Vi phạm quy định đấu thầu trong ngành y tế, giáo dục: Nỗi buồn day dứt!

05/07/2021 09:18
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: "Để xảy ra sai phạm dù ở cương vị, lĩnh vực nào đều phải xử lý nghiêm minh".

Thời gian qua, nhiều trường hợp vi phạm quy định về đấu thầu trong mua sắm tài sản công, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến ngành y tế, giáo dục khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về lỗ hổng trong cơ chế quản lý, giám sát.

Vụ việc gần nhất là Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan. Trong 15 bị can bị khởi tố đó có bà Vũ Liên Oanh - nguyên Giám đốc Vũ Liên Oanh, ông Ngô Vui - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Ngô Vui, ông Hà Huy Long - nguyên Phó Phòng Kế hoạch Tài chính.

Trước đó, vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thành phố Hà Nội hay những vi phạm quy định về đấu thầu trong mua sắm tài sản công ở một số bệnh viện cũng khiến dư luận bức xúc.

Xử lý nghiêm minh, ngăn chặn triệt để những hành vi sai phạm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam - Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Hoàng Văn Cường nói rằng, những vụ án khởi tố liên quan vi phạm quy định về đấu thầu trong lĩnh vực giáo dục, y tế không chỉ gieo một nỗi buồn sâu thẳm trong lòng những người làm trong ngành y tế, giáo dục mà còn làm mất lòng tin, gieo sự hoài nghi vào những người đang làm những công việc được xã hội tôn vinh.

“Ngành giáo dục dạy chúng ta nhân cách làm người, ngành y tế với sứ mệnh chữa bệnh cứu người - đó là những ngành nghề cao quí, đòi hỏi những người trong nghề phải giữ được tâm sáng, lòng lương thiện để xã hội gửi trọn niềm tin với sự trọng vọng, tôn vinh.

Chính vì vậy, những sai phạm tham ô tham nhũng của một số người đang công tác ở lĩnh vực y tế, giáo dục có ảnh hưởng rất xấu đến niềm tin và dư luận xã hội.

Tôi rất hoan nghênh các cơ quan thực thi pháp luật đã phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời các sai phạm của những cá nhân, dù họ đang ở vị trí, lĩnh vực nào nhưng để xảy ra sai phạm đều phải xử lý một cách nghiêm minh, rõ ràng, đúng người đúng tội. Chúng ta không thể nói là vì ngành này, ngành kia để có thể ưu ái cho bất cứ ai.

Đối với lĩnh vực như y tế, giáo dục chúng ta càng phải thực thi pháp luật một cách nghiêm minh hơn, bởi đây là nơi tạo dựng nên niềm tin cho xã hội, phải làm công tâm, chặt chẽ và triệt để", ông Cường nêu quan điểm.

Giáo sư Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV. Ảnh: quochoi.vn

Giáo sư Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của mình là vì sao vi phạm quy định về đấu thầu lại hay xảy ra trong ngành y tế và giáo dục?.

Đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ tâm tư: “Những vị Giám đốc bệnh viện, các giáo sư, tiến sĩ, những nhà quản lý giáo dục đều là những người có trình độ học thức cao, hiểu biết rộng, họ đã có nhiều đóng góp không chỉ bằng tài năng mà phải bằng cái tâm của người làm thầy. Để trở thành người thầy giáo, thầy thuốc tốt được đồng nghiệp đánh giá, xã hội tôn vinh, họ hành nghề không đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ, mà hành động của họ phải xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm, lòng mong muốn luôn nung nấu thôi thúc họ làm thế nào mang đến những điều tốt nhất cho bệnh nhân, cho người học.

Họ đã toàn tâm toàn ý đóng góp, cống hiến vì bệnh nhân, vì các thế hệ học trò, vậy tại sao người ta lại nhắm mắt vi phạm các quy định đấu thầu để kiếm lợi cho mình, quay lưng lại gây tổn hại đến bệnh nhân và tương lai người học? Tại sao người ta chấp nhận vi phạm luật pháp, đánh đổi nhân phẩm, danh vọng cao quý họ đã gây dựng bằng tâm huyết theo đuổi cả đời để vụ lợi?”.

Quy định đấu thầu: làm sao để không rơi vào sai phạm?

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định: "Phải chăng các quy định trong đấu thầu, mua sắm tài sản công đang có những bất cập tạo ra cái bẫy mà những người có trách nhiệm khi thực hiện nếu không tường minh sẽ rơi vào rủi ro sai phạm”.

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh (trái) và cựu Trưởng phòng Tài chính Ngô Vui. (Ảnh: Bộ Công an)

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh (trái) và cựu Trưởng phòng Tài chính Ngô Vui. (Ảnh: Bộ Công an)

Luật đấu thầu và các quy định của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Luật đấu thầu đã có quy định khá chặt chẽ về quy trình đấu thầu mua sắm tài sản công phải qua các bước: phê duyệt chủ trương mua sắm; lập báo cáo kinh tế kỹ thuật về thiết bị cần mua sắm; thẩm định sự phù hợp của báo cáo kinh tế kỹ thuật; thẩm định giá thiết bị cần mua sắm; lập hồ sơ mời thầu; thẩm định sự phù hợp khách quan của hồ sơ mời thầu; thông báo mời thầu để mời gọi các nhà cung cấp; tổ chức chấm thầu lựa chọn nhà cung cấp có phương án tốt nhất; thẩm định lại kết quả chấm thầu lựa chọn nhà cung cấp; ký kết hợp đồng với nhà cung cấp và giao nhận tài sản, thiết bị.

