Tủi hổ sinh viên làm tình nguyện như... đi ăn mày

19/03/2019 06:10
Vũ Ninh
(GDVN) - Tôi nhớ những ngày là sinh viên từng đi bộ dưới cái nắng chói chang của Hà Nội, bị mắng chửi, đi xin từng nghìn đồng quyên góp cho một chương trình từ thiện.

Bị lợi dụng để "kinh doanh nước mắt"

Mặc dù đã ra trường được một năm nhưng ký ức về lần đầu tiên đi làm tình nguyện của Đặng Trần Bảo (cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc Dân) vẫn không thôi "ám ảnh".

Trong nhiều tháng, nhóm của Bảo bất kể nắng mưa, ngày nào cũng lang thang trên khắp các tuyến phố Hà Nội để...xin tiền.

Tủi hổ sinh viên làm tình nguyện như... đi ăn mày ảnh 1Tân sinh viên hãy cẩn thận khi đi thuê nhà trọ

Sự kiện của Bảo tham gia được tổ chức bởi một công ty truyền thông với tên gọi: "Đêm hội trăng rằm".

Công ty quảng cáo: Sự kiện được tổ chức phi lợi nhuận, kinh phí đến từ quyên góp của các nhà hảo tâm và các tình nguyện viên.

Trước đó vài tháng, bà L.T.T giám đốc công ty đã trực tiếp liên hệ thông qua Đoàn trường để tìm kiếm sự giúp đỡ của các bạn sinh viên.

Khi đó Bảo đang là sinh viên năm Nhất. Với suy nghĩ tình nguyện là một công việc tốt thêm vào đó là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Bảo đã vận động nhiều bạn trong lớp tham gia chương trình tình nguyện này mà không mảy may tính toán.

"Trong suy nghĩ của mình khi đó chỉ nghĩ đơn giản những người làm tình nguyện đều là những người tốt.

Nhóm có khoảng 20 bạn, ngày nào cũng chia nhau ca sáng, ca chiều đi ra đường để xin tiền.

Công ty lại đầu tư cả mũ, nón, băng rôn chuyên nghiệp nên không ai mảy may nghi ngờ gì".

Thủ lĩnh tình nguyện từng là một hiện tượng truyền thống vô cùng nổi tiếng trong cộng đồng tình nguyện viên (Ảnh:facebook Phạm Gia)
Thủ lĩnh tình nguyện từng là một hiện tượng truyền thống vô cùng nổi tiếng trong cộng đồng tình nguyện viên (Ảnh:facebook Phạm Gia)

Công ty khi đó chỉ hỗ trợ một bữa ăn "tinh thần từ thiện". Nhóm của Bảo bị người dân gọi là đội quân ăn xin, đội quân từ thiện.

Những ngày đầu đi làm xấu hổ không thể nào kể hết được, người dân tưởng đa cấp họ còn chửi cho.

"Nhiều người cay nghiệt họ chửi cho không ra gì. Họ bảo thanh niên sức dài vai rộng mà lại không đi làm công việc tử tế kiếm ra tiền lại đi ăn xin.

Tuy vậy mỗi ngày cũng xin được vài triệu đồng, có những ngày lên hơn chục triệu đồng. Ai cũng phấn khởi vì nghĩ đã làm được một việc tốt.

Bọn mình sẵn sàng bỏ qua mọi tiếng chửi bới, dọa nạt, bỏ công sức, thời gian. Thời gian đó công việc ảnh hưởng và sức khỏe bị ảnh hưởng rất nhiều.

Nhiều bạn ốm đau phải xin nghỉ học nhưng vẫn tiếp tục làm công việc này".

Thế nhưng đáp lại tấm lòng của các tình nguyện viên đó là một cú lừa ngoạn mục.

Số tiền quyên góp được không được dùng vào mục đích từ thiện. Giám đốc của công ty ma trên ôm tiền bỏ trốn.

"Thời điểm đó mọi người ai cũng sốc khi biết thông tin này. Chị ta ôm số tiền dùng để quyên góp từ thiện và bỏ trốn.

Nhắc lại chuyện này ai cũng cảm giác bị lừa. Từ lần đó mình đã cẩn thận hơn khi làm tình nguyện viên của các tổ chức, chương trình".

Hình tượng sụp đổ của một thủ lĩnh tình nguyện được thổi phồng

Chiều 16h, sáng 7h30, một nhóm các bạn trẻ lại đứng xếp hàng phát tờ rơi tại các ngã tư đông đúc trên địa bàn Hà Nội.

Họ là những tình nguyện viên của một chương trình từ thiện nọ do một công ty truyền thông tổ chức.

