Xử lý hình sự việc gian lận tại các trạm BOT như Công ty Yên Khánh

05/01/2019 11:07
Nhật Minh
(GDVN) - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông tại các trạm thu phí BOT

Ngày 4/1, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2019.

Tham dự Lễ phát động có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Phát biểu tại Lễ ra quân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: "Chúng ta cùng khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ thực hiện cho được mục tiêu đã nêu ra, đặc biệt là hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của chủ đề Năm An toàn giao thông 2019 là “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Hà Nội mới
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Hà Nội mới

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và tổ chức triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn.

Ba là, tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội với việc đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn giao thông, trong đó tập trung vào: Nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thuyền viên; đăng kiểm phương tiện; an toàn, an ninh hàng không; quản lý quy hoạch - trật tự xây dựng.

Năm là, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Sáu là, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thu hút hành khách, hàng hoá sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.

Lễ phát động. Ảnh: Hà Nội mới
Lễ phát động. Ảnh: Hà Nội mới

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Tám là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế mức sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị, gắn với khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Chín là, quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

“Tôi nhấn mạnh đến hai trọng tâm cần tăng cường tuyên truyền, vận động gắn với xử lý nghiêm hành vi vi phạm đó là vi phạm nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.

Đây là hai nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông và làm tăng tỉ lệ thương vong trong các dịp cao điểm, lễ, Tết.

Đề nghị không vì ngày Tết mà nể nang, xuê xoa, cần dừng xe, kiểm tra, xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra. Đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với người dân”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 4/1, tại trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác an toàn giao thông.

Kết luận Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong năm 2018.

Đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với năm 2017, trong đó 17 địa phương giảm trên 10% số người chết.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đó là, nhu cầu vận tải, số lượng phương tiện, mật độ tham gia giao thông tăng cao trong khi năng lực kết cấu hạ tầng còn hạn chế; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém; hạn chế về hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông; bất cập trong các quy định pháp luật…

Năm 2019, mục tiêu đề ra là tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5-10% về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; giảm 10% con số thương vong do tai nạn giao thông liên quan đến vận tải hành khách và xe mô tô, xe gắn máy; tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến 8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cũng như các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2019 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện.

Đó là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự An toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu An toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn.

Theo đó, ngay trong năm 2019, các bộ ngành cần tổng kết và xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ; sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới, quy định pháp luật về thống kê tai nạn giao thông theo tiêu chuẩn quốc tế và các văn bản hướng dẫn.

Đề cập đến việc tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

Đối với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công quản lý Nhà nước về bảo đảm an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tập trung vào nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thuyền viên; đăng kiểm phương tiện; an toàn, an ninh hàng không; quản lý quy hoạch - trật tự xây dựng.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác an toàn giao thông. Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác an toàn giao thông. Ảnh: VGP.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.

Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải có danh mục, con số cụ thể về xoá điểm đen tai nạn giao thông, xoá lối đi tự mở trái phép qua đường sắt trong năm 2019 và các năm tiếp theo để kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông tại các trạm thu phí BOT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 82/CĐ-TTg.

Bên cạnh đó, xử lý nghiêm một số phần tử xấu kích động biểu tình, gây rối ở các trạm BOT và xử lý hình sự việc gian lận tại các trạm BOT như Công ty Yên Khánh vừa qua.

“Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thu hút hành khách, hàng hoá sử dụng vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị, gắn với khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

“Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Nhật Minh