Vụ bằng giả ở Đại học Đông Đô: cứ mời 1 người học được cắt hoa hồng 7 triệu đồng

24/12/2021 07:26
Trần Phương - Hà Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong phiên xử ngày 23/12, các bị cáo đều cho rằng mình nghe lời Trần Khắc Hùng để thực hiện việc cấp bằng giả và sai phạm cùng lắm là phạt hành chính.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Lê Ngọc Hà – Trưởng ban in bằng – nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô khai nhận khi mới về trường, thấy việc cấp văn bằng 2 Tiếng Anh không qua đào tạo liên tục được thực hiện và quảng cáo rầm rộ, Hà thấy bình thường.

Khi được giao việc, Hà cũng có ý kiến nhưng thấy Trần Khắc Hùng bảo có vi phạm thì cũng chỉ là vi phạm hành chính nên Hà vẫn tiếp tục làm.

Đến quá trình làm việc với cơ quan điều tra đã nhận ra sai phạm của mình.

Bị cáo Lê Ngọc Hà – Trưởng ban in bằng – nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô. Ảnh: LC

Bị cáo Lê Ngọc Hà – Trưởng ban in bằng – nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô. Ảnh: LC

Cũng khai nhận tại tòa, Lê Ngọc Hà đã khai nhận bị cáo đã hưởng lợi 100 triệu đồng, đây là tiền thưởng do Hà đã giới thiệu được nhiều hồ sơ. Mỗi học viên nộp cho Hà 29-35 triệu đồng học phí để nhận được bằng.

Tổng số tiền Hà nhận từ các học viên là 1,8 tỷ đồng. Từ số tiền này, Hà nộp 800 triệu đồng về quỹ của trường. Sau khi bị bắt, Hà đã nộp lại số tiền này.

Cũng trong chiều 23/12, Hội đồng xét xử đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Huệ (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán) về số tiền các học viên nộp vào trường để mua bằng giả.

Tại tòa bị cáo Huệ khai báo, số tiền các học viên nộp vào trường để mua bằng giả đã không được đánh dấu hay mã hoá riêng trong các tài liệu thu chi của trường.

Bị cáo Nguyễn Thị Huệ - Nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán - Trường Đại học Đông Đô

Bị cáo Nguyễn Thị Huệ - Nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán - Trường Đại học Đông Đô

Việc đóng học phí có thể nộp ngay khi đăng ký, cũng có thể nộp trước khi lấy bằng, “nhưng chưa nộp tiền thì chưa được nhận bằng. Có trường hợp người thân của sếp Hùng nhờ thì không phải nộp tiền”, bị cáo Huệ khai.

Khai tại tòa, nhiều bị cáo cho biết quá trình cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả, chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học Đông Đô Trần Khắc Hùng quy định mỗi nhân viên 'lôi kéo' được một hồ sơ đăng ký sẽ được thưởng ít nhất 7 triệu đồng.

Tại tòa, bị cáo Trần Kim Oanh - nguyên phó hiệu trưởng Đại học Đông Đô - cho biết trong quá trình thực hiện việc cấp văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả, ông Trần Khắc Hùng ra quy định mỗi nhân viên của trường phải "lôi kéo" về mỗi năm ít nhất 4-10 hồ sơ làm văn bằng giả của các học viên.

Theo bị cáo Oanh, việc này được quy định cụ thể trong các văn bản quy định của Đại học Đông Đô và được ban hành công khai.

Bị cáo Trần Kim Oanh - nguyên phó hiệu trưởng Đại học Đông Đô khai nhận mỗi học viên lấy văn bằng 2 giả được giới thiệu về trường người giới thiệu sẽ được thưởng 7 triệu. Ảnh: LC

Bị cáo Trần Kim Oanh - nguyên phó hiệu trưởng Đại học Đông Đô khai nhận mỗi học viên lấy văn bằng 2 giả được giới thiệu về trường người giới thiệu sẽ được thưởng 7 triệu. Ảnh: LC

Khi được tòa hỏi về số tiền 48 triệu “bà Oanh nói đây không phải do học viên “cảm ơn” mà là tiền thưởng của nhà trường. Ông Trần Khắc Hùng đã quy định mỗi nhân viên, hằng năm, phải tuyển một số lượng học viên nhất định. Mỗi hồ sơ đưa về, nhân viên trong trường được thưởng 7 triệu đồng. Điều này đã được quy định trong văn bản cụ thể.”

