Tung tin bịa đặt, chơi dao sắc có ngày đứt tay*

30/03/2020 09:57
Nguyễn Anh Tuấn/Quân đội Nhân dân
(GDVN) - Trong ma trận thông tin của mạng xã hội có vô số thông tin giả mạo, bịa đặt, vu khống.

Những thông tin bịa đặt ấy tiếp tục bị “đổ thêm dầu vào lửa” bằng các giọng điệu thiếu thiện chí, thừa hiểm sâu theo kiểu “chọc gậy bánh xe” của một số báo, đài quốc tế thường xuyên tạc về tình hình Việt Nam.

Nhiều người dùng mạng xã hội cũng chủ ý hoặc vô tình, thiếu hiểu biết đã hùa theo, gây ra hậu quả vô cùng tai hại.

Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân

Luật sư Nguyễn Thành Minh, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, ông thấy kỳ cục với kiểu thông tin “bịt mắt bắt dê” trên YouTube đang ra rả hằng ngày.

“Truyền hình tối qua dẫn phát biểu chỉ đạo của một đồng chí lãnh đạo Nhà nước tại cuộc họp diễn ra trong ngày.

Vậy mà vài hôm trước trên YouTube lan truyền clip đồng chí ấy bị bắt. Đúng là bịa đặt”.

Nếu kích vào các clip trên YouTube, người xem chỉ việc “gác chân lên bàn” là được nghe họ thánh thót rót mật vào tai. Tất nhiên, toàn những tin tức rất khó “tiêu hóa”.

Chia sẻ về thông tin bịa đặt lan truyền trên mạng xã hội, ông Đỗ Quang Nam, cán bộ Công ty Cổ phần Xi măng Tân Quang (Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam), cho biết:

“Tôi tìm thông tin trên mạng để bổ sung ý kiến đóng góp trong đại hội đảng bộ công ty thì rất bất ngờ, bằng một thủ thuật sắp xếp tìm kiếm nào đó, cái clip có tên “nhân sự Đại hội Đảng XIII” hiện ra trước mắt.

Clip này tiếp tục dẫn tới nhiều clip, trang mạng khác đưa thông tin về đời tư các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Kích vào xem thì hầu hết là thông tin bịa đặt, dàn dựng theo dụng ý xấu.

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn.
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn.

Trên Google, YouTube, Facebook, Twitter hay một số trang điện tử hiện nay, vô số thông tin bịa đặt được loan tải.

Mũi dùi họ chĩa vào phần lớn các sự kiện chính trị của đất nước, sự kiện có liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thông tin liên quan đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao.

Người xem bình thường cũng nhận thấy hình ảnh được cắt ghép rất thô thiển, còn lời lẽ thì là một sự bịa đặt trắng trợn.

Phát biểu nhận xét của những người được dẫn trong bài nghe có vẻ “đao to búa lớn”, nhưng kỳ thực họ chẳng hiểu gì về tình hình đất nước, con người Việt Nam.

Có lẽ, sự cố chấp cùng với thái độ hằn học khiến họ luôn nhìn về quê hương với cái nhìn rất bàng quan.

Cũng thông cảm với những người này vì thực sự họ có rất ít thông tin, họ càng không được thấy sự đổi mới, vươn lên mạnh mẽ của đất nước.

Đơn cử trong đại dịch Covid-19, hãy nghe những người nước ngoài đến Việt Nam, thực sự hiểu Việt Nam nói gì:

“Tôi mong muốn được gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả y sĩ, bác sĩ và các cơ quan Chính phủ Việt Nam vì đã giúp chúng tôi hỗ trợ các công dân Anh trong thời gian qua.

Rất nhiều du khách Anh đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Việt Nam” - lời của Đại sứ Vương quốc Anh Gareth Ward.

Còn đây là dòng trích dẫn trên trang scoopwhoop.com của Ấn Độ: “Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Đông Nam Á, bên cạnh Singapore”.

Những phát biểu từ đáy lòng của những người hiểu Việt Nam sẽ phản bác tất cả sự bịa đặt, xuyên tạc.

Nực cười với kẻ thiêu thân

Tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng
Tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng

Trong khi toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực chung tay đẩy lùi dịch bệnh thì cũng xuất hiện vô số thông tin bịa đặt, giả mạo gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý mỗi người.

Ngay trong ngày 28/3, mạng xã hội lan truyền tin về dịch Covid-19: “Chúng ta có ca tử vong đầu tiên”.

Bộ Y tế đã xác minh và khẳng định đó là thông tin thất thiệt.

Trước đó, nhiều thông tin bịa đặt được mạng xã hội đăng tải, như: "Ngày mai, toàn TP Hà Nội sẽ có trực thăng rải thuốc khử trùng chống virus Corona”, “Đây là hình ảnh bồ nhí và con riêng của bệnh nhân nhiễm Covid-19”...

Vượt qua ranh giới luật pháp, hàng loạt văn bản của các bộ, ngành, Chính phủ cũng bị giả mạo.

Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thì trắng-đen đã rõ. Dư luận ngã ngửa bởi sự “trở mặt như trở bàn tay” của mạng xã hội.

Lâu nay chúng ta không còn lạ kiểu thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống người khác được tung lên bởi các đối tượng cực đoan, bất mãn.

Mục đích của chúng không gì khác nhằm kích động thù hận, khoét sâu mâu thuẫn xã hội mà điển hình như vụ việc ở Đồng Tâm, Thủ Thiêm hay vụ việc Formosa…

Trở lại vụ việc ở Đồng Tâm để thấy rõ bản chất mà các thế lực thù địch đã điên cuồng chống phá.

