9 hoạt động tiêu biểu và hiệu quả của Hiệp hội trong năm 2021

30/01/2022 06:40
Nguyễn Đăng Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVU&C) vẫn chủ động, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả trong năm 2021.

Bước vào năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 gây khó khăn, cản trở mọi hoạt động kinh tế xã hội, tác động tiêu cực đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, nhưng do có sự chuyển biến kịp thời sang hình thức hoạt động trực tuyến nên Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVU&C) vẫn triển khai Chương trình công tác năm 2021, năm đầu tiên của nhiệm kỳ II (2021 – 2025) đạt được kết quả đáng kể và tạo được những ấn tượng tốt.

1. Nhanh chóng kiện toàn được tổ chức bộ máy điều hành phù hợp với yêu cầu của thực tế

Ngày sau ngày tổ chức thành công Đại hội toàn thể Hiệp hội lần thứ hai (12/2020), Hiệp hội đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy gọn nhẹ, năng động, tâm huyết, phù hợp với đòi hỏi của thực tế triển khai Nghị quyết của Đại hội toàn thể Hiệp hội lần thứ hai đề ra nói chung, Chương trình công tác của năm 2021 nói riêng. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo nên kết quả đạt được của Hiệp hội năm 2021.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội nhiệm kỳ II được bầu làm Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. (ảnh: Ngọc Ánh)

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội nhiệm kỳ II được bầu làm Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. (ảnh: Ngọc Ánh)

2. Ban hành kịp thời các quy chế điều hành nội bộ

Hiệp hội đã mau chóng rà soát, chỉnh sửa, ban hành các văn bản quy định nội bộ, cụ thể hóa Điều lệ Hiệp hội và những quy định của pháp luật có liên quan để điều hành, triển khai, giải quyết các công việc được hiệu quả, đưa các hoạt động đi dần vào nề nếp và chuyên nghiệp.

Hiệp hội duy trì thường xuyên giao ban hàng tuần (vào ngày thứ Hai) và tọa đàm trao đổi các vấn đề về khoa học giáo dục, quản lý (vào thứ Sáu).

3. Tổ chức hội thảo khoa học đạt được hiệu quả tốt

Bên cạnh việc chủ trì Hội thảo khoa học quốc gia với tiêu đề Chuyển đổi số trong giáo dục đại học, Hiệp hội còn phối hợp Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế Dữ liệu mở Châu Á đạt được kết quả mong muốn.

Hội thảo chuyển đổi số được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, với sự hỗ trợ của Trường Đại học Mở Hà Nội, được sự hưởng ứng và tham dự của một số bộ, ban ngành Trung ương, đã có gần 1500 đại biểu tham dự tại 380 điểm cầu của gần 200 trường hội viên và một số chuyên gia giáo dục.

Đây là một trong những hội thảo của Hiệp hội đạt được nhiều tiêu chí tiêu biểu: hội thảo có số lượng người tham dự đông nhất, hội thảo tổ chức nhanh gọn tiết kiệm được khá nhiều thời gian, các chi phí; hội thảo có nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi trực tiếp với các tác giả báo cáo chuyên đề và Hiệp hội có được những kinh nghiệm tốt cho tổ chức các hội thảo tiếp theo.

Hội Truyền thông Số Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở châu Á (AODP).

Hội Truyền thông Số Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở châu Á (AODP).

4. Năm 2021, Hiệp hội đã kịp thời chuyển đổi hình thức họp

Để triển khai và hoàn thành tốt Chương trình công tác của năm, Hiệp hội chuyển đổi hầu hết các hoạt động từ hình thức tổ chức trực tiếp sang trực tuyến và phối hợp cả hai tùy theo sự diễn biến của đại dịch, của nội dung, yêu cầu tiến độ và kết quả của từng công việc đặt ra.

Mặc dù không có được không khí đông đảo, vui vẻ, sôi nổi, đầm ấm của những lần tổ chức gặp gỡ trực tiếp, nhưng hình thức họp trực tuyến có khá nhiều lợi thế mà hình thức họp trực tiếp không có được.

Mỗi cuộc họp của Thường trực từ máy chủ ở trụ sở được kết nối với các điểm cầu ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước như ở Tam Kỳ (Quảng Nam). Tuy Hòa (Phú Yên), ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng Sông Cửu Long, ...

