Bao cấp và cào bằng là triệt tiêu phát triển

16/07/2020 06:13
Giáo sư Lê Vinh Danh (Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những con người tiên tiến nhà nước phải ủng hộ họ, nhằm thúc đẩy sự phát triển theo mô hình “đàn nhạn”. Không nên kéo họ dừng lại để chờ cả một tập thể cùng tiến.

Chủ đề của chúng ta là “Đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam”.

Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi cần bàn là làm sao cho giáo dục đại học Việt Nam được tự chủ nhiều hơn, mở rộng quyền tự chủ cho trường đúng pháp luật và tạo điều kiện cho trường phát triển tốt hơn.

Sau khi các Nghị quyết 29, Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng đã được luật hóa thành Luật 34/2018 và Nghị định 99/2019, thì bây giờ làm thế nào để tự chủ đại học tiến lên và đưa những Nghị quyết này vào thực tế?

Nói cách khác, cần làm thế nào để những chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Quốc hội, Chính phủ vào thực tế và làm quá trình tự chủ tiến một bước nữa.

Đã đến lúc chúng ta phải đột phá thẳng vào vấn đề Hội đồng trường và cơ quan chủ quản, mấu chốt của việc triển khai Luật 34/2018 và chỉ đạo của Đảng về mở rộng quyền tự chủ cho các đại học công lập.

Theo quan điểm của chúng tôi, để cho Hội đồng trường có thực quyền thì chắc chắn phải bỏ Bộ chủ quản, hay nói một cách nhẹ nhàng là bỏ cơ chế Bộ chủ quản.

Tôi sẽ trình bày 3 ý chính:

1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc này.

2. Có thể bỏ chủ quản đồng loạt được không? Và lộ trình như thế nào?

3. Các điều kiện để thực hiện việc bỏ cơ chế bộ chủ quản?

1. Về cơ sở lý luận và thực tiễn

- Từ “chủ quản” có từ thời kỳ Xô Viết và chỉ phù hợp với thời kỳ đó. Theo tôi nghĩ, đến bây giờ mà chúng ta vẫn còn muốn giữ từ này thì thực sự quá lạc hậu.

- Chủ, quản là một từ ghép Hán Việt của “Chủ” là làm chủ; và “Quản” là quản lý. Nghĩa là hai chức năng này ghép lại trong một. Vừa làm chủ vừa quản lý đối với trường tư thì phù hợp, nhưng với đại học công thì không còn phù hợp nữa.

Chúng ta cũng đã có nhiều qui định mới để tách bạch 2 công việc này. Đã đến lúc chúng ta nên chấm dứt dùng từ “chủ quản”. Sau đây tôi sẽ đề nghị việc chấm dứt nên theo lộ trình như thế nào?

- Từ năm 2003, chúng ta đã bắt đầu đưa vào trong Luật từ “Hội đồng trường". Đây là một quá trình dân chủ hóa. Chúng ta hình thành nên Hội đồng trường để tách bạch quyền chủ sở hữu và quyền quản lý nhà trường thành 2 quyền khác nhau.

Từ đó đến nay, đã có rất nhiều văn bản liên tiếp như Nghị quyết 14/2005, đến Nghị quyết 05-NQ/TW, 29-NQ/TW…

Và ở mỗi Nghị quyết, chúng ta đều nhấn mạnh thêm một lần nữa tầm quan trọng của việc phải xóa bỏ Bộ chủ quản để giao thực quyền lại cho trường.

Điều đáng mừng ở đây là lãnh đạo Đảng, nhà nước đã thấy việc đó là đúng và quyết tâm làm. Tuy nhiên, hệ thống hành chính còn lại của nhà nước thì lại quá chậm.

Như vậy, cần có những biện pháp để thúc đẩy nhanh hơn, nếu không thì tình trạng nghị quyết, luật lệ không đi vào được đời sống mặc dù rất hay, rất đúng.

Lúc đó, “tình trạng nửa vời xuất hiện”; và chúng ta sẽ thấy rằng nửa còn lại không chịu thay đổi, muốn duy trì bao cấp, kèm theo tư duy cào bằng.

bao cấp và cào bằng là triệt tiêu phát triển.

