Cần ban hành 1 luật chỉnh sửa những bất cập ở các luật liên quan so với Luật 34

01/07/2021 06:48
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luật 34 còn nhiều vướng mắt từ các luật khác nên có thể nói hiện nay Hội đồng trường chưa thể có đầy đủ thực quyền.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục ghi nhận ý kiến từ Chủ tịch Hội đồng đại học/ Hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng qua quá trình thành lập, kiện toàn và hoạt động Hội đồng trường thời gian vừa qua.

Được biết, từ tháng 9/2019, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh trở thành Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Tiền Giang. Như vậy, Nhà trường là một trong những cơ sở giáo dục thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường ngay sau khi Luật giáo dục đại học 2018 (gọi tắt là Luật 34) có hiệu lực không lâu.

Phóng viên có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh- Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang.

Xin thầy cho biết những khó khăn chung từ hành lang pháp lý hiện nay đối với hoạt động của Hội đồng trường? Làm sao để thay đổi căn bản những khó khăn này?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh: Luật số 34/2018/QH14 (viết tắt là Luật 34) tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các trường đại học Việt Nam được tự chủ toàn diện, từ đó phát triển mạnh. Tuy nhiên ở nhiều luật liên quan khác như Luật viên chức, Luật tài sản công, Luật ngân sách, Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp,…, còn nhiều nội dung bất cập, thiếu nhất quán so với Luật 34. Điều này làm cản trở quá trình tự chủ đại học thực chất nói chung cũng như hội đồng trường thực quyền nói riêng ở các trường đại học.

Để giải quyết vấn đề này một cách căn bản, nhanh chóng, thiết nghĩ Quốc hội khóa XV cần ban hành một luật chỉnh sửa tất cả những nội dung bất cập ở các luật liên quan so với Luật 34, tương tự như cách mà Quốc hội khóa XIV đã từng làm với Luật Quy hoạch, với hàng chục luật liên quan được chỉnh sửa cho phù hợp với Luật Quy hoạch đã được ban hành.

Thời điểm đó hành lang pháp lý chưa được đầy đủ để thực hiện chủ trương dùng một luật để sửa cùng lúc nhiều luật khác có liên quan. Tuy nhiên do tính cấp thiết của Luật Quy hoạch nên Quốc hội khóa XIV đã quyết định chủ trương trên và thiết nghĩ đó là một quyết định sáng suốt, kịp thời.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh- Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang (ảnh: thầy Thịnh cung cấp)

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh- Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang (ảnh: thầy Thịnh cung cấp)

Hơn nữa, Luật số 63/2020/QH14 về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Theo khoản 3, Điều 12 của luật này thì “Một văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng cơ quan ban hành trong các trường hợp sau đây: (b) Nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ có liên quan chặt chẽ với nhau để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với văn bản mới được ban hành”.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội khóa XV có thể xem xét ban hành một luật chỉnh sửa tất cả những nội dung bất cập ở các luật liên quan so với Luật 34, tạo ra hành lang pháp lý thật sự thông thoáng cho giáo dục đại học nước nhà phát triển bức phá, là tiền đề quan trọng để “con tàu” Việt Nam băng băng tiến đến những cột mốc đáng nhớ năm 2030, 2045 như kỳ vọng đã được định ra ở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thông qua các câu lạc bộ trực thuộc, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cần hỗ trợ tích cực cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Chính phủ sớm tiến hành sơ kết việc thực hiện Luật 34 và các nghị định liên quan. Trên cơ sở đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội khóa XV về chủ trương ban hành một luật chỉnh sửa tất cả những nội dung bất cập ở các luật liên quan so với Luật 34 và có thể sớm trình dự thảo luật tương ứng.

Vậy theo thầy, Hội đồng trường cần làm gì để có thực quyền?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh: Quyền của Hội đồng trường đã được Luật 34 định rõ ở Điều 16. Nếu tất cả những quyền này được thực thi thì Hội đồng trường sẽ có đầy đủ thực quyền. Tuy nhiên như trên đã đề cập, Luật 34 còn nhiều vướng mắt từ các luật khác nên có thể nói hiện nay Hội đồng trường chưa thể có đầy đủ thực quyền.