Trong khi Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đã cố gắng giải quyết thấu tình đạt lý cho người dân thì trên Facebook, YouTube… cứ hằng giờ, tổ chức khủng bố Việt Tân từ nước ngoài lại tung lên mạng xã hội những tin, bài bịa đặt, kích động hận thù, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ giữa chính quyền với nhân dân.

Những kẻ này được Việt Tân nuôi dưỡng, trả tiền để làm việc đó.

Không dừng lại ở mạng xã hội, một số đài, báo thiếu thiện chí, thường xuyên tạc tình hình Việt Nam như: BBC, VOA, RFA, RFI… lại hà hơi, tiếp sức, cố dựng lên một hình ảnh xấu xí về đất nước.

Trong khi đó, những thành tựu vượt bậc của Việt Nam thì chúng lờ tịt như “không nghe, không thấy”.

Cứ chiểu theo những “nguyện vọng, quyền lợi” mà Việt Tân hay các cá nhân, tổ chức kiểu như vậy kêu gào thì chỉ có một quốc gia vô pháp mới làm họ thỏa mãn.

Ở một khía cạnh khác, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh:

“Mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho “công dân toàn cầu” tự do kết nối và chia sẻ.

Tuy nhiên, nó cũng trở thành công cụ miễn phí và vô hình mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận đối với cá nhân, tổ chức”.

Cùng với những đối tượng bịa đặt, giả mạo, vu khống thông tin vì trục lợi, vì tư thù còn có nhóm đối tượng thứ hai góp phần tạo ra và lan truyền những thông tin bịa đặt, đó là những cá nhân thích được nổi tiếng, được chú ý.

Họ bịa đặt ra các thông tin chỉ để thỏa mãn nhu cầu, để "câu view", "câu like" mà không hiểu hết hậu quả tai hại.

Nhóm đối tượng thứ ba cũng tham gia lan truyền thông tin xấu, độc là những người thiếu hiểu biết, thậm chí bị lợi dụng. Họ thực hiện việc đó như một sự vô thức.

Ghìm cương "ngựa chứng" trên đường cao tốc

Thông tin phong tỏa Sài Gòn 14 ngày là tin giả
Thông tin phong tỏa Sài Gòn 14 ngày là tin giả

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt nghiêm trọng với tình trạng tin tức bịa đặt, giả mạo trên internet và họ đã đưa ra chế tài pháp luật rất chặt chẽ.

Luật An ninh mạng của Thái Lan quy định đối tượng tán phát tin giả sẽ bị phạt đến 7 năm tù.

Chế tài trong luật của Australia phạt tới 3 năm tù đối với người điều hành các công ty cung cấp dịch vụ mạng và các trang mạng xã hội nếu không loại bỏ hoàn toàn các nội dung xấu.

Dự luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến của Singapore quy định, người lan truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích cộng đồng có thể đối mặt với bản án 10 năm tù…

Ở bất cứ quốc gia nào, mọi cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ khuôn khổ luật pháp, không thể có sự tự do quá trớn, vô chính phủ.

Rất nhiều người đang hiểu sai rằng, trên môi trường ảo như mạng xã hội thì không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, đưa tin của mình.

Nhận thức ấy là không đúng. Ngay trong những ngày vừa qua, hàng loạt cá nhân, trong đó có cả các nghệ sĩ, ca sĩ đã bị xử lý về hành vi tán phát, phát ngôn không đúng về dịch Covid-19.

Điều 8, Luật An ninh mạng quy định rất rõ: Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, gồm:

“Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Cùng với Luật An ninh mạng, các luật, nghị định hiện hành của Việt Nam đã có những chế tài nghiêm khắc.

Theo Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Tại Điều 122 Bộ luật Hình sự quy định, người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Siết chặt quản lý mạng xã hội là yêu cầu cần thiết, nó cũng là công cụ để quốc gia quản trị xã hội.

Những doanh nghiệp lớn cung cấp mạng xã hội từ nước ngoài cứ cho là họ bị hạn chế trong hoạt động, nhưng kỳ thực họ đang tiếp tay cho kiểu truyền bá thông tin bịa đặt, sai trái, độc hại.

Chúng ta đã buộc Google, Facebook gỡ bỏ hàng trăm tài khoản cá nhân giả mạo; đường link tuyên truyền thông tin bịa đặt; đường link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Dù vậy, chúng ta cần yêu cầu các doanh nghiệp này tuân thủ nghiêm túc luật pháp Việt Nam hơn nữa, dù họ luôn viện lý do để né tránh, trì hoãn việc gỡ bỏ thông tin xấu độc.

Internet là một môi trường không biên giới, các mạng xã hội lớn lại thường được cung cấp bởi các doanh nghiệp từ nước ngoài, bởi vậy, việc đăng tải, lan truyền những thông tin bịa đặt, xuyên tạc vẫn rất khó kiểm soát.

Điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta phải tự xây dựng cho mình một “bộ lọc” bằng bản lĩnh, kiến thức, kinh nghiệm trên cơ sở lập trường vững, quan điểm rõ khi tiếp cận với mạng xã hội.

Hãy luôn luôn nhớ rằng, “mạng xã hội đúng nghĩa là một cái chợ”, có tốt, có xấu, có trăm người bán, vạn người mua.

Không có cách nào khác, hãy tuân thủ đúng các quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

(*) Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Nguyễn Anh Tuấn/Quân đội Nhân dân