Chúng ta cần nỗ lực để sự tàn dư của chế độ cào bằng phải bị loại bỏ; vì chắc chắn nó sẽ làm cho chúng ta trì trệ và trì trệ thì không thể có đột phá để vươn lên được.

Đột phá và vươn lên bao giờ cũng xuất phát từ nhu cầu cạnh tranh; có cạnh tranh mới có phát triển.

Muốn có đột phá và vươn lên trong từng lĩnh vực chẳng hạn lĩnh vực giáo dục đại học, chúng ta phải chấp nhận việc sẽ có một số thành viên có đầy đủ năng lực và điều kiện sẽ bức phá lên trước.

Khi đó, những con người tiên tiến và nhà nước phải ủng hộ họ, nhằm thúc đẩy sự phát triển theo mô hình “đàn nhạn”. Không nên kéo họ dừng lại để chờ đợi cả một tập thể cùng tiến lên.

Khi có người bức phá tiến lên trước, những người còn lại sẽ phải tự nhìn lại mình để phấn đấu.

Có một vài đơn vị bứt phá tiến lên, chấp nhận đương đầu để đi trước, thì những đơn vị còn lại sẽ nhìn vào đấy mà biết xấu hổ, xuất hiện tinh thần ganh đua; từ đó cả hệ thống, cả lĩnh vực và đất nước mới có động lực phát triển.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. (Ảnh: TDT)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. (Ảnh: TDT)

- Thực tiễn về hoạt động không có cơ chế chủ quản: Tôi xin nói về thực tiễn của Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Trường tôi có may mắn là chỉ có chủ quản trên hình thức mà không có chủ quản trong thực chất.

Chúng tôi có 5 năm (1997-2003) là trường dân lập. Vì là trường dân lập nên chúng tôi không có ngân sách đầu tư của nhà nước hay của Công đoàn vì luật không cho phép. Đó là cái rủi nhưng đồng thời là cái may.

Vì vậy mà thời kỳ đó chúng tôi chỉ có một cơ quan chủ quản duy nhất là Hội đồng quản trị.

Trên hình thức thì có Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh đứng sau lưng; nhưng thật ra Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho trường tự quản hoàn toàn; và chủ yếu là Hội đồng quản trị quyết định tất cả.

Như vậy, trong 5 năm đầu tiên, chúng tôi không có khái niệm cơ quan chủ quản trừ Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về chuyên môn.

5 năm kế tiếp (2003-2008) chúng tôi trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và chúng tôi vẫn tiếp tục có Hội đồng quản trị.

Trên con dấu của chúng tôi có cơ quan chủ quản là Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tôn trọng lịch sử phát triển 5 năm trước đó, nên cũng có văn bản ủy quyền toàn quyền cho Hội đồng quản trị.

Thế nên 5 năm kế tiếp, tổng cộng là 10 năm, chúng tôi cũng không có cơ quan chủ quản, chỉ có chủ quản trên giấy mà thôi, mọi quyền hành đều thuộc về Hội đồng quản trị.

Sau đó, chúng tôi chuyển về Tổng liên đoàn lao động Việt Nam năm 2008. Đến năm 2018, mọi chuyện vẫn ổn vì khi phê duyệt qui chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có quy định tại Điều 2: ủy quyền cho Hội đồng trường thay mặt mình quản trị Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Từ đó đến nay, tôi vẫn nói rằng khi qui chế này còn hiệu lực và chưa được thay thế thì chúng tôi chỉ có một cơ quan chủ quản duy nhất là Hội đồng trường mà thôi.

Tôi biết có rất nhiều người phiền về việc này; nhưng sự thật về mặt pháp lý là như vậy! Tôi cho rằng đây là cái may của chúng tôi.

Và thực chất, chúng tôi không dựa vào Tổng Liên đoàn về tài chính, cũng không dựa vào con người, kể cả xin hỗ trợ cũng không.

Thời kỳ của Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng, chúng tôi được hỗ trợ bằng tình yêu thương của ông ấy đối với Trường.

Ông nỗ lực đi nhiều nơi, xin nhiều việc cho Trường, chủ yếu hỗ trợ mối quan hệ, còn lại chúng tôi tự làm, tự quản tất cả.

Nhà nước và Tổng liên đoàn không đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho Trường.

