Vừa bước ra khỏi phòng thi thăng hạng nhiều giáo viên Kiên Giang bật khóc nức nở

30/12/2019 06:40
Phan Tuyết
(GDVN) - Ai cũng có chứng chỉ Anh văn, Tin học nhưng giờ tỉnh bắt thi kiểu này sẽ chẳng còn được mấy người. Sao có nơi chỉ xét tuyển còn tỉnh này lại bắt giáo viên thi?

Ngày 28/12, tỉnh Kiên Giang tổ chức thi thăng hạng cho hàng nghìn giáo viên trong toàn tỉnh. Môn thi đầu tiên là Anh văn, môn thứ hai là Tin học và môn cuối cùng là môn chuyên ngành.

Thăng hạng giáo viên là quá trình chuẩn hóa nghề nghiệp theo Luật viên chức. (Ảnh: Bắc Việt, Báo Giáo dục và Thời Đại)
Thăng hạng giáo viên là quá trình chuẩn hóa nghề nghiệp theo Luật viên chức. (Ảnh: Bắc Việt, Báo Giáo dục và Thời Đại)

Một số giáo viên dự thi cho biết: “Uổng bao nhiêu công sức chờ đợi, mất bao nhiêu tiền, thế là công cốc hết cả rồi rồi cô ơi!”

Những tiếng khóc dù cố kìm vẫn bật lên nức nở nghẹn ngào. Để cho cơn xúc động lắng xuống, chúng tôi mới dám lên tiếng hỏi rằng: “Mới thi môn đầu tiên sao lại bi quan vậy em?”.

Bất ngờ những tiếng thổn thức lại bật lên nghe đến nghẹn lòng: “Vì thi trắc nghiệm trên máy vi tính kiểu như thi Violympic nên biết ngay kết quả cô ạ. Tổng điểm là 100, nếu ai không đạt 50 điểm xem như là rớt khỏi thi môn thứ hai nữa”.

Nói rồi, một giáo viên ở huyện Gò Quao cho biết, cứ mỗi lượt vào thi một lần chỉ có 1 hoặc 2 người đỗ. Có lần rớt hết không đỗ được người nào, không khí buồn thê thảm nhìn đến nao lòng.

Học thăng hạng, mỏi mòn đợi gần 4 năm

Vừa bước ra khỏi phòng thi thăng hạng nhiều giáo viên Kiên Giang bật khóc nức nở ảnh 2
Cách thi và tính điểm thăng hạng giáo viên

Nhiều giáo viên cho biết, cách đây 3-4 năm đã tập trung đi học thăng hạng và chuẩn bị một số điều kiện để thi như phải có chứng chỉ Anh văn, vi tính.

Chỉ riêng học thăng hạng phải nộp mỗi giáo viên 2 triệu 800 ngàn đồng. Hai chứng chỉ còn lại cũng phải bỏ ra một số tiền không nhỏ mới có được.

Dù đã học xong, dù đã đủ điều kiện nhưng tỉnh không mở lớp để thi. Mấy năm trời mỏi mòn chờ đợi những mong qua hạng để nhận thêm vài đồng lương nhưng chẳng thấy tăm hơi gì. Từng năm cứ qua đi trong sự chờ đợi đến vô vọng.

Nay, nhận được thông báo đi ôn 2 ngày là vào thi ai cũng háo hức. Nhưng rồi thất vọng não nề ngay từ môn thi đầu tiên đã dập tắt bao trông chờ, mong ngóng.

Giảng viên ôn tập và bán tài liệu nhưng không trúng một câu nào

Hàng ngàn người đổ về tỉnh thuê nhà để ôn thi 2 ngày với một lượng kiến thức khổng lồ. Giáo viên dạy ôn là những thầy cô giáo tại Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Kiên Giang.

Điều phi lý là, các thầy cô ôn thi với lệ phí 500 ngàn đồng/2 ngày và bán tài liệu 40 ngàn/bộ với hàng trăm câu điền từ, rồi bài đọc, bài nghe nhưng khi vào thi không đúng lấy một câu.

Có giáo viên cho biết: “Biết tiếng Anh mình yếu, nếu thi đàng hoàng thì chẳng bao giờ qua nổi. Thế nên 2 ngày ôn tập, ai cũng cố gắng tập trung cao độ. Thầy cô bán tài liệu ai cũng mua về để học thuộc, những mong không trúng hết cũng được mươi câu cho đỡ phí công sức. Nhưng nào ngờ…”.

“Tụi em có cảm giác như mình bị lừa. Nhiều giáo viên cứ thắc mắc mãi câu hỏi: “Đã tổ chức ôn thi, đã bán tài liệu thì ít ra cũng phải cho trúng một phần trăm nào đấy trong tài liệu, đằng này…một câu cũng không trúng thì ôn làm gì? Bán tài liệu cho chúng em làm chi?”.

Tiếc tiền bỏ ra mua tài liệu thì ít, tiếc công sức tụi em bỏ ra suốt đêm để học thuộc từng câu nhưng rốt cuộc xôi hỏng bỏng không vì đề ra hoàn toàn khác như vậy.

Nhiều thầy cô cho biết, lần ôn thi đầu do giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp dạy. Nhưng ôn lần hai này lại là các thầy cô giáo Trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh Kiên Giang.

Thức trắng đêm, học quên ăn nhưng "xôi hỏng bỏng không"

Vừa bước ra khỏi phòng thi thăng hạng nhiều giáo viên Kiên Giang bật khóc nức nở ảnh 3
4 năm học sư phạm lẽ nào lại cần thêm chứng chỉ nghề chỉ học vài ngày?

Giá để tụi em tự học tự ôn, đỗ thì tốt không đỗ cũng chẳng ấm ức như thế này.

Nói rồi nhiều thầy cô cho biết khi có tài liệu các giáo viên phải thức sáng đêm để học các mẫu câu cho thuộc vì tiếng Anh ai cũng yếu.

Nghe và trả lời các bài tập cho quen và hy vọng vào thi không trúng nhiều cũng phải trúng ít.

Thế nhưng, bao công sức, tiền bạc đều đổ sông đổ biển khi đề ra hoàn toàn lạ hoắc. Thế là chẳng ai làm được chỉ là đánh thí đánh đại hên xui.

Tụi em rớt mà thấy đau lòng quá. Ôn thi và thi cực khổ như người đi đánh trận. Kiểu tổ chức thi thế này chẳng khác gì đánh đố chúng em.

Trẻ như chúng em còn thế, nhiều thầy cô là Ban giám hiệu, có thầy cô lớn tuổi, tóc bạc hết đầu vẫn phải lặn lội đi thi nhưng cũng chẳng làm được.

Một giáo viên nêu thắc mắc: “Ai cũng có chứng chỉ Anh văn, Tin học nhưng giờ tỉnh bắt thi kiểu này sẽ chẳng còn được mấy người. Sao có nơi họ chỉ xét tuyển còn tỉnh này lại bắt giáo viên thi?”

Nghe thầy cô hỏi, chúng tôi nói trả lời những thắc mắc ấy chỉ là chính quyền nơi đây. Nhưng nhiều lần liên hệ, chúng tôi vẫn chưa thể liên lạc được với những người đại diện hợp pháp để nghe phản hồi.

Phan Tuyết