Vì sao ngày càng có nhiều người Việt lạnh lùng, vô cảm và tàn nhẫn?

05/12/2013 08:03
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - "Xã hội ngày nay “người khôn của khó”. Chuyện sinh nhai trở nên khó khăn hơn cho tất cả mọi người. Để tồn tại, phát triển họ phải cạnh tranh, phải lươn lẹo, phải mánh khóe. Điều này gây cho con người sự mệt mỏi, ức chế, từ đó làm họ nóng nảy, khó tính và dần trở nên vô cảm, tàn nhẫn". PGS.TS Lê Quang Hưng, Trưởng khoa Việt Nam học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHQGHN) phân tích.

Ngày 24/11, Báo Giáo dục Việt Nam có đăng tải thông tin về clip vụ hành hung người dã man trên phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội). Nam thanh niên bị một nhóm người đánh đập không thương tiếc ngay trước mặt hàng trăm người qua lại. Mặc cho anh này đã bất tỉnh, không còn khả năng kháng cự, nhóm người trên vẫn tiếp tục cầm gạch đập vào đầu, lấy chân sút mạnh vào mặt và thân thể.

Hình ảnh được cắt ra từ clip "Nhóm thanh niên hành hung người dã man trên phố". Cho dù đã bất tỉnh, nam thanh niên đang nằm dưới đất vẫn tiếp tục bị nhóm thanh niên đánh dã man không thương tiếc.
Hình ảnh được cắt ra từ clip "Nhóm thanh niên hành hung người dã man trên phố". Cho dù đã bất tỉnh, nam thanh niên đang nằm dưới đất vẫn tiếp tục bị nhóm thanh niên đánh dã man không thương tiếc.

Những hình ảnh đó đã trở thành tâm điểm của dư luận trong tuần qua. Nhiều độc giả đã gửi thư đến tòa soạn bày tỏ phẫn nộ trước sự xuống cấp về đạo đức của một số người trong xã hội ngày nay. Họ lo ngại vì giờ nhiều người trong xã hội độc ác quá!

Hằng ngày trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, đâu đâu cũng nghe thấy các vụ án cướp, giết, hiếp xảy ra. Nhiều vụ là con giết bố, cháu giết bà, vợ giết chồng…và có khi chỉ vì va chạm nhỏ trên đường, nhiều kẻ sẵn sàng tước đi mạng sống của người khác.

Điều đó thể hiện sự suy đồi về đạo đức của xã hội đang ở mức báo động. Trao đổi với PGS.TS Lê Quang Hưng, Trưởng khoa Việt Nam học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHQGHN), ông Hưng nhìn nhận, chúng ta không nên đánh đồng tất cả người Việt Nam giờ đều vô cảm, độc ác.

Nhưng vị PGS.TS cũng cho rằng: “Không phải tất cả nhưng một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam hiện giờ như vậy”.

Lí giải quan điểm nhiều người Việt ngày càng vô cảm, nóng tính, cục cằn và có phần độc ác, PGS.TS Lê Quang Hưng nêu ra 3 nguyên nhân.

Đầu tiên là giáo dục của chúng ta chưa đến nơi đến chốn. Lỗi này thuộc về gia đình và nhà trường. Trong trường học, đạo đức dạy cho học sinh nói lí thuyết nhiều mà ít có những bài học về tình cảm con người với con người một cách thiết thực, gần gũi.

Thứ 2 là ảnh hưởng từ phim ảnh, truyện, các trò chơi bạo lực và các chất kích thích mà thanh niên giờ hay dùng. Tiếp xúc nhiều những thứ đó sẽ làm cho thanh thiếu niên nhiễm, đôi khi không làm chủ được bản thân và biến họ trở thành những người hoàn toàn khác, có tính cách mạnh, thô bạo hơn.

Thứ 3, đây là yếu tố quan trọng - do hoàn cảnh sống.

Theo PGS.TS Lê Quang Hưng, hoàn cảnh sống hiện nay tạo cho con người nhiều bức bối, áp lực.

Ông cho rằng, cuộc sống ngày càng phát triển, năng động thì nghiễm nhiên dẫn đến việc “người khôn của khó”. Chuyện sinh nhai trở nên khó khăn hơn cho tất cả mọi người. Để tồn tại, phát triển họ phải cạnh tranh, phải lươn lẹo, phải mánh khóe. Điều này gây cho con người sự mệt mỏi, ức chế, từ đó làm họ nóng nảy, khó tính và dần trở nên vô cảm, tàn nhẫn, đôi khi cũng độc ác hơn.

Chiếc xe chở dưa bị đổ, người dân xúm lại nhặt dưa mang về nhà. Một biểu hiện đáng buồn cho sự xuống cấp đạo đức của con người trong xã hội
Chiếc xe chở dưa bị đổ, người dân xúm lại nhặt dưa mang về nhà. Một biểu hiện đáng buồn cho sự xuống cấp đạo đức của con người trong xã hội

Tuy nhiên, trước so sánh của PV về hoàn cảnh sống ở Việt Nam cách đây vài chục năm trước và bây giờ, rõ ràng đã có sự thay đổi tích cực hơn rất nhiều về mọi mặt. Cuộc sống tốt hơn đúng ra con người phải hài hòa, nhẹ nhàng, văn minh hơn nhưng đằng này, bản tính, ý thức của con người lại có chiều hướng xấu đi.

Về quan điểm trên, PGS.TS Lê Quang Hưng cho rằng, cuộc sống khá lên nhưng sự phân hóa giàu nghèo đang ngày càng rõ rệt. Đó là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến thay đổi bản tính con người.

Ông Hưng phân tích: “Ngày xưa gần như ai cũng nghèo đói, cũng khó khăn nên giữa con người với con người có sự đồng cảm. Bởi vậy nên ngày xưa dù có mâu thuẫn, mọi người cũng hành xử với nhau không đến mức nhẫn tâm như bây giờ.

Ngày nay phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Có người ở biệt thự hàng nghìn m2, đi xe sang, tiền tiêu không hết nhưng cũng có những người giờ vẫn phải sống gầm cầu, kiếm ăn từng bữa qua ngày”.

Cũng nói về vấn đề trên, anh Hoàng Nguyên, một người nghiên cứu về văn hóa dẫn chứng thêm.

Giờ ra chợ lao động, lúc nào chúng ta cũng thấy một hàng dài người ngồi vỉa hè chờ việc. Thấy có khách đến là lao nhanh ra “xí phần” mà trông chị nào, bác nấy cũng gầy trơ xương. Trong khi đó, cũng là con người, cũng ở cùng một thành phố nhưng có những người đi ôtô, ăn ở nhà hàng sang trọng mỗi bữa hết hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Đành rằng là những người đó giỏi giang, may mắn nhưng sự khập khiễng này đã phần nào ngấm ngầm tạo nên sự ức chế cho nhiều người trong xã hội.

Anh Nguyên phân tích: “Nhìn thấy người ta sướng còn mình khổ, họ phải nghĩ làm thế nào để có được cuộc sống sung túc? Thế là con người lại phải suy nghĩ chuyện làm ăn rồi phải mánh khóe, phải lươn lẹo để cố làm giàu.

Có người thành công trở nên giàu có nhưng có những người cố mãi cũng vẫn nghèo. Người trở nên giàu thì đã quen với với mánh khóe, lươn lẹo và tính cách cũng dần vô cảm, lạnh lùng. Còn người làm giàu không thành thì sinh ra tự ti, mặc cảm, chán chường rồi tính cách cũng vì thế mà nảy sinh nhiều ức chế, bực bội”./.  

VIẾT CƯỜNG