Tuy nhiên, chúng tôi có những khoản tài trợ như thế này:

+ Khoản thứ nhất: chúng tôi đã được nguồn vốn cổ phiếu của Chính phủ cấp để xây một ký túc xá, khoảng 57 tỷ đồng.

+ Khoản thứ hai: vay kích cầu. Từ khi có Chương trình vốn kích cầu năm 1999 cho đến nay, chúng tôi sử dụng vốn kích cầu của Thành phố khá thường xuyên; vì trường chúng tôi vay nợ và trả nợ rất tốt, lúc nào cũng trả đúng hạn, thậm chí trả sớm.

Đối với Ngân hàng và Quỹ đầu tư của Thành phố, chúng tôi là một khách hàng uy tín.

Cho đến nay, tổng số tiền mà ngân sách thành phố đã tài trợ cho chúng tôi để trả lãi là 120 tỷ đồng.

Tổng tiền vay gốc khoảng 700 đến 800 tỷ đồng chúng tôi đã hoàn vốn. Số tiền 120 tỷ đồng đã giúp chúng tôi tạo ra được sự nghiệp như hôm nay.

+ Khoản thứ ba: một số khoản cho vay không lãi của Công đoàn có kỳ hạn 2 năm, 3 năm vào những lúc chúng tôi cần tiền để đầu tư dồn dập.

Tính tiền lãi (mặc dù Công đoàn không lấy lãi) những khoản này thì cũng cỡ hơn 20 tỷ đồng nữa.

Như vậy, tổng cả 3 khoản tài trợ chúng tôi nhận được là chưa tới 200 tỷ đồng. Còn chi đầu tư và chi thường xuyên là không có.

Phòng ốc, nhà xưởng, giảng đường, trang thiết bị... hoàn toàn do chúng tôi tự đầu tư. Đất đai do chúng tôi làm dự án và thuê của nhà nước.

Dĩ nhiên trước đó đất ở Ngô Tất Tố là chúng tôi tự mua, còn đất ở Tân Phong hiện nay là do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao và hiện nay đã chuyển sang ký hợp đồng thuê.

Như vậy, về thực tiễn, từ lâu Trường Tôn Đức Thắng là một mô hình hoạt động thật sự không có chủ quản, chỉ có chủ quản trên hình thức.

Thực tiễn này cho thấy việc không có bộ chủ quản, không có cơ chế bộ chủ quản không ảnh hưởng tiêu cực nào đến sự phát triển của một đại học; ít nhất là với minh chứng Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Điều ngược lại hoàn toàn đúng là chính cơ chế không có bộ chủ quản trong thực chất đã giúp cho Trường đại học Tôn Đức Thắng phát triển nhanh, rực rỡ và có những thành công lớn trong 10 năm qua.

2. Có thể bỏ hết bộ chủ quản được không?

Vấn đề tiếp theo là có nên và có thể bỏ hết bộ chủ quản cho tất cả các đại học công được không? Câu trả lời của tôi là không!

- Nhóm 1 là nhóm có đủ điều kiện để hoạt động không có bộ chủ quản. Việc bỏ cơ chế Bộ chủ quản chỉ nên áp dụng cho nhóm 1. Điều kiện nào để biết một cơ sở giáo dục đại học là Nhóm 1 thì chúng ta sẽ bàn dưới đây.

- Nhóm 2 là nhóm cần một thời gian chuyển tiếp, một thời gian để tập hoạt động tự chủ.

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, cơ sở giáo dục đại học hoạt động có bộ chủ quản, nhưng cần phải định hướng dần đến giai đoạn bỏ cơ chế bộ chủ quản.

Khi cơ sở vẫn còn nhận ngân sách chi đầu tư và một phần ngân sách chi thường xuyên, hoặc hết chi thường xuyên nhưng vẫn còn chi đầu tư, thì vẫn còn cần Bộ chủ quản thêm một thời gian để quản lý kinh phí và quản lý các vấn đề liên quan khác.

Tuy nhiên, phải hướng tới để trường tự túc trên đôi chân của mình như một đứa con đã trưởng thành cần ra riêng.

