Xét nghiệm diện rộng: giải pháp căn cơ để kiểm soát lây nhiễm COVID ở cộng đồng

07/08/2021 06:12
Thanh Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với tình hình dịch bệnh lan rộng hiện nay, cần có sớm có giải pháp xét nghiệm trên diện rộng cho toàn dân để phát hiện kịp thời mầm bệnh trong cộng đồng...

Dịch bệnh COVID-19 ở nước ta vẫn đang được đánh giá là diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong ngày 06/8, cả nước ghi nhận 8.324 ca nhiễm mới, trong đó 04 ca nhập cảnh và 8.320 ca ghi nhận trong nước tại Thành phố Hồ Chí Minh (4.060), Bình Dương (1.169), Long An (859), Đồng Nai (554), Khánh Hòa (269), Tiền Giang (253), Đồng Tháp (141), Đà Nẵng (138), Hà Nội (116)...

Tính đến chiều ngày 06/8, Việt Nam có tổng số 193.381 ca nhiễm trong đó có 2.338 ca nhập cảnh và 191.043 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 189.473 ca.

  1. Xét nghiệm diện rộng: giải pháp căn cơ để kiểm soát lây nhiễm COVID ở cộng đồng ảnh 1

Xét nghiệm trên diện rộng, phát hiện sớm các ca mắc sẽ giúp ngăn chặn sớm sự lây lan trong cộng đồng. Ảnh minh họa: Tùng Dương

Số ca F0 trong cộng đồng đáng lo ngại

Với những con số thống kê trên, các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhất đã được Chính phủ, các địa phương triển khai nhằm kiểm soát và khống chế được các ổ dịch, giảm ca lây nhiễm và đặc biệt là giảm các trường hợp tử vong do mắc Covid-19.

Dù các địa phương đã có những biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 nhưng thực tế có không ít khó khăn trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Bởi, mầm bệnh vẫn còn lẩn khuất trong cộng đồng, các ca F0 trong cộng đồng có thể có nhưng chưa được phát hiện kịp thời và cách ly. Đơn cử, chỉ tính riêng ngày 6/8, trong số 8.324 ca nhiễm mới trên cả nước thì có đến 1.486 ca trong cộng đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh đang là một trong những địa phương có diễn biến dịch COVID-19 nóng nhất cả nước với số ca mắc đang dẫn đầu. Thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội được 1 tháng, song số ca nhiễm mới vẫn rất cao. Mắc dù Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc COVID-19 với số lượng lớn nhưng theo một số chuyên gia, việc tập trung xét nghiệm ở những “vùng đỏ”, những nơi có nhiều ca mắc là cần thiết nhưng cần mở rộng hơn. Bởi, các ổ dịch mới vẫn tiếp tục xuất hiện lốm đốm trên bản đồ Thành phố, đồng nghĩa với việc mầm bệnh không chỉ tập trung ở một vài nơi mà đã lan rộng trong cộng đồng, cần được phát hiện sớm và "đánh chặn" để cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Đáng lo ngại hơn, một số tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca mắc mới cũng đang rất đáng lo ngại. Vì thế, cần có giải pháp phát hiện sớm các ca mắc COVID trong cộng đồng để tránh việc gây quá tải lên hệ thống y tế còn hạn chế ở nhiều địa phương.

Ngày 6/8, theo ghi nhận trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19, Thủ đô Hà Nội ghi nhận 116 ca nhiễm mới và lãnh đạo Thành phố đã chính thức quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn Thành phố thêm 14 ngày.

Đây được xem là quyết định khó khăn nhưng rất cần thiết của Thành phố, đa số người dân Thủ đô đồng tình ủng hộ quyết định này. Đáng chú ý là từ ngày 2/8, CDC Hà Nội đã thông báo khẩn thiết đề nghị người dân trên địa bàn, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường/xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm COVID-19 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh. Đã có các ca sàng lọc ho sốt, không liên quan đến các ổ dịch, xét nghiệm và phát hiện mắc COVIDd-19.

Nhiều trường hợp F0 đã bắt đầu xuất hiện ở các bệnh viện, siêu thị, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm…đặt ra yêu cầu Thành phố phải có các giải pháp hữu hiệu, quyết liệt hơn để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân, doanh nghiệp sớm trở lại "trạng thái bình thường mới".

Cần xét nghiệm diện rộng để phát hiện sớm F0, ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng

Về tổng thể, từ Trung ương đến các địa phương đang nỗ lực chống dịch ở mức cao nhất để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Song với tình hình dịch bệnh lan rộng hiện nay, cần có sớm có giải pháp xét nghiệm trên diện rộng cho toàn dân ở các địa phương có dịch để phát hiện kịp thời mầm bệnh trong cộng đồng, phát hiện F0, cách ly FO, từ đó cắt đứt hoàn toàn chuỗi lây nhiễm sau những ngày giãn cách.

Việc xét nghiệm tầm soát trên diện rộng cần được thực hiện nhất quán từ Trung ương tới địa phương, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu như việc chống dịch một số nơi thời gian qua gây ra lúng túng, khó triển khai.

Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các cuộc họp chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 là thần tốc xét nghiệm, truy vết trên diện rộng để chủ động nắm được tình hình và từ đó có biện pháp cách ly, ngăn chặn lây lan kịp thời, hiệu quả.

Ngay từ đầu, chúng ta đã xác định chống dịch như chống giặc. Muốn chống giặc thì kinh nghiệm ngàn đời của cha ông ta đã cho thấy rõ phải biết địch, biết ta. Đáng tiếc, còn quá nhiều điều chúng ta chưa hiểu được rõ về SARS-CoV-2, về những biến đổi phức tạp và khôn lường của loại virus nguy hiểm chết người này. Vì thế, phát hiện sớm các ca bằng giải pháp xét nghiệm diện rộng cần được triển khai nhằm càng sớm phát hiện được các ca F0, kiểm soát được F0 bằng biện pháp thích hợp để giảm nguy cơ lây nhiễm càng sớm càng tốt. Đây phải được xem là một giải pháp quan trọng song song với việc triển khai tiêm vác xin đang được triển khai khắp cả nước.

Rõ ràng, để triển khai được chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn trên toàn quốc thì cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế.

Các bộ kit và sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 cần có nếu triển khai diện rộng chắc chắn sẽ cần số lượng lớn, đặc biệt là các xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Thiết nghĩ, chúng ta nên phát động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các mạnh thường quân, thúc đẩy việc xã hội hoá công tác mua sắm và tặng sinh phẩm xét nghiệm nhanh cho người dân, cho các địa phương để sàng lọc đồng loạt.

Được biết, thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện nhiều sinh phẩm xét nghiệm chất lượng cao, đa số được nhập khẩu từ nước ngoài, với giá chỉ từ vài chục nghìn đến dưới 100.000 đồng/ 1 kit xét nghiệm nhanh.

Do đó, chỉ cần cơ quan chức năng có những hướng dẫn rõ ràng, chi tiết về chất lượng, cấu hình, xuất xứ nguồn gốc của các sản phẩm này, chắc chắn chúng ta sẽ có được sự ủng hộ của toàn xã hội để có đủ cơ số kit xét nghiệm và trang thiết bị cần thiết cho chiến dịch xét nghiệm tầm soát quy mô lớn. Mục tiêu phát hiện kịp thời mầm mống nguồn bệnh ngay từ trong trứng nước để ngăn chặn kịp thời sẽ khả thi.

Về vấn đề nhân lực thực hiện nếu triển khai xét nghiệm trên quy mô toàn quốc, ngoài lực lượng y, bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm đóng vai cho chủ chốt, Bộ Y tế cũng có thể huy động các lực lượng ở cộng đồng như các tổ chức chính trị - xã hội và các sinh viên ngành y, tổ chức đồng bộ các chương trình tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn sử dụng và triển khai xét nghiệm sàng lọc cho các đơn vị tuyến cơ sở, các lực lượng tình nguyện đã được chọn lọc. Cách làm này sẽ giải quyết được vấn đề nhân lực xét nghiệm và đảm bảo có thể thực hiện nhanh, hiệu quả trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, có thể tổ chức để các phòng khám, nhà thuốc trên toàn quốc tham gia tổ chức xét nghiệm nhanh cho người dân. Đồng thời cũng nên xem xét khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể cho việc sử dụng các bộ kit xét nghiệm nhanh (được Bộ Y tế phê duyệt) do người dân tự thực hiện tại nhà, tạo thành thói quen bền vững trong việc chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm mầm bệnh COVID-19.

Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng là hoàn toàn khả thi nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cơ động trong tổ chức thực hiện. Ví dụ, Cộng hòa liên bang Đức, Vương quốc Anh, Singapore, Đài Loan… đều rất thành công với mô hình tổ chức xét nghiệm lưu động và khuyến khích người dân tự đến xét nghiệm miễn phí tại các nhà thuốc hay các cơ sở được chỉ định ngay gần nơi mình sinh sống và làm việc.

Đa số các cơ sở xét nghiệm tại Đức đều tiếp nhận làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên miễn phí cho người dân định kỳ mỗi tuần một lần nếu có nhu cầu.

Tại Anh, các điểm xét nghiệm và tiêm chủng vaccine COVID-19 do chính quyền tổ chức rộng khắp cũng cấp phát miễn phí cho mỗi người 2 bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi tuần để người dân có thể tự thực hiện tại nhà theo hướng dẫn chi tiết.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 sẽ còn nhiều gian truân, nhưng với tinh thần vừa phòng ngự, vừa phản công như chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta sẽ sớm kiểm soát được tình hình. Song, để làm được điều này, việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc trên toàn quốc, hay chí ít là tầm soát cho toàn bộ người dân ở những tỉnh thành đang có dịch là điều cần phải thực hiện. Bởi khi và chỉ khi nắm bắt được bức tranh toàn cảnh dịch bệnh và mầm mống lây lan trong cộng đồng thì các biện pháp chống dịch mới phát huy được hiệu quả tốt nhất, các con đường lây lan mới có thể được chặn đứng, tạo tiền đề sớm đưa cuộc sống người dân trở lại "trạng thái bình thường mới", khôi phục toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Thanh Thủy