Vì sao nhà thầu Việt chỉ đóng vai phụ ở các công trình trọng điểm?

04/11/2014 06:53
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Vay vốn để đầu tư xây dựng, nhưng ngay đến việc thi công các công trình giao thông trọng điểm, ta vẫn phải đi thuê. Phải chăng người Việt không đủ năng lực ?

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội mới đây cho biết, nợ công của nước ta đang có xu hướng tăng nhanh. Là “con nhà nghèo”, phải vay vốn để đầu tư xây dựng, nhưng ngay đến việc thi công các công trình giao thông trọng điểm, ta vẫn phải đi thuê nhà thầu ngoại.

Hiện nay, các nhà thầu nội chủ yếu mới chỉ đảm nhận vai trò thầu phụ cho các nhà thầu chính nước ngoài. Có thể kể ra các dự án mà các nhà thầu nội chỉ làm thầu phụ cho nhà thầu ngoại như dự án Nội Bài- Lào Cai, dự án Hà Nội- Hải Phòng, Dự án TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Nhật Tân, Cần Thơ, Thanh Trì, dự án đường sắt Hà Nội- TP.Hồ Chí Minh, vành đai III giai đoạn 2…

Vì sao nhà thầu Việt chỉ đóng vai phụ ở các công trình trọng điểm? ảnh 1Kinh ngạc với cách lấy ý kiến của lãnh đạo Hà Nội

(GDVN) - Những tiết lộ bất ngờ từ người trong cuộc về cách lấy ý kiến chuyên gia trong việc xây cầu đường sắt vượt sông Hồng của UBND TP Hà Nội có thể sẽ gây sốc.

Ngay cả với những dự án không phải vốn ODA, chúng ta vẫn thuê nhà thầu ngoại thi công. Đáng nói, nhiều nhà thầu ngoại sau khi trúng thầu sẽ đi tìm thuê lại các doanh nghiệp trong nước thi công với giá rẻ.

Nhiều người băn khoăn, do năng lực tài chính kém hay do thiếu kinh nghiệm, năng lực chuyên môn mà chúng ta buộc phải đứng ngoài hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm của nước nhà?

Người Việt chưa tin nhau

Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới sự thất thế của các nhà thầu nội, PGS. TS Nguyễn Quang Đạo – giảng viên thuộc khoa cầu đường của trường Đại học Xây dựng Hà Nội nói, thứ nhất, việc nhà thầu nội có được tham gia đấu thầu, thi công hay không còn phụ thuộc vào các điều khoản của Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Muốn Việt Nam có cơ hội thi công các công trình giao thông trọng điểm, trước hết phải xem xét lại các điều khoản ràng buộc ấy.

Thứ hai, nhiều khi chẳng phải là vốn ODA, từ tâm lý “sính ngoại” nên ta vẫn thuê nhà thầu nước ngoài. Đơn cử việc quy hoạch đô thị, rõ ràng tư vấn trong nước thừa sức làm chuyện đó, nhưng người ta vẫn đi thuê. Điều đó cho thấy người Việt Nam không đủ tin nhau.

Thứ ba, với cơ chế hiện nay, người Việt không thể phát huy tiềm năng của mình. Việc thi tuyển phương án công trình hay đấu thầu cũng chỉ mang tính hình thức. Lẽ ra chủ đầu tư chỉ chịu trách nhiệm về vấn đề quản lý còn Nhà nước phải có chính sách điều phối để nhiều người tham gia được.

Đằng này ở Việt Nam, chủ đầu tư được quyết định từ a – z. Chưa kể những người làm được việc nhiều khi không biết tới dự án đó hoặc có thông tin, muốn đóng góp ý kiến, nhưng có nói ra người ta cũng có tiếp thu đâu? Với cơ chế như vậy làm sao ta có thể tự làm các công trình có tiếng?

“Tôi đố bạn tìm thấy một công trình nào trên đất nước này mang dấu ấn của người Việt giống như cầu Long Biên hay Nhà hát lớn Hà Nội.

Lý do là bởi khi nhận dự án, ban quản lý dự án lại giao việc cho chính các đơn vị thuộc sự quản lý của mình. Đó là những đơn vị to, có tiếng, nhưng thiếu “chất” bởi những người có chuyên môn giỏi đâu có nằm ở các công ty tư vấn đó.

Về năng lực, tôi nghĩ với nhiều công trình Việt Nam hoàn toàn có thể tự thi công dù ta chưa có đủ điều kiện kỹ thuật, công nghệ. Thế nhưng, chúng ta đang thiếu cơ chế, chính sách để người Việt phát huy năng lực”, ông Đạo khẳng định.

“Họ có khả năng hơn ta”

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải lại cho rằng, trước hết, do vay vốn nước ngoài nên ta phải có sự ưu tiên nhất định cho các nhà thầu của họ.

Thế nhưng, theo ông Thụ đó chưa phải là nguyên nhân chính.

Từ thực tế, ông Thụ nhận định, với một số công trình giao thông mang đặc thù công nghệ mới, do chúng ta chưa có kinh nghiệm, điều kiện, công nghệ để thi công nên buộc phải thuê, nhờ nước ngoài từ vốn cho đến việc thiết kế, thi công. Chẳng hạn hầm Thủ Thiêm, cầu Cần Thơ, các dự án metro…

Rõ ràng, năng lực thiết kế, thi công của nhà thầu ngoại bao giờ cũng khác biệt, thậm chí vượt trội hơn so với Việt Nam. Nói thẳng, họ có khả năng hơn ta.

“Bên cạnh các yếu tố về kinh tế, kỹ thuật, nhiều khi việc nhờ nhà thầu ngoại thi công các công trình giao thông trọng điểm còn mang cả ý nghĩa về mặt chính trị: để giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”, ông Thụ nhấn mạnh.

PHONG NGUYÊN