Chỉ có sự khuyến khích và định hướng này thì sau một thời gian chuẩn bị, nhóm 2 này mới có thể tự chủ hoàn toàn và không cần bộ chủ quản. Như vậy, nhóm 2 cần lộ trình về thời gian để tập sự, để chuẩn bị.

- Nhóm 3 là nhóm các trường như Công an, Quân đội, các trường thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của nhà nước.

Nhóm này nhất định phải bao cấp lâu dài chứ không phải một hoặc hai năm. Nhóm này không thể bỏ Bộ chủ quản, ít nhất trong một vài thập niên tới.

Tuy nhiên, tôi bảo đảm rằng họ vẫn có thể tự chủ được ít nhất về mặt chuyên môn, tài chính, tài sản, hợp tác quốc tế. Về nhân sự và chính trị-tư tưởng thì phải có sự quản lý của bộ chủ quản.

Như vậy, chúng ta không thể cào bằng, không thể yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đồng loạt; hay bỏ chủ quản đồng loạt được. Thực tế, đặc thù phát triển, chức năng... của từng cơ sở không cho phép điều đó.

Vậy lộ trình chuyển giao quyền quản trị để bỏ cơ chế bộ chủ quản như thế nào?

Đối với trường chúng tôi, không cần trao quyền. Thực tế chúng tôi đã có quyền rồi và chúng tôi chỉ cần có một văn bản chính thức của Ban bí thư hoặc Chính phủ để chính danh.

Nếu nhà nước yêu cầu các cơ quan quản lý trực tiếp hãy đề nghị cho 3 đơn vị trong toàn quốc thí điểm bỏ cơ chế bộ chủ quản trước, Tôi chắc chắn rằng lãnh đạo cơ quan quản lý trực tiếp của chúng tôi hiện nay không bao giờ họ đồng ý; vì họ chẳng mất công, mất sức gì cho chúng tôi, nên họ rất muốn giữ quyền sở hữu.

Điều nghịch lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường muốn bỏ cơ chế bộ chủ quản, nhưng một số cơ quan chủ quản thì không buông; nên chuyện của Trường đại học Tôn Đức Thắng không thể được giải quyết bằng tự nguyện mà phải giải quyết bằng một quyết định của Ban bí thư hoặc Chính phủ.

Chúng ta cứ nói đi nói lại việc này, nhưng không giải quyết dứt điểm bởi không có hành động cụ thể và hành động đúng.

Nhân hội thảo này có Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, đào tạo-dạy nghề của Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự, rất mong đồng chí đúc kết lại; rồi kiến nghị nội dung này, để có văn bản cụ thể, giúp cho các trường như chúng tôi tiến thêm được một bước nữa thì rất tốt.

3. Để bỏ cơ chế bộ chủ quản mà trường vẫn phát triển ổn, bền vững thì điều kiện là gì?

- Điều kiện bên trong: có 4 điều kiện khá quan trọng là:

+ Một, bản thân trường ít nhất phải có 5 năm hoạt động một cách độc lập bằng nguồn tự thu tự chi của mình, không dựa vào ngân sách cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư.

Điều này cho thấy rằng đơn vị hoàn toàn không cần cần bộ chủ quản mà vẫn hoạt động ổn và bền vững.

Chúng ta cũng có thể hạ xuống 3 năm, nhưng tôi thấy 5 năm là an toàn nhất. 5 năm mới chứng tỏ được sự bền vững về tự chủ.

+ Hai, trong 5 năm đó, Hội đồng trường phải quyết hết mọi việc mà không cần ý kiến của cơ quan chủ quản; và đặc biệt không cần những hỗ trợ khác của cơ quan chủ quản.

Điều này thể hiện rằng trường đã trưởng thành trong việc tự quản lý, tự chịu trách nhiệm mọi hoạt động của mình trước xã hội.

+ Ba, tập thể phải đồng thuận.

+ Bốn, chỉ báo cuối cùng của sự đồng thuận là 3 chủ thể bên trong trường gồm: Hội đồng trường, Đảng ủy, Hiệu trưởng phải có cơ chế phối hợp hài hòa. Điều thứ 3 thực ra là điều kiện cơ bản để có điều thứ 4.

Nhưng chúng ta phải rạch ròi, chỉ những trường nào tự sắp xếp mà sự phối hợp quản trị của 3 cơ quan này ổn thì mới có thể tự đứng trên đôi chân mình được.

