Nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tướng Thước: "Chỉnh đốn Đảng thực chất là chỉnh đốn cán bộ"

03/02/2013 07:00
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Nếu một vị tướng ra chiến trường mà thiếu lòng tin thì làm sao anh em chiến sĩ cấp dưới vững tin chiến đấu được, cho nên muốn thắng thì ý chí của người chỉ huy phải quyết thắng để vượt lên".
Đổi mới là nguyên tắc của sự tồn tại và phát triển, đó là lý do sau Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng đã trở thành nhiệm vụ vô cùng bức thiết. Nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2013) và chuẩn bị đón năm mới 2013, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X đã có những chia sẻ hết sức cởi mở về công tác chỉnh đốn Đảng, mong muốn Đảng ngày càng vững mạnh để lãnh đạo nhân dân, đất nước vượt qua nhiều thử thách phía trước.

Tuy nhiên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, tốc độ phát triển của đất nước và trên thế giới thì rất nhanh, nhưng tầm lãnh đạo của một bộ phận cán bộ Đảng viên chưa theo kịp được tình hình, mà nếu chúng ta không kịp thời đổi mới thì khó mà giữ vững được cương vị của mình.

“Đổi mới là nguyên lý với bất kỳ tổ chức nào”

- Phóng viên: Theo ông, mấu chốt nào để dẫn tới việc phải đổi mới, chỉnh đốn Đảng?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Xin nhắc lại là tôi đã nghe và đọc rất kỹ bài tổng kết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua. Như vậy, về mặt nhận thức, về mặt chủ trương thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Đổi mới là nguyên tắc của sự tồn tại và phát triển. Nó là nguyên lý đối với bất kỳ tổ chức nào. Đảng ta cũng vậy, cần phải đổi mới, không phải vì tình hình vừa qua có vấn đề gì, mà bản chất là cần đổi mới để phù hợp với điều kiện phát triển, không đổi mới nghĩa là bị tụt hậu.

Sự nghiệp cách mạng của Đảng càng ngày càng có những yêu cầu rất cao, sự nghiệp phát triển đất nước hướng tới chủ nghĩa xã hội cũng đang đặt chúng ta trước nhiều vấn đề mới khó khăn hơn. Vì vậy, yêu cầu về tầm lãnh đạo cũng phải được nâng cao.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong một cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả tại Báo Giáo dục Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong một cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả tại Báo Giáo dục Việt Nam.

Kể từ khi chúng ta bước vào giai đoạn đổi mới cách đây 25 năm thì nhiệm kỳ 9 và 10 vừa qua có thể thấy rõ việc chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra. Tốc độ phát triển của đất nước thì rất nhanh, nhưng tầm lãnh đạo của một bộ phận cán bộ Đảng viên chưa theo kịp được tình hình.

Mấu chốt vấn đề hiện tại là suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ Đảng viên. Tuy chỉ chiếm một phần trong số hơn 3 triệu Đảng viên, nhưng sự hư hỏng của số này đã gây ra sự trì trệ, ảnh hưởng tới năng lực lãnh đạo của Đảng.

Tôi rất mừng là trong tinh thần của Nghị quyết, Đảng đã chỉ rõ điều này, mà nếu không chỉ rõ ra như vậy thì nguy cơ về sự tồn vong của Đảng, của chế độ càng ngày sẽ càng lộ rõ hơn. Điều đó cũng có nghĩa là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta sẽ đối diện với nhiều nguy cơ.

Tôi cũng hy vọng những gì đã nói về sự suy thoái trong thời gian qua cũng là cái đáy của sự suy thoái và tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 sẽ được tiếp tục phát huy mạnh mẽ, thay đổi theo hướng đi lên, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ được đổi mới thực sự, phải dũng cảm nhìn nhận lại những gì còn yếu kém để sửa chữa.

- Như vậy, vấn đề tuyển chọn và sử dụng cán bộ chính là yếu tố quan trọng nhất, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đó là vấn đề quan trọng nhất, chỉnh đốn Đảng thực chất là chỉnh đốn cán bộ. Kẻ địch sẽ lợi dụng sự sa sút lòng tin vào Đảng của một bộ phận nhân dân nhằm kích động, chia rẽ Đảng với nhân dân. Sự lợi dụng đó sẽ không thể nào có được nếu như không có sự sa sút trong tổ chức Đảng, mà sự sa sút ấy xuất phát từ một số người bị thoái hóa về tư tưởng, đạo đức, lối sống…

Điều tôi quan tâm là những người đứng đầu tổ chức sẽ hành động thế nào, làm gương thế nào? Những người lãnh đạo ở cấp cao phải thể hiện rõ được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải tiếp tục tạo ra được sự đột biến để giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đi vào thực chất, không tiến hành một cách có hệ thống, mà chỉ có một số đồng chí quyết tâm thôi thì không đủ, không thể thành công được.

Tư tưởng của trung ương từ trước tới nay thì tốt, con đường chúng ta lựa chọn cũng tốt, nhưng kết quả thực hiện thì chưa cao, vậy là rõ ràng có vấn đề ở công tác sử dụng cán bộ. Khẩu hiệu của Đảng thì đúng rồi, chủ trương cũng đúng rồi, và nghị quyết cũng đúng, nhưng những con người thực hiện chưa chịu đổi mới, hoặc vì một lý do nào đó mà họ cố tình không muốn đổi mới thì ảnh hưởng tới cả hệ thống. Vì vậy, vấn đề đặt ra lúc này là: Ai sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm thay đổi tình hình?

