Vụ Phó Chánh án “vòi tiền” đương sự có dấu hiệu của tội nhận hối lộ

07/04/2015 07:47
ĐỨC THIỆN-QUỐC TOẢN
(GDVN) - Lãnh đạo tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hành vi vòi vĩnh của Phó Chánh án Nguyễn Văn Nghi là không thể chấp nhận được...

Trước đó, đương sự Nguyễn Ngọc Hiệp (trú tại Hoằng Kim, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã gửi đơn tới cơ quan chức năng, tố cáo hành vi "vòi" tiền, nhận hối lộ của ông Nguyễn Văn Nghi (nguyên Phó Chánh án tòa án huyện Hoằng Hóa, nay là Phó Chánh án tòa án thị xã Sầm Sơn).

Trong cuộc hội thoại giữa đương sự Nguyễn Ngọc Hiệp và Phó Chánh án Nguyễn Văn Nghi (đã được ghi âm lại), cho thấy nhiều dấu hiệu không minh bạch về chuyện tiền nong giữa "quan" tòa này và đương sự, khi thụ lý vụ án tranh chấp đất đai.

Liên quan tới sự việc nêu trên, chiều 6/4, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Huy Thịnh – Phó Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị đang xem xét, đưa ra hướng xử lý vụ việc.

“Quan kênh thông tin báo chí, cùng với đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Hiệp, lãnh đạo tòa án nhân dân tỉnh đã nắm bắt được vụ việc. Tuy nhiên, để khẳng định nội dung tố cáo là đúng, cần phải xem xét kỹ các yếu tố có liên quan (giọng nói, hành vi vòi vĩnh…) để xác định dấu hiệu tiêu cực trong vụ việc này”, ông Thịnh thận trọng.

Ông Lê Huy Thịnh - Phó Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa (ảnh: internet)
Ông Lê Huy Thịnh - Phó Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa (ảnh: internet)

Ông Thịnh cũng cho rằng, nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự, đương sự có quyền tố cáo hành vi trên lên cơ quan điều tra, đề nghị làm rõ hành vi vi phạm: “Trường hợp Phó Chánh án Nguyễn Văn Nghi thừa nhận nội dung trao đổi chuyện tiền nong được ghi lại trong đoạn ghi âm là đúng, thì có cơ sở xem xét tội danh...”, ông Thịnh nhận định.

Vị Phó Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, nếu sự việc đúng như tố cáo thì đây là chuyện đáng buồn, đồng thời cần xem xét lại tư cách, hành vi đạo đức của cán bộ tòa án này. 

“Việc vòi vĩnh chuyện tiền nong đối với một cán bộ tòa án trong bất cứ một trường hợp nào cũng được coi là vi phạm. Do vậy, đây là hành vi không thể chấp nhận được bởi nó không đúng với đạo đức, tư cách cán bộ công tác trong ngành tòa án. Tuy nhiên, sai ở mức độ nào thì cần phải xem xét kỹ”, ông Thịnh thẳng thắn.

Cũng theo ông Thịnh, sau khi nhận được đơn tố cáo về

hành vi nêu trên của nguyên Phó Chánh án tòa án nhân dân Hoằng Hóa, đơn vị sẽ trực tiếp đối thoại với các bên có liên quan để làm rõ sự việc: "Nếu sự việc có dấu hiệu nghiêm trọng, chúng tôi sẽ thành lập hội đồng kỷ luật, căn cứ vào hành vi, mức độ vi phạm (nếu có), cơ quan quản lý sẽ xử lý theo đúng chức, năng thẩm quyền”, ông Thịnh nói.

Cũng liên quan đến vụ việc có dấu hiệu tiêu cực nói trên, một số ý kiến luật sư nhận định, vụ việc "Phó Chánh án "vòi" tiền đương sự" có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm khắc.

Luật sư Lê Quốc Hiền - Trưởng văn phòng luật sư Lê Quốc Hiền đưa ra nhận định, trong trường hợp này, cán bộ tòa án đã vi phạm Quy tắc đạo đức ứng xử đối với cán bộ công chức ngành tòa án tại điều 2, Quyết định số 1253/2008 của tòa án nhân dân tối cao. 

"Điều 2 của văn bản này quy định những việc mà cán bộ, công chức tòa án không được làm: Tư vấn cho bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết xét xử vụ án không đúng quy định của pháp luật; Cản trở can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết, xét xử vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình để tác động trái pháp luật đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án...", luật sư Hiền phân tích. 

Cũng theo nhận định của luật sư Hiền, với những bằng chứng có được, có thể thấy, nguyên Phó Chánh án tòa án huyện Hoằng Hóa đã thực hiện hành vi có dấu hiệu khách quan của “Tội nhận hối lộ”, quy định tại điều 279 Bộ Luật hình sự...

ĐỨC THIỆN-QUỐC TOẢN