Hiệp hội đã chuyển các cuộc họp từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. (Ảnh: PM)

Hiệp hội đã chuyển các cuộc họp từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. (Ảnh: PM)

5. Hoạt động nghiên cứu khoa học được tăng cường và đẩy mạnh

Ngoài đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, về Thực trạng và giải pháp để phát triển đối với hệ thống các trường đại học ngoài công lập đã hoàn tất được bảo vệ thành công, đạt được chất lượng thuộc loại xuất sắc, các vấn đề quan trọng liên quan đến đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng như: Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2045, về tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học; về kiểm định chất lượng giáo dục; về thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục; về triết lý giáo dục; về mô hình trường đại học không vì lợi nhuận, về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, về giáo dục đại học của Trung Quốc,… là những chủ đề của các buổi tọa đàm hàng tuần của Thường trực Hiệp hội.

Một số chuyên gia giáo dục có uy tín được mời cùng tham gia thường xuyên. Thông qua nghiên cứu trao đổi, mọi người có cơ hội nâng cao hiểu biết về giáo dục và giáo dục đại học được sâu rộng và toàn diện hơn.

6. Các câu lạc bộ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đều đặn và đạt được hiệu quả

Năm 2021, đã có 4 câu lạc bộ được thành lập thêm. Hiện Hiệp hội đã có 21 câu lạc bộ. Bằng hình thức trực tuyến, các câu lạc bộ cuả Hiệp hội vẫn tổ chức sinh hoạt thường xuyên năm 2 kỳ đều đặn.

Tại diễn đàn này, các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ, chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, về kinh nghiệm đào tạo,… được trao đổi và đưa lại cho mỗi trường những lợi ích thiết thực.

Bên cạnh đó các trường cũng phản ánh kịp thời các vấn đề đã trao đổi, thống nhất những nội dung và gửi tới Hiệp hội, trên cơ sở đó, Hiệp hội gửi văn bản báo cáo với cơ quan quản lý các cấp xem xét, giải quyết.

7. Hiệp hội đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp thiết thực

Đây là hoạt động cơ bản và quan trọng của Hiệp hội. Trên cơ sở nghiên cứu trao đổi thông qua các hội thảo, tọa đàm và tiếp nhận các ý kiến đề nghị của các câu lạc bộ, Hiệp hội đã có một số văn bản gửi và đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước các cấp có liên quan xem xét giải quyết.

- Góp ý cho văn bản dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó giáo dục đại học.

- Đề nghị tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm việc thí điểm triển khai tự chủ đại học toàn diện và trách nhiệm hơn.

- Đề nghị đánh giá quá trình triển khai và thực hiện hiệu quả của Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong việc đi đầu thực hiện tự chủ; các khó khăn hiện nay của Trường trong việc duy trì và phát huy kết quả đạt được trong những năm qua và hướng phát triển trong những năm tới.

- Đề nghị phải soạn thảo, ban hành để có được hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và nhất quán trong quan điểm chỉ đạo tự chủ đại học.

+ Góp ý cho Nghị định 99/ NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi

+ Góp ý cho dự thảo Thông tư hướng thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính đối với các trường đại học

+ Đề nghị ban hành Nghị định riêng đối với các trường đại học thực hiện tự chủ

+ Cần xác định rõ vai trò của Hội đồng trương có thực quyền của trường đại học tự chủ, làm rõ hơn về mối quan hệ phối hợp giữa Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, tổ chức Đảng và các Đoàn thể trong trường, làm rõ khái niệm cơ chế chủ quản, cơ quan quản lý trực tiếp, ….

+ Hiệp hội gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét chuyển khối trường cao đẳng chuyên nghiệp trở lại với bậc giáo dục đại học, thực hiện một đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục

8. Kiến nghị giải pháp để các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập được hưởng chính sách ưu đãi về thuế

Đảng và Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế đối với cơ cơ giáo dục đào tạo thực hiện xã hội hóa. Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 20/8/2008 đã có quy định khá cụ thể.

Tuy nhiên tiêu chí 55m2 đất/ sinh viên (ban hành theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg) tuy đã quá lạc hậu, nhưng lại đang là chướng ngại, mà VIPUA trước đây và AVU&C hiện nay đang còn phải tiếp tục kiến nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền giải quyết, sửa đổi tiêu chí cho phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay, khi cách mạng công nghiệp 4.0 và số hóa hiện nay đang đi vào mội lính vực của đời sống xã hội. Vấn đề này hiện đang cản trở, hạn chế kết quả của chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Ngày 31/8/2021, Hiệp hội đã có văn bản số 78 /HH- NCPTCS gửi Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị hai Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết vấn đề trên.

