Vụ việc Trường tiểu học Sài Sơn B, ai vi phạm luật bảo vệ trẻ em?

03/04/2021 08:39
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ông Nguyễn Trọng An, các cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý nghiêm nếu có hành vi lạm dụng trẻ em.

Sự việc xảy ra tại trường Tiểu học Sài Sơn B (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) đã thu hút sự chú ý của dư luận nhiều ngày qua.

Ngày 31/3, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có công văn số 282/NGCBQLGD-HCTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị phối hợp với Ủy ban nhân huyện Quốc Oai chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin và có biện pháp giải quyết.

Trước đó, ngày 29/3, Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã tổ chức buổi công bố quyết định thanh tra liên ngành liên quan đến các nội dung trong đơn thư phản ánh của cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B.

Như vậy, cơ quan chức năng đã có những động thái vào cuộc quyết liệt để làm sáng tỏ sự việc.

Tuy nhiên, trong sự việc xảy ra tại trường Tiểu học Sài Sơn B, dư luận bức xúc về việc có dấu hiệu lợi dụng trẻ em để thực hiện các mục đích khác nhau của người lớn, trong đó có những việc bị pháp luật ngăn cấm.

Cơ quan chức năng cần làm rõ, trẻ em có bị lợi dụng trong sự việc này hay không. Ảnh tư liệu từ Tạp chí điện tử Người Đưa Tin.
Cơ quan chức năng cần làm rõ, trẻ em có bị lợi dụng trong sự việc này hay không. Ảnh tư liệu từ Tạp chí điện tử Người Đưa Tin.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) khẳng định, nếu có động cơ, hành vi lôi kéo trẻ em vào sự việc này là việc vi phạm luật Bảo vệ và chăm sóc Trẻ em năm 2016.

Đồng thời vị chuyên gia này cũng đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ xem có sự xúi giục, lợi dụng trẻ em ở sự việc này hay không?

“Trước hết đây là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể ở đây là Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em. Mức độ đến đâu cần các cơ quan chức năng vào cuộc và xem xét đánh giá.

Việc tố cáo của cô giáo Nguyễn Thị Tuất đúng hay sai thế nào do cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ. Ở góc độ chuyên gia về bảo vệ trẻ em, tôi thấy trẻ em đã bị lôi vào việc của người lớn. Đây là việc rất khó chấp nhận!

Cơ quan chức năng cần xác định rõ người nhồi thông tin xấu cho trẻ em ấy là ai? Mục đích, động cơ là gì?

Trước hết phải xác định luôn từ các bậc cha mẹ, xem họ có động cơ gì không hay là họ cũng không hề hay biết con mình trở thành công cụ cho người lớn”, ông An phân tích.

Theo ông Nguyễn Trọng An, trong vụ việc này những đứa trẻ bị lợi dụng rất có thể sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, gây ảnh hưởng tới học tập và phát triển sau này.

“Tôi chưa lên trực tiếp nhưng đã xem một số clip đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng về việc các em học sinh nói về cô giáo Tuất.

Tôi có thể khẳng định không một học sinh nào ở độ tuổi đó lại đi chửi bới, nói xấu, tố cáo cô giáo đã dạy chính mình.

Mặc dù có thể thầy cô giáo đó có những điểm chưa hoàn thiện đi chăng nữa thì các em bé có thể nói về một ý nào đó các em nhìn thấy.

Tôi cho rằng không thể có chuyện em bé chỉ mới độ tuổi lên 10 lại có thể phát biểu như một người lớn rằng em rất là bức xúc; em đã gửi thư lên bộ trưởng… là rất có thể bị lôi kéo.

Như vậy có thể các em sẽ bị sang chấn tâm lý, bị ảnh hưởng, bị ám ảnh vì nếu không làm sẽ bị người lớn mắng, dọa… Điều này rất nguy hiểm cho xã hội và gia đình sau này”, ông An cho biết.

Cần làm rõ việc có sự lợi dụng trẻ em để nghịch phá cô giáo. Ảnh chụp màn hình (nguồn: nguoiduatin)

Cần làm rõ việc có sự lợi dụng trẻ em để nghịch phá cô giáo. Ảnh chụp màn hình (nguồn: nguoiduatin)

Về đề xuất xử lý vụ việc, vị chuyên gia bảo vệ Trẻ em cho rằng: “Tôi được biết là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Quốc Oai cũng đã vào cuộc.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta đang thiếu một cơ chế giám sát độc lập để bảo vệ trẻ em.

Chính vì vậy mới có ý kiến đặt ra là việc thanh tra này có thật sự khách quan?

Để đảm bảo tính khách quan thì cần một cơ quan độc lập của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thanh tra sự việc.

Vấn đề mà tôi quan tâm nhất là ai lôi kéo, tác động làm hủy hoại sự trong sáng của các em học sinh? Ai vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh.

Cũng cần phải nhớ rằng chúng ta có đến 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, không thể để trẻ em bị lôi kéo vào sự việc của người lớn như vậy được.

Bảo vệ trẻ em phải được thực hiện ngay cả trong trường hợp này chứ không phải chỉ đến lúc các em bị xâm hại, hành hạ mới vào cuộc…”.

Trần Phương