“Có ngăn chặn được chạy chức chạy quyền?"

- Cũng liên quan tới công tác quản lý cán bộ, không phải tới bây giờ mà đã rất lâu rồi chúng ta đã nói nhiều về chuyện chạy chức chạy quyền. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Chuyện chạy chức chạy quyền thì bây giờ đâu phải chỉ có dân nói nữa mà Đảng cũng nói rồi. Đảng đã tự thấy vấn đề ấy rồi đấy thôi, chứ không còn là cái gì mơ hồ nữa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Có ngăn chặn được không? Tôi cho rằng, nếu quyết tâm, chắc chắn chúng ta sẽ ngăn chặn được. Nhưng ai là những người quyết tâm, ai dám đương đầu với những vấn đề nan giải như vậy? Vấn đề này xảy ra ở đâu? Xảy ra ở các cơ quan tổ chức của Đảng và Nhà nước. Như vậy, Đảng phải tự làm gương, tự sửa đổi, phải tiên phong chấn chỉnh thì tự khắc tình hình cũng sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

Tôi thấy có một điều rất buồn là bây giờ vào đoàn thể người ta cũng phải chạy chọt, vì bây giờ làm việc tại những chỗ ấy đều có lương cả, khác hẳn với chúng tôi ngày xưa. Trước đây, vào đoàn thể như chúng tôi là vì lý tưởng, nhiệt tình thì xung phong làm, chứ chẳng có tiền lương đâu.

Đã chạy chọt thì sẽ có mua, có bán. Khi mua được rồi thì người ta lại phải tìm cách thu hồi số tiền đã bỏ ra, vì thế chạy chức chạy quyền chính là một trong những yếu tố gây nên nạn tham nhũng. Như vậy, thiệt hại cuối cùng thì ai chịu? Dân chịu. Cả bên mua và bán chức tước đều muốn ăn tiền, và cả hai anh này rốt cuộc đều đục khoét tiền của dân.

Muốn giải quyết vấn đề đó thì phải kiên quyết đấu tranh lại nạn chạy chức chạy quyền, mà để đấu tranh cho được thì phải có sự thống nhất cao độ từ trên xuống dưới. Lâu lâu, chúng ta lại thấy có một quan chức nào đó của Bộ này, ngành nọ dính tới tham nhũng, mà lãnh đạo cấp trung ương còn như vậy thì đương nhiên có người nghi ngờ ở cấp dưới cũng sẽ tìm cách kiếm trác. 
Các cụ ta đã nói “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”. Rốt cuộc, nó bị biến thành “luật bất thành văn”, cái gì cũng phải tiền, không tiền thì không được giải quyết. Đây là vấn đề hết sức đau xót, đã nhiều năm qua nhưng chưa thể giải quyết triệt để, chưa đi đến gốc của vấn đề.

Tôi cũng xin nói thêm, tham nhũng mà chỉ là một hai cá nhân thôi thì rất dễ xử lý, vì trước sau gì sai phạm cũng phải lòi ra, nhưng nếu sai phạm ấy mà có tính hệ thống thì khó mà bới ra được. Nguy cơ của cái gọi là “lợi ích nhóm” không chỉ còn là “nhóm hàng ngang” hay “nhóm hàng dọc” mà là “đan xen giữa ngang và dọc”, đó mới thực sự là mối nguy hại lâu dài cho đất nước.

Có anh em lo ngại nói với tôi rằng, tình hình hiện nay rất khó đổi mới, nhưng tôi đã nói rằng: Dù trong hoàn cảnh nào thì chúng ta cũng không được phép buông xuôi, trong khó khăn thì các Đảng viên, tổ chức Đảng không được phép bỏ ngọn cờ chiến đấu, phải tìm mọi cách giữ vững vai trò của lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước tiếp tục tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Bây giờ là lúc khó khăn mà các đồng chí Đảng viên lại yếu lòng thì các thế lực thù địch sẽ lợi dụng cơ hội để tấn công. Bản thân tôi đã từng là Tư lệnh quân khu IV, xin nói thế này: Nếu một vị tướng ra chiến trường mà thiếu lòng tin thì làm sao anh em chiến sĩ cấp dưới vững tin chiến đấu được, cho nên muốn thắng thì ý chí của người chỉ huy phải quyết thắng để vượt lên.

- Có ý kiến cho rằng, chất vấn trong Đảng cũng cần được công khai để nhân dân được biết. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Theo tôi bất kỳ trong Đảng hay ở quốc hội thì đều cần phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Đảng là đại diện cho lợi ích của nhân dân thì không có lý do gì mà phải giấu. Chỉ trừ những vấn đề thuộc về an ninh quốc gia thì cần phải bí mật, còn lại thì nên công khai để toàn dân được biết kịp thời. Có người bảo với tôi rằng, dân chủ thì sợ bị kẻ địch lợi dụng, nhưng tôi cho rằng quyền thuộc về nhân dân, Đảng ta là Đảng của dân, do dân và vì dân thì chẳng việc gì phải lo ngại về điều đó.

Nếu làm đúng thì cũng nói để dân biết, dân khen. Nếu làm sai cũng phải nói, để dân biết và yêu cầu sửa. Dân rất độ lượng, nhưng với điều kiện là việc làm ấy sai vì nguyên nhân khách quan, chứ không phải vì động cơ xấu. Và nhất là sau cái sai ấy, cán bộ càng sửa thì uy tín càng lên cao, nhân dân sẽ tiếp tục ủng hộ.

Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Ngọc Quang (Thực hiện)