Tôi ví dụ, khi có cơ quan chủ quản, trường muốn tổ chức hội thảo quốc tế cả ngàn người, thì phải xin ý kiến của cơ quan chủ quản, sau đó chuyển sang xin ý kiến của Ban đối ngoại Trung ương hay Bộ Ngoại giao mới được tổ chức.

Còn như Trường tôi hiện nay, nếu không có bộ chủ quản, Trường chỉ cần gửi văn bản trực tiếp cho Ủy ban nhân dân địa phương hoặc Bộ Ngoại giao để xin ý kiến; không cần đi vòng qua cơ quan chủ quản để tốn thêm thời gian và thủ tục.

Dĩ nhiên việc này Chính phủ cần có Nghị định hướng dẫn.

- Điều kiện bên ngoài: làm thế nào để bỏ Bộ chủ quản?

+ Một, hoàn thiện cơ chế trọng tài: cơ chế này cần phải có hướng dẫn của Chính phủ chứ trường không tự làm được.

Cơ chế trọng tài sẽ giúp mỗi khi có sự không nhất trí giữa Hiệu trưởng với Chủ tịch Hội đồng trường hoặc với Đảng ủy về những vấn đề quan trọng của trường, thì cấp ủy trên cơ sở tại địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp để điều giải.

Vấn đề này có tồn tại cơ quan chủ quản cũng không giải quyết được.

Cho nên vai trò của cơ quan chủ quản đối với đơn vị tự chủ thực sự không còn nữa, họ không bảo đảm được sự phối hợp tốt trong quản lý.

Về tài chính, tài sản: có Bộ Tài chính, có Tổng công ty quản lý vốn nhà nước kiểm toán quản lý vốn, giao vốn, giao tài sản cho trường và yêu cầu trường phải có trách nhiệm bảo toàn số tài sản này và mở rộng ra hàng năm.

Về chuyên môn: có Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Về công tác Đảng và nhân sự: có cấp ủy trên cơ sở là trọng tài.

Trong 4 nội dung trên, cốt lõi nhất là hoàn thiện cơ chế trọng tài để phân xử khi nội bộ trường không tự giải quyết được. Khi có văn bản hướng dẫn về việc này, thì sự tồn tại của bộ chủ quản không còn cần thiết nữa.

+ Hai, hoàn thiện luật lệ: Điều này rất quan trọng vì hiện nay luật của chúng ta thiếu. Luật 34/2018 và Nghị định 99/2019 chưa đủ, chưa kể đến có sự chồng chéo giữa Luật và Nghị định này.

Những luật khác thì chưa tới nơi tới chốn nên các trường không dễ áp dụng, không dễ điều hành công việc.

Ví dụ 1: Trong Luật 34/2018 và Nghị định 99/2019 dùng rất nhiều từ “cơ quan quản lý trực tiếp”, “cơ quan quản lý có thẩm quyền”, “cơ quan quản lý nhà nước”, “cơ quan chủ quản”.

4 cơ quan quản lý nêu trên làm cho người đọc rối rắm. Tôi đã 9 lần đóng góp ý kiến cho Ban soạn thảo, trong đó 7 lần được lắng nghe, 2 lần cuối cùng thì không.

Có lần tôi phải gửi thẳng đến Thường trực Chính phủ. Mỗi lần góp ý, tôi gửi thư trực tiếp đến từng thành viên Thường trực Chính phủ.

Vì vậy, sau này khi Luật 34/2018 và Nghị định 99/2019 ban hành, tôi thấy có những câu chữ tôi đã góp ý được sử dụng.

Tuy nhiên, vẫn quá ít. Hệ quả là 2 văn bản pháp qui này còn rất nhiều chỗ thiếu, chỗ thừa; rất khó cho cơ sở thi hành.

Ví dụ 2: Phân định rõ trách nhiệm Hội đồng trường. Hiện nay, Hiệu trưởng là chủ tài khoản, là đại diện trước pháp luật của trường.

Khi có việc xảy ra thì Hiệu trưởng phải đứng ra chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng chứ không phải Hội đồng trường.