Quy định đấu thầu khá chặt chẽ, trải qua nhiều bước, mỗi bước có các yêu cầu rõ ràng về nội dung công việc, chuyên môn nghiệp vụ. Nếu đơn vị mua sắm không có đủ cán bộ đáp ứng đúng các yêu cầu về năng lực chuyên môn trong các khâu của hoạt động đấu thầu thì phải thuê đơn vị tư vấn có đủ tư cách được Nhà nước cấp phép hoạt động tư vấn.

Ông Cường chia sẻ: "Hầu hết các đơn vị y tế, giáo dục không đủ khả năng tự tổ chức đấu thầu mua sắm tài sản công, mà đều phải thuê đơn vị tư vấn lập các hồ sơ, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp. Đơn vị mua sắm chỉ việc ký vào các hồ sơ, quyết định do các đơn vị tư vấn lập sẵn.

Tôi nghĩ rằng, đã là những người theo nghiệp làm thầy, dù là thầy thuốc hay thầy giáo đều mang sứ mệnh dạy người và cứu người thì chắc không có đủ nhẫn tâm ngầm bắt tay với các đơn vị tư vấn và nhà cung cấp để làm sai lệch hồ sơ, làm thiệt hại cho người bệnh, người học để nhằm vụ lợi cho mình.

Tôi cũng cho rằng, không ít những người dù rất giỏi về chuyên môn, là giáo sư, tiến sĩ nhưng giữ vai trò người quản lý các đơn vị y tế, giáo dục khi đặt bút ký vào các hồ sơ, quyết định mua sắm đấu thầu nhưng không biết quá trình đấu thầu mua sắm đã thực hiện đúng qui định hay không?.

Và tất nhiên, trong mọi trường hợp khi các cơ quan chức năng phát hiện quá trình mua sắm có sai phạm khuất tất, những người có trách nhiệm đã ký phê duyệt các hồ sơ, quyết định đấu thầu mua sắm phải chịu trách nhiệm là vi phạm pháp luật – trách nhiệm này là điều không thể phủ nhận”.

Trong cuộc họp gần đây của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu ra tình trạng trong bối cảnh chống dịch hiện nay đang vô cùng cấp bách, thiết bị y tế đang cần, tiền thì không thiếu nhưng các địa phương và các cơ sở y tế không dám mua vì mua sợ sai phạm, đã sai phạm là mất toàn cán bộ giỏi có trình độ cao!.

Giáo sư Hoàng Văn Cường cho biết thêm về một thực tế khá phổ biến ở các cơ sở y tế, giáo dục, khi phân công các mảng công việc phụ trách thì nhiều người lãnh đạo đề xuất nguyện vọng không phải phụ trách công việc tài chính và cơ sở vật chất; như luật bất thành văn là những người lãnh đạo trẻ còn cơ hội thăng tiến thì được ưu tiên không phụ trách mảng tài chính - cơ sở vật chất, mảng này thường giao cho những người nhiều tuổi, sắp nghỉ hưu, sẵn sàng gánh chịu rủi ro.

Những vụ án đã bị khởi tố do vi phạm quy định đấu thầu chính là bài học dành cho các cán bộ lãnh đạo khi phụ trách hoạt động tổ chức đấu thầu mua sắm tài sản công. Những vấn đề nêu ra cho thấy rằng, để tránh rơi vào cái bẫy rủi ro vi phạm quy định đấu thầu, bản thân những người lãnh đạo, cán bộ, quản lý các đơn vị y tế, giáo dục cần phải thật am hiểu các quy định, các yêu cầu kỹ thuật trong toàn bộ quy trình đấu thầu khi mua sắm tài sản công.

Nếu chỉ trông chờ, tin tưởng vào các đơn vị tư vấn thì có thể rơi vào những chiếc bẫy vô hình mà bản thân không lường trước được. Trong các vụ án mới phát hiện gần đây, các đối tượng bị truy tố gồm cả những người thuộc đơn vị chủ đầu tư và cả những người thuộc đơn vị tư vấn thẩm định giá. Tuy nhiên, không ít đơn vị tư vấn đã áp dụng chiến lược “ve sầu thoát xác” xoá sổ công ty, khi đó chỉ còn lại chủ đầu tư gánh chịu trách nhiệm.

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường: "Về mặt luật pháp, Nhà nước cần phải xem lại quy định, quy trình và các thủ tục về mua sắm tài sản công, đừng để tình trạng thiết bị cần, khi cần thì không mua được, khi mua được, tài sản mua được tuân thủ quy trình, đúng quy định thì không cần, không phù hợp".

Phạm Minh