Ngày 30/9/2021, Bộ Tài chính đã có công văn số 1216/BTC-HCSN trả lời Hiệp hội, trong đó chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản các trường là Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần chủ động đề xuất.

Ngày 02/11/2021, Hiệp hội mới nhận được văn bản trả lời số 4926/GDĐT-KHTC ký ngày 27/10/2021 gửi trả lời kiến nghị của Hiệp hội đề nghị cung cấp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị sửa đổi cụ thể các quyết định nêu trên để Bộ tổng hợp nghiên cứu trình Chính phủ.

Hy vọng với sự quan tâm vào cuộc lần này nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập sẽ được đáp ứng.

9. Hiệp hội cùng các trường hội viên tích cực tham gia khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra

a/ Chung lo khắc phục ảnh hưởng, thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra cho ngành giáo dục, ngay từ đầu năm 2020, khi đại dịch mới xuất hiện, Hiệp hội đã đề xuất với cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét thực hiện phương án chuyển đổi hình thức đào tạo, giảng dạy từ tại trường sang giảng dạy, đào tạo từ xa, trực tuyến thông qua mạng internet và qua truyền hình, để học sinh, sinh viên không đến trường những vẫn được học, nhiệm vụ năm học vẫn có thể được hoàn thành.

Hiệp hội có công văn (79/HH-VP ngày 02/9/2021) gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo học trực tuyến qua mạng, qua truyền hình đối với các cấp học cụ thể, phù hợp vùng miền để có được hiệu quả thiết.

- Khẳng định dạy học qua truyền hình là phương thức dạy học chủ lực cho đa phần các cơ sở giáo dục phổ thông tại các vùng có dịch.

- Khẳng định dạy học trực tuyến là phương thức dạy học tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp có kết hợp một cách hợp lý tùy tình hình cụ thể với các phương thức dạy trực tiếp.

Ý kiến của Hiệp hội đã được các cấp quan tâm, lắng nghe, tiếp nhận và vận dung vào thực tế. Tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội tổ chức ngày 17/12/2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn đã thừa nhận những đóng góp quan trọng và to lớn trong năm 2021 nói riêng và trong nhiều năm quan nói chung của Hiệp hội đối với Ngành giáo dục.

Thứ trưởng cho biết Bộ cũng đang nghiên cứu để đặt hàng với Hiệp hội nghiên cứu một số nội dung giúp Bộ.

b/ Các hội viên của Hiệp hội tích cực tham gia phòng chống đại dịch Covid -19

Hưởng ứng chủ trương phòng chống dịch Covid-19 của Đảng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội đã có công văn gửi, đề nghị các trường một mặt kịp thời có các giải pháp cần thiết, phù hợp với điều kiện của mình để hạn chế bằng được các thiệt hại do đại dịch gây ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và năm học tới, mặt khác tích cực hỗ trợ cho các vùng trũng dập dịch.

Đã có 28 trường hội viên gửi báo cáo và có được kết quả bước đầu như sau:

- 23 trường hội viên đã cử 5.774 cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia trực tiếp chống dịch

- 19 trường hội viên đã hỗ trợ tiền mặt là 7.572.556.678 VND

- Các trường đã dành 1.601 phòng, 8 tầng nhà ký túc xá để làm nơi cách ly

- Khá nhiều các trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm khác nữa trị giá nhiều tỉ đồng

c/ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có đóng góp vào việc thành lập và phát triển nên được Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người trao tặng Giấy chứng nhận.

Kết thúc năm 2021 với những hoạt động hiệu quả trên đây, vai trò, vị thể, của Hiệp hội tiếp tục phát triển, có thêm bước tiến bộ mới và những tác động tích cực của Hiệp hội đã được các cơ quan quản lý Nhà nước và Đoàn thể Trung ương khẳng định, ghi nhận và động viên khen thưởng.

Cụm thi đua số 6 - Khối Giáo dục, Văn hóa, Xã hội và Đối ngoại, trong hội nghị tổng kết của Cụm, các hội thành viên đã lựa chọn, tôn vinh, đề nghị và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Quyết định tặng Cờ thi đua Đơn vị xuất sắc năm 2021 cho Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Bước sang năm 2022, trên cơ sở tiếp tục phát huy thế mạnh đã có, hy vọng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã và đang quyết tâm phấn đấu và thành công trong việc vươn lên xây dựng Hiệp hội phát triển bền vững để có thể đóng góp và phục vụ nhiều hơn và tốt hơn cho ngành và sự nghiệp đổi mới giáo dục của đất nước.

Nguyễn Đăng Khoa