Tướng bắt giữ Dương Văn Minh trăn trở về hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử

07/08/2011 23:30
(GDVN) – Nhằm tìm lời đáp cho câu hỏi tại sao lại có hàng ngàn điểm 0 bài thi môn lịch sử trong kì thi ĐH vừa qua, PV đã phỏng vấn trung tướng Phạm Xuân Thệ.

(GDVN) – Nhằm tìm lời giải đáp cho câu hỏi tại sao lại có hàng ngàn bài thi môn lịch sử trong kì thi ĐH và CĐ vừa qua, chúng tôi đã phỏng vấn các chuyên gia và các vị tướng lĩnh – những người đã đóng góp một phần công lao cho truyền thống hơn 4000 năm lịch sử của dân tộc. PV báo Giáo dục Việt Nam đã phỏng vấn Trung tướng AHLLVT Phạm Xuân Thệ.

Thờ ơ với môn lịch sử là điều đáng báo động
PV: Ông có đánh giá gì trước thực trạng có hàng ngàn điểm 0 và điểm 1 môn lịch sử trong kì thi ĐH vừa qua? 
Trung tướng Phạm Xuân Thệ
Trung tướng Phạm Xuân Thệ
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Điều đó thể hiện sự thờ ơ với lịch sử của một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ ngày nay. Vấn đề học sinh các cấp có thi lịch sử, tôi nhận thấy điểm đều thấp chứ không riêng gì thi đại học và cao đẳng. 
Theo tôi được biết, trong quá trình học, các thầy cô kiểm tra điểm thấp thì có thể cho rằng đây là môn học không quan trọng và không thiết thực. Thế cho nên học sinh không chăm chỉ học lịch sử như học các môn học khác. 
Bản thân người học cũng thấy việc học sử không quan trọng thậm chí là thấy cứng nhắc, khô khan; SGK, giáo trình thì đi nhiều vào số liệu làm cho học sinh khó nhớ. 
Bác Hồ đã nói: 
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Hiện nay, toàn dân đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lãnh tụ của đất nước đã răn dạy như vậy thì huống gì người lãnh đạo trong ngành giáo dục lại không quan tâm đến vai trò của môn lịch sử.
Tôi xin kể một câu chuyện, tôi biết một nhà đầu tư nước ngoài, định đầu tư tiền vào một nhà máy tại Việt Nam. Sau khi nghe ban giám đốc của nhà máy giới thiệu về sức mạnh tài chính, công nghệ và tài năng của người làm trong nhà máy đã xuống xưởng sản xuất.
Ông ta xem xét quá trình sản xuất và đã hỏi một người công nhân làm việc tại xưởng sản xuất đó về truyền thống của nhà máy. Tuy nhiên người công nhân này đã không trả lời được. Ngay sau đó, ông ta đã quyết định không đầu tư vào nhà máy này nữa.
Theo ông ta: một công nhân mà không hiểu được lịch sử truyền thống của nhà máy thì họ sẽ không hiểu được quá trình phát triển của nhà máy, biết trân trọng những sản phẩm do mình làm ra. Như vậy, sớm muộn nhà máy đó cũng không phát triển được.
Đó chỉ là một câu chuyện, nhưng chúng ta biết rằng một nhà tư bản luôn lấy lợi nhuận làm đầu mà còn quan tâm đến lịch sử của nhà máy thì huống chi với một đất nước với hơn 4000 năm lịch sử chúng ta lại không quan tâm.
Theo tôi được biết, hiếm có một nước nào trên thế giới như nước ta bởi mật độ và sự phong phú của các sự kiện lịch sử. Từ khi dựng nước và giữ nước đến nay, chúng ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh với các đế quốc hùng mạnh, với dã tâm xâm lược ghê gớm.
Chúng ta đã xây dựng và bảo vệ tổ quốc không phải chỉ bằng công sức, trí tuệ của con người Việt Nam mà còn bằng cả xương máu. Khi đất nước được hòa bình mà thế hệ trẻ lại cho rằng lịch sử không thiết thực với cuộc sống của mình thì đó là điều đáng phải suy nghĩ.
Thời lượng giảng dạy ít
PV: Theo ông nguyên nhân của sự thờ ơ của giới trẻ với lịch sử dân tộc là do đâu?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Nguyên nhân của việc này thì có rất nhiều. Theo tôi, thứ nhất đó là thời lượng học môn lịch sử là quá ít. Chính vì thế, hiển nhiên người ta coi nó là môn phụ cho nên mới dẫn đến tâm lý chủ quan, không cần quan tâm nhiều đến nó.
Thứ hai là sách giáo khoa ngày nay quá chú trọng vào những con số nên học sinh khó nhớ. So với thời tôi đi học , với khả năng nhận thức như của mình, tôi thấy SGK ngày trước viết cô đọng, xúc tích hơn, dễ hiểu hơn.
Thứ ba đó là do có quá nhiều thông tin lịch sử từ các phương tiện thông tin đại chúng nên học sinh chủ quan cho rằng chỉ cần học qua qua là được, đâu cần phải nhớ hết. 