Bị cáo Trần Ngọc Quang ( cựu phó phòng đào tạo và quản lý sinh viên) khai “ bị cáo không làm giả quyết định nhưng tham gia vào công đoạn ký nháy vào 65 bảng điểm hưởng 285 triệu đồng.

Bị cáo Quang cũng cho biết, lúc đầu chưa nhận thức được việc mình làm là sai nhưng vì đang gặp hoàn cảnh khó khăn nên nghĩ kiếm ít tiền. Khi làm việc với cơ quan điều tra bị cáo này mới nhận thức được việc mình làm là sai.

Sau khi bị bắt, gia đình bị cáo đã khắc phục được 150 triệu đồng. Bị cáo Quang cũng trình bày hoàn cảnh mắc bệnh, suy kiệt, xin giảm nhẹ hình phạt.

Các bị cáo khác đều khai nhận không nhận thức được việc mình làm là sai chỉ nhận chỉ đạo của Trần Khắc Hùng để tham gia tuyển sinh văn bằng 2.

Khi được Tòa xét hỏi, ông Lê Ngọc Tòng - đại diện Trường Đại học Đông Đô - cho hay ông không biết số tiền 7,1 tỉ đồng đã chi vào các khoản nào cho các hoạt động của trường.

Cũng theo ông Tòng, số tiền 7,1 tỉ được nhập vào ngân sách chung của trường và quỹ này thường dùng chi trả rất nhiều khoản khác nhau, gồm các hoạt động lương, chi thường xuyên, tổ chức thi, thuê bảo vệ, nộp ngân sách, trả thuê đất…, chứ không rõ ràng phân định là khoản nào chi cho đối tượng nào.

Ông Tòng về trường sau khi vụ án đã xảy ra nên ông Tòng không biết.

Các bị cáo trong vụ án "Giả mạo trong công tác" ở Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: LC

Các bị cáo trong vụ án "Giả mạo trong công tác" ở Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: LC

Cũng trong chiều ngày 23/12, nhận ủy quyền của gần 100 học viên ủy quyền, bà Nguyễn Thị Hiền, đã trình bày ý kiến tại tòa. Trong số gần 100 học viên ủy quyền cho bà Hiền, có 14 người được trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả.

Theo trình bày của bà Hiền, gần 100 học viên này đều muốn đòi lại số tiền mà họ đã nộp cho Trường Đại học Đông Đô.

Trước ý kiến của người đại diện, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cho rằng, tòa đang xét xử việc học giả thi giả, còn học thật thi thật thì đây là quan hệ giữa học viên và nhà trường.

Liên quan đến vụ án, bị can Trần Khắc Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô) đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Theo cáo trạng, kết quả điều tra đã xác định 23 người tham gia tuyển sinh, đào tạo đúng quy định đã được Trường Đại học Đông Đô được cấp văn bằng 2 hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh năm 2019 và 118 người tham gia đào tạo theo quy định nhưng chưa được cấp bằng đã có đơn trình báo với cơ quan điều tra.

Tại Công văn số 2057/BGDĐT-TTr ngày 12/5/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định: Thời điểm từ năm 2017 đến năm 2019, Trường Đại học Đông Đô có đủ điều kiện đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.

Do Trường Đại học Đông Đô tổ chức đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học nên việc ghi trên bằng hình thức đào tạo chính quy là sai quy định.

Do vậy phải thu hồi, hủy bỏ văn bằng và thông báo để học viên đến đăng ký cấp bằng mới theo hình thức vừa làm vừa học.

Từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, các bị cáo ở trường Đại học Đông Đô cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.

Trần Phương - Hà Giang