Xử lý tiêu cực ở kỳ thi năm 2018- đau cũng cần phải nghiêm khắc, cương quyết

03/08/2019 06:12
THANH AN
(GDVN) - Thà đau ở thời điểm hiện tại nhưng vết thương rồi sẽ lành, còn hơn không xử lý đến nơi, đến chốn thì vết thương sẽ còn âm ỉ mãi trong lòng xã hội.

Hơn một năm qua, sau vụ việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La đã có hàng nghìn bài báo, ý kiến lên tiếng về cách xử lý ở 3 địa phương này.

Nhiều góc khuất vẫn chưa được tường tận nhưng việc xử lý ông Hoàng Tiến Đức- Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La và ông Bùi Trọng Đắc- Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình mới đây cũng phần nào tạo được niềm tin cho dư luận.

Song, những người được Uỷ ban Kiểm tra tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị xử lý vẫn chối bỏ trách nhiệm liên quan của mình. Và, Hà Giang nữa- nơi ấy vẫn chứa đựng nhiều điều bí mật chưa được tỏ tường.

Ông Bùi Trọng Đắc- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình vừa bị đề nghị cách chức (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ông Bùi Trọng Đắc- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình vừa bị đề nghị cách chức

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Sơn La, Hòa Bình đã “khai hỏa”

Ngày 19/6/2019 thì ông Hoàng Tiến Đức- Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La cũng đã bị Ban Bí thư Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Ngày 26/6, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La ra Quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định số 748/ QĐ-UBND ngày 28/3/2019 về việc nghỉ hưu đối với ông Hoàng Tiến Đức- Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Sơn La.

Ngày 10/7/2019, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã có Công văn số 2267 gửi các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố của tỉnh.

Tại công văn này đã yêu cầu:"chưa xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, khen thưởng, bổ sung quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La khi chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền".

Điều này cũng đồng nghĩa là những cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến tiêu cực của kỳ thi năm 2018 của địa phương này đang phải chịu án “kỷ luật treo” khi mà sự việc chưa được tỏ tường.

Tại Hòa Bình thì Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình cũng vừa kỷ luật cảnh cáo ông Bùi Văn Cửu- Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh- Trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình năm 2018.

Xử lý tiêu cực ở kỳ thi năm 2018- đau cũng cần phải nghiêm khắc, cương quyết ảnh 2Danh tính cán bộ có con được nâng điểm ở Hòa Bình

Đồng thời đề nghị Ban Bí thư cách chức ông Bùi Trọng Đắc- Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình.

Ngoài ra, Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Hoà Bình cũng đã công bố 5 cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý liên quan tới vụ gian lận thi cử năm 2018.

Đó là: ông Bùi Văn Thắng (nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải), ông Trần Văn Tiệp (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Đỗ Hải Hồ (Giám đốc Sở khoa học và công nghệ), ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó cục Trưởng Cục Thuế), Phạm Hồng Hải (Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình).

Sao Hà Giang vẫn im lặng?

Nếu như Sơn La, Hòa Bình đã có những bước chuyển biến có phần tích cực là xử lý người đứng đầu ngành giáo dục địa phương và một số phụ huynh liên quan thì Hà Giang vẫn đang im lặng một cách khó hiểu nhất.

Đối với người đứng đầu ngành giáo dục Hà Giang vào thời điểm để xảy ra tiêu cực là ông Vũ Văn Sử (đã về hưu vào cuối năm 2018) chỉ bị nhận hình thức kỷ luật là “cảnh cáo” vào ngày 18/6/2019 sau kỳ họp thứ 26 khóa XVI của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang.

Điều đặc biệt là trong số 210 phụ huynh được cơ quan điều tra đã đề nghị các cơ quan chức năng xử lý kỷ luật thì chỉ có ông Phạm Văn Khuông, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là được nêu đích danh.

Còn lại, 209 phụ huynh khác và có thể sẽ có thêm một số cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến vụ án này vẫn nằm trong vòng bí mật!

Cần có những hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc!

Xử lý tiêu cực ở kỳ thi năm 2018- đau cũng cần phải nghiêm khắc, cương quyết ảnh 3
Những niềm tin đang vụn vỡ sau sự việc tiêu cực của kỳ thi năm 2018 

Ai cũng biết, vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở 3 địa phương Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La liên quan đến rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức.

Trong số họ có không chỉ là một số Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch huyện, thành phố mà còn có cả con ông Triệu Tài Vinh- nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang.

Việc xử lý nghiêm minh, đi đến tận cùng vấn đề đương nhiên sẽ có nhiều người bị kỷ luật, thậm chí sẽ mất chức, bị truy tố. Nhưng, nếu không làm rõ tường tận sự việc thì chắc chắn một điều cái được thì ít mà cái mất sẽ nhiều.

Bởi, rõ ràng có nhiều người vi phạm, liên quan đến việc con mình được nâng khống điểm nhưng họ vẫn chối loanh quanh. Thậm chí là phủ nhận toàn bộ sự việc.

Nếu như trước đây, ông Triệu Tài Vinh đã phủ nhận việc tác động để con được nâng điểm thì mới đây, khi mà Uỷ ban Kiểm tra tỉnh ủy Hòa Bình công bố danh sách 5 phụ huynh thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ tỉnh ủy mà họ vẫn chối, vẫn không hiểu vì sao con mình được nâng điểm.

Chính vì thế, thà đau, thà mất cán bộ của địa phương thì các cơ quan chức năng của 3 tỉnh này cũng cần làm rõ trắng đen sự việc. Nếu xử lý nghiêm, thà đau ở thời điểm hiện tại nhưng rồi vết thương sẽ lành, còn hơn không xử lý đến nơi, đến chốn thì vết thương sẽ còn âm ỉ mãi trong lòng xã hội.

Điều quan trọng nữa là mất niềm tin đối với nhân dân mà những người liên quan đến việc tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh thì họ sẽ cười…một cách đắc chí!

THANH AN