Cần câu trả lời rõ ràng về cơ sở pháp lý đình chỉ Hiệu trưởng Lê Vinh Danh

27/09/2020 06:11
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Lê Thanh Vân dự kiến chất vấn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam liên quan đến câu chuyện Giáo sư Lê Vinh Danh bị tạm đình chỉ công tác cùng chức vụ hiệu trưởng.

LTS: Hiện nay câu chuyện Đoàn Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam tạm đình chỉ công tác của Hiệu trưởng Trường Tôn Đức Thắng - Giáo sư Lê Vinh Danh đang gây sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội, đặc biệt đối với cộng đồng giảng viên đại học và các nhà khoa học.

Đặt trong bối cảnh nền giáo dục đại học đang thực hiện chủ trương lớn về tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19-NQ/TW thì vụ việc này không còn là việc riêng giữa Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam với một đại học tự chủ theo Luật 34/2018 (là Trường đại học Tôn Đức Thắng) nữa; mà đã trở thành vấn đề lớn của cả đất nước như:

Cơ quan chủ quản hay cơ quan quản lý trực tiếp của các trường đại học tự chủ có quyền được can thiệp một cách trực tiếp về nhân sự của các nhà trường hay không?

Sự can thiệp này nếu có thì ở mức độ nào để đảm bảo quyền tự chủ của các nhà trường theo luật định, trong quá trình thực hiện sứ mệnh đổi mới giáo dục đại học Đảng và nhà nước?

Giáo sư Lê Vinh Danh đã có đơn khiếu nại gửi đến các cấp có thẩm quyền. Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cùng có chung những băn khoăn liên quan đến các vấn đề trên.

Phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Phóng viên:Thưa ông, được biết hiện Giáo sư Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng có đơn khiếu nại về quyết định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam gửi đến ông, vậy thông tin trên có chính xác không?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Đúng như vậy, cách đây khoảng gần 1 tháng, tôi có nhận được đơn khiếu nại của Giáo sư Lê Vinh Danh – người đang bị Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tạm đình chỉ công tác, cùng với chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Ông có thể tiết lộ trong đơn gửi của ông Lê Vinh Danh có đề nghị gì và ông thấy sự việc đó như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Trong đơn khiếu nại, ông Lê Vinh Danh khẳng định nhiều nội dung liên quan đến việc ban hành Quyết định số 1228/QĐ – TLĐ ngày 21/8/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam là không thỏa mãn cơ sở pháp lý về thẩm quyền và việc áp dụng quy định trong các đạo luật là không đúng với trường hợp của Ông.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (ảnh: Thùy Linh)

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (ảnh: Thùy Linh)

Cùng với việc nhận đơn khiếu nại của Giáo sư Lê Vinh Danh, theo dõi dư luận xã hội trong những ngày qua, tôi thấy rằng đang có nhiều nhận định, đánh giá trái ngược nhau về hành vi áp dụng pháp luật của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam .

Nếu không giải quyết đúng đắn vụ việc này, trên cơ sở tuân thủ các đạo luật có liên quan, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và hành vi áp dụng pháp luật, khi thực thi nhiều chủ trương, chính sách tiến bộ, vừa mới được Quốc hội ban hành, hay sửa đổi, bổ sung trong các quy định về phòng chống tham nhũng, tự chủ đại học và quản lý nhân sự ở các đơn vị sự nghiệp công lập.

Như ông đã nói, nếu không giải quyết đúng đắn vụ việc này, trên cơ sở tuân thủ các đạo luật có liên quan, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và hành vi áp dụng pháp luật. Vậy với tư cách là một đại biểu Quốc hội thì ông sẽ làm gì?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Trong đơn khiếu nại, ông Lê Vinh Danh có đề nghị Tôi có ý kiến với Quốc hội để Quốc hội chỉ đạo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam thu hồi, hủy bỏ Quyết định 1228.

Tuy nhiên, nếu Quốc hội tổ chức giám sát tối cao thì cần phải có nhóm vấn đề, mà muốn như vậy thì Quốc hội phải lên chương trình cụ thể nhưng theo tôi vụ việc này là không cần thiết bởi lẽ trong hoạt động quản lý nhà nước thì Chính phủ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tổ chức thi hành Luật cho nên hơn ai hết Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền xác định rõ các hành vi nào là đúng luật và hành vi nào sai luật.

Do đó về nội dung mà ông Lê Vinh Danh kiến nghị cần phải chuyển tới Chính phủ để Chính phủ xem xét và giải quyết vì có liên quan đến quản lý hoạt động giáo dục ở một trường đại học cụ thể, trong khi Chính phủ có hẳn một cơ quan là Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động của các trường đại học.

Vì vậy, tôi dự kiến sẽ chất vấn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - người được Chính phủ phân công phụ trách theo dõi ngành giáo dục đào tạo một số câu hỏi.

Ông có thể tiết lộ về những nội dung ông dự kiến chất vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là gì không?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Dựa trên đơn khiếu nại của giáo sư Lê Vinh Danh tôi sẽ gửi đến Phó Thủ tướng một số chất vấn.

Ví như, theo đơn trình bày thì ông Lê Vinh Danh không phải là nhân sự do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động quản lý. Nhưng tại sao, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động lại ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh, một người không do mình trực tiếp quản lý. Việc này có trái với thẩm quyền hay không?

Trong quyết định của mình, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đồng thời đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh; trong khi theo quy định tại Khoản I, Điều 20, Luật Giáo dục đại học đang có hiệu lực, thì “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định”. Như vậy, việc ban hành Quyết định số 1228/QĐ- TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liệu có trái pháp luật không?

Cuối cùng,nhân việc này, Tôi cho rằng Chính phủ cần có kế hoạch tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thẩm quyền, tính chịu trách nhiệm, quy trình, thủ tục, chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân trong quá trình tuân thủ Luật Giáo dục đại học, nhằm khắc phục triệt để sai phạm, ngăn chặn kịp những hành vi lộng quyền trong quản lý giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

Trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Thùy Linh (thực hiện)