Khi mà học sinh chỉ học qua loa thì chưa đủ để học sinh có thể nhớ và hiểu vấn đề một cách toàn diện. Và như thế khi đi thi, đề thi không ra vào phần đã đọc qua loa mà ra vào phần phải hiểu thì đương nhiên không làm được bài.
Thứ tư là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, các thí sinh khi đăng ký thi cũng đã đắn đo, cân nhắc các ngành học để sau này khi ra trường có thể xin được việc với đồng lương cao. Vì thế ít học sinh lại chọn thi khối C trong đó có môn lịch sử.
PV: Trước thực trạng như vậy, điều ông lo nghĩ nhất là gì?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Hệ lụy của vấn đề này là rất lớn. Tôi chỉ lấy một ví dụ đơn giản. Trong mọi văn bản đều ghi chính thể của nhà nước ta, ở dưới có 6 từ: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Nhưng có mấy người quan tâm đến 6 chữ này rằng: Độc lập, tự do từ đâu mà có? Hạnh phúc do cái gì đem lại? Độc lập ở đây chính là toàn vẹn thổ từ đất liền tới biển đảo và vùng trời, thể hiện chủ quyền của ta đối với đất nước.
Khi chúng ta không biết lịch sử thì chúng ta sẽ quên đi mình là ai, mình đang đứng ở đâu? Và như vậy, nguy cơ mất nước là rõ ràng.
PV: Vậy theo ông chúng ta phải làm gì để giải quyết vấn đề này?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tôi thấy mọi người dân đều phải có trách nhiệm trong chuyện này. Trong gia đình thì ông bà, cha mẹ, anh chị đều phải giáo dục cho con em mình biết được học lịch sử là cần thiết. Rồi ở nhà trường, môn học lịch sử phải được quan tâm hơn nữa, thời gian giảng dạy nhiều hơn.
Khi ra ngoài xã hội, các đoàn thể, tổ chức phải tăng cường tuyên truyền về lịch sử của chính đoàn thể mình tới các thành viên. Nhà nước phải tăng cường tuyên truyền về truyền thống lịch sử của dân tộc, quảng bá lịch sử dân tộc một cách rộng rãi. Còn người viết sử, ghi chép lại các sự kiện lịch sử thì phải có phương pháp để làm sao cho người đọc dễ hiểu.
Tất cả những việc này đều nhằm cho học sinh trân trọng lịch sử hơn, chăm chỉ học lịch sử hơn. Đến khi học sinh phải coi đó là thứ hành trang cần thiết, quan trọng bậc nhất khi bước vào đời.
Chúng ta chưa thể vội trách thế hệ trẻ quên lịch sử. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Người lớn chúng ta phải trách mình trước, rằng chúng ta chưa làm cho thế hệ trẻ hiểu lịch sử. 
Phát biểu như vậy là có lỗi với nhân dân, với lịch sử
PV: Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu với báo giới: Điểm thi môn lịch sử thấp là vấn đề của thời đại, của nhiều nước trên thế giới, không phải là chuyện của riêng Việt Nam và trong kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua có hàng ngàn điểm 0 môn sử cũng là điều bình thường. Ông đánh giá thế nào về phát biểu này?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Với quan điểm của một công dân, tôi thấy lời phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ GD – ĐT là vô trách nhiệm và cần phải suy nghĩ lại. Ông ta không thể cho rằng vấn đề này không chỉ là của riêng Việt Nam mà là tình trạng chung của các nước trên thế giới. Những nước nào trên thế giới có tình trạng như vậy?
Lịch sử của Việt Nam khác lịch sử của các nước khác trên thế giới. Không thể nói như thế được. Mà mỗi một nước lại có cương lĩnh xây dựng đất nước riêng. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đường lối, trong cương lĩnh xây dựng đất nước đã có nền tảng lịch sử của nó. Lời phát biểu như vậy là có lỗi với nhân dân, với lịch sử.
PV: Đã có ý kiến cho rằng Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cần có lời xin lỗi?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Xin lỗi hay không đó là quyền của ông ấy. Nhưng tôi nghĩ, với tư cách là Bộ trưởng Bộ GD – ĐT, trước tình hình như thế này, ông bộ trưởng nên tham mưu tốt cho lãnh đạo và phải trăn trở để làm sao sang năm ít điểm 0 và điểm 1 môn lịch sử đi thay vì phát biểu như vậy.
Cám ơn Trung tướng đã trả lời phỏng vấn!
{iarelatednews articleid='9358,9068'}
Tuệ Minh (ghi)

alt