Quyền lực và trách nhiệm lớn nhất của Hội đồng trường là thay thế vai trò cơ quan chủ quản của trường đại học; chọn lựa để quyết định hoặc bãi nhiệm hiệu trưởng khi cần thiết.

Để đủ năng lực thể hiện quyền lực trên, ngoài việc chờ hành lang pháp lý sớm được hoàn thiện theo tinh thần Luật 34, Hội đồng trường cũng cần phải nỗ lực không ngừng trong việc kiện toàn, tự hoàn thiện mình.

Từng thành viên Hội đồng trường ở trong cũng như ngoài trường phải xứng đáng là đại biểu ưu tú, có tầm nhìn và năng lực vượt trội, tâm huyết, có điều kiện về thời gian và sức khỏe để đóng góp cho sự phát triển của trường đại học thông qua các quyết sách được thể hiện tại các nghị quyết của Hội đồng trường.

Việc thay thế thành viên Hội đồng trường cũng cần được tiến hành thường xuyên một cách nhẹ nhàng nhưng chặt chẽ, được quy định rõ trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

Tỉ lệ thành viên Hội đồng trường ở ngoài trường tối thiểu là 30% theo quy định của Luật 34, nhưng thiết nghĩ tỉ lệ này cần phải trên 50% nhằm đảm bảo cho Hội đồng trường có thể thay thế tốt vai trò của cơ quan chủ quản cũng như phát huy tầm ảnh hưởng, gắn kết của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển của trường đại học.

Thưa thầy, tiêu chuẩn cứng của chủ tịch hội đồng trường nên có hay không, nếu có thì đó là gì ?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh: Chủ tịch hội đồng trường thường cũng là bí thư Đảng ủy trường nên phải là người rất uy tín, có tầm nhìn xa, có năng lực quy tụ những người tài đức, có khát vọng lớn và quyết tâm thực hiện được những mục tiêu chiến lược của trường.

Đồng thời chủ tịch hội đồng trường cũng phải là người có sức khỏe tốt, dám dấn thân, dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của trường đại học nói riêng, xã hội nói chung và cũng dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng từ chức nếu sự việc thất bại, không như mục tiêu đề ra! Đây là những tiêu chuẩn mềm cần có của chủ tịch hội đồng trường.

Chủ tịch hội đồng trường được hội đồng trường bầu chọn trong số các thành viên của Hội đồng trường trên cơ sở những tiêu chuẩn mềm mang tính định tính như trên. Vì vậy theo tôi không nên có các tiêu chuẩn cứng dành cho chủ tịch hội đồng trường như phải có học vị, học hàm; đã từng trải qua vị trí trong ban giám hiệu trường đại học; còn độ tuổi làm việc theo pháp luật;…

Theo Luật 34 thì chủ tịch hội đồng trường không cần phải có học vị, học hàm hay đã từng kinh qua ban giám hiệu trường đại học, tuy nhiên phải còn trong độ tuổi làm quản lý.

Chính vì tiêu chuẩn cứng liên quan độ tuổi trên nên nhiều thành viên hội đồng trường mới nghỉ hưu (Hiệu trưởng chẳng hạn), có đủ năng lực và sức khỏe để làm tốt nhiệm vụ chủ tịch hội đồng trường nhưng đành phải bỏ qua.

Thiết nghĩ chủ tịch hội đồng trường cũng có vai trò tương tự như chủ tịch hội đồng quản trị của một doanh nghiệp xã hội, chuyên về đào tạo, nghiên cứu. Vì vậy nếu vị chủ tịch này có học hàm, học vị, từng kinh qua ban giám hiệu của một trường đại học thì rất tốt nhưng dù sao đây cũng chỉ nên là điều kiện cần, không nên là tiêu chuẩn cứng dành cho vị trí này để tránh bỏ qua những người tài đức, thực sự có đủ năng lực, tâm huyết để làm chủ tịch hội đồng trường…

Trân trọng cảm ơn thầy.

Thùy Linh