải chịu sự quản lý, điều tiết của chính phủ về nhân sự, tài chính; Trường đại học tư được tự chủ hoàn toàn về học thuật, nhân sự, còn về quản lý tài chính được tự chủ hoặc một phần hoặc hoàn toàn.

Về quản lý nhà nước, Ủy ban Giáo dục đại học (tương đương Vụ Giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Việt Nam) ban hành các văn bản tác động lên cả 3 loại trường đại học công lập tự chủ, trường đại học công lập và trường đại học tư thục về tất cả các phương diện chính sách, chuẩn giáo dục đại học, hỗ trợ tài chính, giám sát và đánh giá. Riêng đối với các trường đại học tư về phương diện hỗ trợ tài chính thì Nhà nước có thể không hỗ trợ hoặc hỗ trợ gián tiếp.

Áp dụng cơ chế tự chủ nghĩa là các trường phải được tự chủ thực sự về học thuật, tài chính, tổ chức nhân sự; khi đó dù không có cơ quan chủ quản nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc quản lý nhà nước, một số vấn đề bắt buộc phải có sự phê duyệt của Bộ Giáo dục Thái Lan.

Tôi cho rằng đây là mô hình mà chúng ta nên học tập.

Muốn tự chủ đại học đích thực, chứ không phải dừng lại ở khẩu hiệu, hô hào thì Việt Nam cần làm gì, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Để có được tự chủ đại học đích thực thì cần phải được thống nhất 6 quan điểm chỉ đạo trong lãnh đạo các cấp.

Một là, để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, đặc biệt đối với các trường đại học công lập, cần kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản. Rõ ràng nếu còn duy trì cơ quan chủ quản thì thực chất trường đại học sẽ không có quyền tự chủ thực sự mà tự chủ chỉ mang tính chất danh nghĩa.

Để có được điều này đòi hỏi cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ quyền lực, sự chỉ huy trực tiếp của mình đối với trường đại học. Tuy nhiên đây không phải là một việc dễ dàng vì trên thực tế cho tới nay nhiều cơ quan chủ quản của các trường công lập vẫn có tâm lý lo sợ bị “mất trường”.

Có thể đề xuất một giải pháp trung gian là trên đường đi tới xóa bỏ cơ quan chủ quản để các trường đại học có quyền tự chủ thực sự thì trước tiên cần xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản. Xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản tức là cơ quan chủ quản vẫn có và có thể tác động lên hoạt động của trường thông qua việc cử đại diện của mình tham gia vào Hội đồng trường chứ không can thiệp trực tiếp lên hoạt động của cơ sở giáo dục đại học đó. Có thể xem đây như là cơ chế “bán tự chủ”. Còn nếu không làm được việc này thì chưa thể nói tới chuyện trao quyền tự chủ cho trường đại học.

Cũng cần lưu ý, xóa bỏ cơ quan chủ quản hay xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản nhưng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và của tổ chức Đảng.

Hai là, trao quyền tự chủ thì phải xác định cụ thể là trao quyền đó cho ai. Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường, như Nghị quyết 19 đã khẳng định. Đó chính là Hội đồng trường. Bởi vậy thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Chừng nào cơ quan chủ quản còn chưa tự nguyện từ bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý trực tiếp của mình (theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền) đối với cơ sở giáo dục đại học thì ở đó chưa nên vội vàng thành lập Hội đồng trường và do đó không được chuyển trường qua cơ chế tự chủ

Tuy nhiên, cơ cấu thành viên của Hội đồng trường và uy lực của nó lại phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu và chủ sở hữu của loại hình trường đại học, phụ thuộc mức độ tự nguyện chuyển quyền lực của đại diện chủ sở hữu (khi trường còn chưa được tự chủ) cho chính Hội đồng trường (khi trường đã được tự chủ).

Theo Luật số 34/2018/QH14: “Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.

Tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu toàn dân, tức là cộng đồng xã hội là chủ sở hữu; còn trường tư thục, trường dân lập…sẽ có chủ sở hữu có thể không như vậy. Do đó không phải Hội đồng trường của tất cả các loại hình cơ sở giáo dục đại học đều có thành phần giống nhau mà tùy vào tính sở hữu của từng loại hình trường mà có thành phần đại diện khác nhau.

Những thành viên tham dự Hội đồng trường phải là những người tiêu biểu và là đại diện thực sự cho chủ sở hữu và các bên liên quan chứ không phải chỉ được cơ cấu vào cho đủ thành phần. Đó là nguyên tắc hàng đầu khi thành lập Hội đồng trường.

Ngay cả khi đã xóa bỏ cơ quan chủ quản hoặc xóa cơ chế cơ quan chủ quản mà việc thành lập Hội đồng trường và chức năng của Hội đồng trường không theo nguyên tắc vừa nêu thì việc trao quyền tự chủ cho trường đại học cũng không thành công.

Trước năm 2015, các tài sản công đều thuộc sở hữu nhà nước nhưng Bộ Luật Dân sự 2005 khẳng định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền chủ sở hữu” đối với tài sản loại này (Điều 201).

Từ năm 2015 đến nay, theo Bộ Luật dân sự 2015, các tài sản công thuộc sở hữu toàn dân. Do đó, chủ sở hữu của các tài sản thuộc sở hữu toàn dân sẽ phải là cộng đồng xã hội, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò đại diện cho chủ sở hữu để thực hiện quyền của chủ sở hữu (Các Điều 197, 198).

Ba là, khi đã có Hội đồng trường thì cần phải có một hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường; nhưng rất tiếc hiện nay mới chỉ có Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) nói lên điều đó còn các luật khác vẫn được xây dựng theo thể chế tập quyền (chấp nhận tồn tại cơ quan chủ quản).

Trong khi Hội đồng trường hoạt động phải theo hệ thống văn bản pháp luật, nếu các văn bản không đồng bộ thì làm sao có tự chủ đại học đích thực.

Tuy nhiên để có được sự đồng bộ của các văn bản pháp luật ngay lập tức thì khó; do đó muốn thực hiện thuận lợi trao quyền tự chủ cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học tự chủ.

Khi đó các trường tự chủ sẽ yên tâm vận dụng Nghị định này để thoát khỏi các quy định ở các luật, văn bản pháp luật khác được xây dựng còn chưa dựa trên việc trao quyền tự chủ cho các trường. Vấn đề này đã được nhắc đến ở Nghị định 16/2015/NĐ-CP cũng như ở các Nghị quyết 89/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ nhưng cho tới nay một nghị định như vậy vẫn chưa thấy đâu.

Bốn là, trao quyền tự chủ thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi, không thể vẫn theo thiết chế tập quyền như cũ. Cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường đại học sao cho phù hợp với cơ chế tự chủ. Các văn bản pháp lý về quản lý giáo dục đại học cần sớm được điều chỉnh theo hướng này.

Năm là, Nhà nước cần sớm xây dựng bộ Khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy- Hội đồng trường - Ban giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước. Để khẳng định nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng, như Nghị quyết 19 đã chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy nhất thiết phải là người có uy tín cao nhất trong trường để xứng đáng kiêm chức Chủ tịch Hội đồng trường.

Trong vai trò đó Chủ tịch Hội đồng trường có trách nhiệm quán triệt và thuyết phục các thành viên Hội đồng trường để đưa những nghị quyết quan trọng của Đảng ủy sớm đi vào cuộc sống thông qua sự chuyển hóa thành các Nghị quyết của Hội đồng trường.

Sáu là, Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Chỉ khi nào thống nhất trong chỉ đạo ở mọi cấp cả 6 quan điểm này thì hy vọng mới có tự chủ đại học đích thực ở Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

Thùy Linh (thực hiện)