Như vậy cần phải phân định rõ việc nào Hội đồng trường quyết, việc nào do Hiệu trưởng quyết. Và luật cần qui định về việc chịu trách nhiệm của tập thể Hội đồng trường.

Hội đồng trường ra quyết định thì tập thể hội đồng phải chịu trách nhiệm với quyết định đó.

Hiệu trưởng chỉ là người thi hành nhưng lại phải chịu trách nhiệm cho các quyết định của Hội đồng trường là không đúng.

Hiệu trưởng chỉ phải chịu trách nhiệm khi và chỉ khi làm sai với quyết định của Hội đồng trường.

Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm Hội đồng trường ở đây cụ thể là ai? Cả tập thể hội đồng nếu đó là vấn đề được biểu quyết đa số; còn những việc được phân cấp, không biểu quyết đa số, thì là Chủ tịch, Phó chủ tịch hay Thư ký?

Ví dụ 3: Thầy Trần Hồng Quân có nhắc đến Mục 34, Điều 1 của Luật số 34/2018: Tất cả những khoản kinh phí, tài chính, tài sản do ngân sách tài trợ thì phải được quản lý theo chế độ của Luật ngân sách, Luật quản lý tài sản công.

Còn tất cả những tài sản hình thành bằng nguồn tự thu tự chi của trường thì trường được tự quyết và tự chịu trách nhiệm.

Nhưng tôi nghe có người nói ngoài những luật này ra còn phải theo Luật Đầu tư công, mà nếu phải làm theo Luật Đầu tư công thì các trường khó mà linh hoạt, linh động, tự chủ-tự chịu trách nhiệm!

Vậy chúng ta làm theo Mục 34, Điều 1 của Luật 34/2018 hay theo Luật đầu tư công?

Ví dụ 4: Có bài báo đăng rằng có một cơ quan bị 78 lần kiểm tra, giám sát, thanh tra trong 5 năm. Cơ quan đó chính là Trường tôi. Tôi được báo lại rằng chính xác là 79 lần chứ không phải 78. Như vậy bình quân 1 năm Trường tôi có 15 lần bị kiểm tra.

Người ta nói với tôi, đã là có chữ “công” thì tất cả phải quản lý theo Luật Đầu tư công.

Còn bên Ủy ban kiểm tra nói là Đảng phải quản lý hết tất cả. Một số cán bộ kiểm tra buộc tội rằng Đảng ủy phải quyết định hết mọi việc lớn của Trường, không làm được điều này là buông lỏng quản lý; trong khi Luật 08/2012 và 34/2018 qui định rõ quyền hạn của hội đồng trường và hiệu trưởng; những quyền này luật không qui định cho Đảng ủy.

Vậy Đảng ủy can thiệp sao được?

Nhưng Đoàn kiểm tra không cần nghe, không cần biết, chỉ lấy qui định chung của Đảng ra áp cho đơn vị thí điểm tự chủ để buộc tội. Như vậy thì trường nào còn dám tự chủ?

Ví dụ 5: Có một việc chúng ta chưa làm rõ là khi đã có Luật 34/2018 thì các luật khác phải sửa để tương thích với Luật này (chưa nói đến việc phải đúng với chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW).

Trong thời gian chưa làm kịp chuyện này, thì ít nhất phải có một qui định rằng: “nếu những vấn đề gì đã được Luật 34/2018 qui định rồi, thì cơ sở giáo dục ưu tiên áp dụng theo luật này nếu có sự mâu thuẩn với các luật khác”, hoặc “Đối với những vấn đề mà Luật đại học qui định khác với những luật khác thì ưu tiên áp dụng Luật giáo dục đại học”.

Hiện nay, chưa có hướng dẫn nào như vậy, cho nên khi Luật 34/2018 mâu thuẫn với các luật khác thì các trường rất khổ.

Luật 34/2018 và Nghị định 99/2019 do đó, vừa thừa vừa thiếu; thừa những cụm từ “cơ quan quản lý trực tiếp”, “cơ quan quản lý có thẩm quyền”, “cơ quan chủ quản”... trong khi có những câu rất cần ghi như trên để cho cơ sở có thể làm đúng thì lại không có. Cho nên rất cần phải tiếp tục hoàn thiện Luật.