Tủi hổ sinh viên làm tình nguyện như... đi ăn mày ảnh 3Sinh viên Hải Phòng sôi nổi tham gia hiến máu trong ngày Chủ nhật Đỏ

Xen lẫn những tiếng còi xe inh ỏi là những lời chào mời vừa e ngại vừa rụt rè:

"Em gửi chị, sắp tới đây bên em tổ chức chương trình từ thiện rất mong chị ủng hộ.

Trong ba ngày cuối sẽ giảm 50% giá vé chị có thể cùng gia đình đến xem.

Có rất nhiều khách mời nổi tiếng ạ".

Tại những chung cư, khu phố sầm uất hay đến các cổng trường đại học, ngã tư đường phố chốc chốc người ta lại bắt gặp hình ảnh một nhóm các bạn trẻ áo phục chỉnh tề cầm tờ rơi tranh thủ phát cho người đi đường.

Người phát, người nhận, người cười, người mắng, tất cả tạo nên một khung cảnh hỗn độn như bức tranh về "thị trường từ thiện" hiện nay, bát nháo, trắng đen vô minh.

Trước khi bị bắt vì tội giả danh nhà báo lừa đảo gần 2 tỷ đồng, Phạm Văn Tới từng được truyền thông "phát cuồng" với những danh xưng mỹ miều "thủ lĩnh tình nguyện", "thạc sĩ bốc rác".

Thời đỉnh cao của sự nổi tiếng có hàng chục tờ báo phỏng vấn, viết chân dung về nhân vật này.

Câu lạc bộ từ thiện Quốc Gia do Tới làm chủ tịch có thời điểm lên đến hàng nghìn thành viên.

Tới liên tục mở ra những khóa học, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động từ thiện nhưng bản chất thực sự là kinh doanh.

Theo tố cáo của nhiều cựu thành viên đã từng làm việc nhiều năm với Tới.

Tổ chức này lợi dụng danh nghĩa câu lạc bộ tình nguyện để thu lợi bất chính, bóc lột các tình nguyện viên.

Nguyễn Thị Hoa, sinh viên năm 3 kể lại:

"Thời điểm tham gia câu lạc bộ tình nguyện quốc gia của Phạm Văn Tới khi đó tôi mới bước chân vào trường Đại học.

Bạn cùng lớp rủ tham gia tình nguyện. Năm Nhất nên mình chẳng nghĩ ngợi gì đâu tham gia vì nhiệt tình và nghĩ ai cũng tốt.

Mình cũng tìm hiểu về Tới và thấy nhiều báo đài tung hô quá trời. Sau đấy có tham gia một thời gian dài.

Công việc tình nguyện chẳng thấy đâu chỉ thấy chụp ảnh làm màu rồi bắt tình nguyện viên đóng tiền đi học.

Có những khóa học vài triệu mà sinh viên thì lấy đâu ra tiền mình đã thấy nghi ngờ.

Rồi có đợt còn bảo bọn mình bỏ  ra 400.000 đồng để mua cúp vinh danh".

Thủ lĩnh tình nguyện Phạm Văn Tới bị bắt vì hành vi giả danh nhà báo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Thanhnien.vn)
Thủ lĩnh tình nguyện Phạm Văn Tới bị bắt vì hành vi giả danh nhà báo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Thanhnien.vn)

Nữ sinh N.T.N kể lại đã từng bị "thạc sĩ bốc rác" nhắn tin gạ tình:

"Một hôm anh ấy có nhắn tin cho mình đòi nói chuyện tình cảm. Mình rất sợ và hình tượng hoàn toàn sụp đổ.

Sau này mình mới biết có rất nhiều bạn nữ trong câu lạc bộ bị Tới gạ tình".

Lợi dụng danh nghĩa từ thiện, nhiều đối tượng như Tới đã nghĩ ra chiêu trò kinh doanh nước mắt, lợi dụng truyền thông để đánh bóng tên tuổi.

Những tổ chức và cá  nhân như thế này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của các tình nguyện viên và công tác từ thiện.

Điều đáng nói không chỉ có các sinh viên bị lừa mà dư luận xã hội cũng đã bị lừa bởi những chiêu trò đánh bóng.

Do vậy các sinh viên mong muốn làm từ thiện và tình nguyện nên tìm hiểu kỹ năng lực, phẩm chất của cá nhân đứng đầu và đơn vị quản lý để tránh tình trạng bị bóc lột công sức và tiền bạc.

Đặc biệt lưu ý với các tổ chức tình nguyện nhưng lại mở những khóa học hoặc yêu cầu thành viên phải đóng tiền mới được tham gia vì rất có thể đó là những tổ chức đa cấp "tình thương" biến tướng và trá hình.

Vũ Ninh