+ Ba, hoàn thiện cơ chế phối hợp 3 bên: việc phối hợp giữa Hội đồng trường - Đảng ủy - Hiệu trưởng cần phải xác định cụ thể hơn nữa.

Tôi nghĩ Hội đồng trường đã được tăng quyền thì phải tăng trách nhiệm. Trách nhiệm này phải được nêu cụ thể: nếu Hội đồng trường có quyết định, chủ trương, kế hoạch sai thì phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Trong qui định có liệt kê một loạt các trách nhiệm của Hội đồng trường nhưng không nói đến trách nhiệm nếu quyết định sai? Cần tiếp tục kiến nghị để bổ sung vào luật hoặc nghị định.

Đảng bộ trong trường được xác định từ lâu là đảm bảo chính trị tư tưởng. Hội đồng trường có danh sách tất cả những quyền của Hội đồng trường.

Nếu đụng đến những quyền của Hội đồng trường thì Đảng bộ, Đảng ủy không có ý kiến được vì luật đã qui định rõ chức năng quyền hạn của những việc như vậy là thuộc về hội đồng trường.

Thành viên Hội đồng trường cũng gồm những người bên ngoài trường và có người không là Đảng viên.

Do đó, Đảng ủy cũng khó mà lãnh đạo hội đồng trường. Việc phối hợp như thế nào cho tốt rõ ràng là cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Tôi tin rằng xây dựng cơ chế phối hợp này rất dễ. Chỉ cần lấy những thực tiễn thành công, hiệu quả ra mà làm thành qui định, thông tư, nghị định.

Những cơ chế hỗ trợ khác để các trường tự chủ có thể tự chủ tốt hơn và hoạt động không có Bộ chủ quản thì còn mấy vấn đề sau:

- Chúng ta đã thấy rất rõ ràng con đường tự chủ là không thể đổi khác vì đã được Nghị quyết của Đảng và luật qui định.

Trách nhiệm của chúng ta, của trí thức là phải ủng hộ để làm sao các đại học tiến nhanh hơn nữa trên con đường này.

Tôi xin đưa ra một vài con số để chứng minh tự chủ đã giúp diện mạo của trường chúng tôi thay đổi như thế nào trong 5 năm qua; vì hoạt động tự chủ theo Quyết định 158/QĐ-TTg đã được hơn 5 năm.

Về chất lượng giáo dục: hiện nay sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng bất kể bậc học nào thì khi ra trường 100% có việc làm, học năm thứ 4 thì 79-80% đã có việc làm, 20% còn lại là do các em kén chọn.

Chúng tôi đã cam kết với phụ huynh và xã hội rằng không có người học nào ra trường mà thất nghiệp.

Về tài chính của trường: ai cũng thấy là giảm hẳn đi áp lực cho nhà nước.

Về cơ sở vật chất: Trường đại học Tôn Đức Thắng đã đi tiên phong trong xây dựng cơ sở vật chất hiện đại.

Các trường khác cũng thay đổi nhiều sau khi đi tham quan trường tôi về. Việc nhỏ nhất là giữ gìn vệ sinh cũng đã làm được, phòng ốc sạch sẽ hơn xưa rất nhiều.

Trong 5 năm qua Trường đã góp phần thay đổi rất nhiều diện mạo các cơ sở giáo dục đại học trong toàn quốc.

Về khoa học công nghệ: trong 2010 đến hết 2015, tổng số công bố quốc tế toàn Việt Nam gấp 1,15 lần toàn bộ công bố quốc tế từ 1955 đến 2009 trên Scopus.

Trong 5 năm từ 2016 cho đến dự kiến cuối 2020, tổng công bố quốc tế của chúng ta gấp 3,56 lần nhiệm kỳ trước và tổng công bố quốc tế trên Scopus của nhiệm kỳ này xấp xỉ 2 lần toàn bộ từ năm 1955 đến 2015.

Như vậy chỉ trong 5 năm, chúng ta đã làm được một khối lượng khoa học gấp đôi 65 năm qua.

Đó là kết quả của tự chủ. Nên về lương tri, chúng ta có trách nhiệm phải ủng hộ quá trình này, mà đã ủng hộ thì phải đấu tranh. Vì sao cần phải đấu tranh?

Vì hiện nay rất nhiều Bộ, ngành chậm sửa Luật, Nghị định, Thông tư làm các đại học khi thực hiện tự chủ vô cùng rủi ro.

Có lần Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng làm việc với Trường, tôi đã nói thẳng: Tôi rất kính nể vì Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết về tự chủ; và Nghị quyết nào cũng hay, cũng đúng.

Nhưng khi sang các bộ tham mưu cho Chính phủ triển khai, thì cái nào cũng chậm chạp và trì trệ!

Vì chậm và không kiên quyết điều chỉnh luật, nghị định nên người thực hiện rất khổ. Vì vậy chúng ta cần phải đấu tranh.

Như thầy Quân đã nói, chúng ta phải dùng giải pháp phi truyền thống là kiến nghị, khiếu nại và đề đạt.

Tôi giới thiệu một tình huống để chúng ta cùng tham khảo: cách đây 220 năm, Tổng thống Thomas Jefferson, người cha già của nước Mỹ đã nói một câu rất hay:

“... Khi luật pháp không phù hợp thực tiễn hoặc không đúng, thì người dân không những không thi hành luật, mà còn phải có trách nhiệm chống lại luật pháp”.

Dĩ nhiên đây là quan điểm của người Mỹ chứ không phải quan điểm của chúng ta.

Nhưng chúng ta rất cần tham khảo, và phải tự hỏi rằng: “vì sao cũng là con người như nhau, mà 220 năm trước người ta có thể suy nghĩ tốt như vậy?, còn chúng ta thì đến bây giờ vẫn không dám suy nghĩ?”.

Cụm từ “chống lại luật pháp” của Thomas Jefferson trong trường hợp trên, với chúng ta cần được hiểu là có nhiều hình thức: như kháng nghị, kiến nghị, đấu tranh trên báo chí cách mạng... để buộc những bộ phận bảo thủ, trì trệ phải thay đổi, buộc một bộ phận chính quyền phải tập trung hoàn chỉnh luật pháp, nghị định, thông tư theo chỉ đạo của Đảng; để cơ sở có thể dễ dàng thực hiện tự chủ.

Cứ để sự tồn tại một hệ thống luật pháp rối rắm, khó hiểu, và nhất là luật mới và luật cũ dẫm chân lên nhau, thì cơ sở giáo dục đại học không thể thực hiện được; trong khi đơn vị kiểm tra, thanh tra thì dễ dàng bắt lỗi cơ sở.

Tình trạng đó sẽ giết chết sự tăng trưởng của đất nước; làm phá sản chủ trương của Đảng.

Bác Hồ đã nói một câu chí lý trong hoàn cảnh này: “điều gì tốt cho nhân dân thì dù nhỏ nhất cũng phải làm; điều gì có hại cho nhân dân thì dù nhỏ nhất cũng phải tránh”.

Chúng ta đã cùng biết điều gì tốt cho nhân dân, cho giáo dục đại học của nước nhà, thì tôi mong quí thầy cô cần phải làm, phải hành động; quyết liệt đấu tranh cho tự chủ và quyết liệt kiến nghị để có những chủ trương, những sửa đổi phù hợp hơn, cụ thể để tự chủ phải tiến lên.

Quan điểm cuối cùng là: đơn vị nào làm được hãy ủng hộ họ hết sức để họ đi nhanh, đi trước nhằm tạo cảm hứng và sự cạnh tranh để đưa cả đất nước đi lên./.

Ngày 13/6/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cuộc tọa đàm quy tụ gần 100 nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học đặt dưới sự đồng chủ trì của Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và Giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông.

Tọa đàm khoa học đã nhận được trên 20 báo cáo tham luận về tự chủ đại học, vai trò cũng như chức năng của Hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, Ban giám hiệu và cơ quan quản lý trực tiếp...Phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc về vấn đề bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản, từ chủ trương nghị quyết, quy phạm pháp luật đến thực tiễn.

Được sự đồng ý của Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam lần lượt đăng tải các bản tham luận tại Tọa đàm này để cung cấp thêm thông tin đến bạn đọc quan tâm. Nội dung, văn phong tham luận thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Giáo sư Lê Vinh Danh (Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng)