Tư tưởng ‘phụng sự quốc gia, dân tộc’ của Bác Hồ lan tỏa trong hoàn cảnh mới

19/05/2021 20:49
Theo Baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tư tưởng Hồ Chí Minh về tìm người tài đức phụng sự quốc gia dân tộc đã được Người nêu ngay sau khi nước nhà giành được độc lập bằng bức thư “Tìm người tài đức”.

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ những giá trị trong tư tưởng của Người về lựa chọn người tài, về giáo dục cán bộ và xây dựng Nhà nước của nhân dân, vì nhân dân.

Thưa Giáo sư Phạm Hồng Tung, chúng ta đang sống trong những ngày tháng Năm lịch sử khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp diễn ra nhằm lựa chọn những người đủ đức đủ tài phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.

Nhớ về Bác, chúng ta lại nhớ đến tư tưởng của Người về lựa chọn và trọng dụng người tài. Xin ông nói thêm về điều này?

Giáo sư Phạm Hồng Tung: Tư tưởng Hồ Chí Minh về tìm người tài đức phụng sự quốc gia dân tộc đã được Người nêu ngay sau khi nước nhà giành được độc lập bằng bức thư “Tìm người tài đức” gửi tất cả các cấp, các ngành.

Bác nói rõ công cuộc tìm kiếm và tiến cử người có tài, có đức là nhiệm vụ của Chính phủ. Nếu ở đâu có người tài đức mà chưa được trọng dụng, trước hết là lỗi của Chính phủ.

Điều này xuất phát từ nhận thức rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng ở nước ta, tất cả quyền lực là ở nhân dân, những người tài đức dù trưởng thành trong trường học hay trong thực tiễn thì đều là những con người tiêu biểu cho nguyên khí quốc gia, tiêu biểu ý chí nguyện vọng của nhân dân.

Vì thế cuộc bầu cử Quốc hội lần này còn mang ý nghĩa sâu sắc bởi qua bầu cử, nhân dân tự mình nhận diện người tài đức, vì chỉ có nhân dân mới nhận diện đúng ai là người thực tài, đức độ và bằng lá phiếu của mình thể hiện sự lựa chọn, tín nhiệm, đặt niềm tin cũng như kỳ vọng gửi gắm vào những người nhân dân coi là tài đức, để họ đảm nhiệm những công việc do nhân dân ủy thác.

Đó cũng là ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người viết bức thư “Tìm người tài đức”.

Tôi thấy rằng cuộc bầu cử lần này đã được thực hiện đúng theo nguyên tắc pháp quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo đảm tất cả công dân có tài có đức được giới thiệu hoặc tự mình ứng cử vào danh sách bầu cử.

Việc giới thiệu các ứng viên vào các cơ quan công quyền đều phải chịu sự giám sát cao nhất là của nhân dân, đồng thời có sự giám sát của các cơ quan hành pháp, tư pháp và các cơ quan truyền thông.

Điều này nhằm bảo đảm việc đặt quyền lợi, uy tín của hệ thống chính trị, quyền và lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Giáo sư Phạm Hồng Tung. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Giáo sư Phạm Hồng Tung. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Theo đánh giá của ông, việc “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” như tư tưởng và ý nguyện của Bác hiện nay đã được những cán bộ trong cơ quan Nhà nước thực hiện như thế nào?

Giáo sư Phạm Hồng Tung: Bác Hồ đã dành trọn đời mình cho việc chăm lo giáo dục, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ nắm giữ vị trí quyền lực ở trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, một cách rất bài bản, công phu, nghiêm khắc.

Trong cuốn “Đường Cách mệnh”, Người răn dạy đội ngũ cán bộ về tư cách người cách mệnh. Đó phải là những người không những có năng lực vượt trội mà còn là người có đạo đức; là người phải giữ được chữ tín lời mình nói, việc mình làm, có năng lực hướng dẫn quần chúng và được quần chúng tin yêu.

Đến khi cách mạng thành công, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Chính phủ cách mạng được thành lập, Bác Hồ đã dành rất nhiều tâm sức cho việc giáo dục rèn luyện cán bộ.

Trong rèn luyện, giáo dục cán bộ, Bác rất kiên quyết, thậm chí cảnh cáo những người có thái độ dọa nạt nhân dân, những lời hứa suông, lừa dối nhân dân nhưng Bác cũng động viên cán bộ nếu chưa quen với công việc thì vừa làm vừa học, đồng thời phải dũng cảm nhận sai rồi sửa chữa thì mới tiến bộ.

Vận dụng tư tưởng đó vào xem xét đánh giá cán bộ hiện nay trong quá trình đổi mới chúng ta thấy vừa qua, thật sự rất đau xót khi Đảng, Nhà nước phải kỷ luật, thậm chí phải truy tố, bỏ tù nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp.

Nhưng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là việc “kỷ luật một người để cứu nhiều người”.

Như vậy có thể thấy Đảng, Nhà nước ta lấy việc kỷ luật nghiêm các hành vi sai trái cũng là để cảnh báo, răn đe, giáo dục những cán bộ khác đang ở vị trí nắm giữ quyền lực phải làm đúng lời đã hứa với nhân dân, để phụng sự nhân dân, đất nước.

Bác Hồ từng nói: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách của Đảng… đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”, thưa Giáo sư, điều này đã được Đảng và Nhà nước ta thực hiện như thế nào trong điều kiện hiện nay?

Giáo sư Phạm Hồng Tung: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng Bác còn nói “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Người căn dặn nước ta là một nước dân chủ, tất cả quyền lực là ở nơi dân và tất cả lợi quyền đều thuộc về dân, vì vậy cán bộ, đảng viên, cả bộ máy chính trị phải lấy phụng sự nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục đích tối hậu trong tất cả các hoạt động.

Người căn dặn: “Việc gì lợi cho dân thì phải gắng hết sức làm cho bằng được, việc gì có hại cho nhân đan thì dứt khoát phải tránh”.

Điều đó cho thấy trách nhiệm của Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền là phải chăm lo đời sống của nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân, phúc lợi của người dân làm mục đích của chính sách, chủ trương, đường lối lãnh đạo.

Chúng ta đang chứng kiến những biểu hiện cụ thể của điều nói trên.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, ở rất nhiều nơi trên thế giới, người dân, nhất là người dân nghèo có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.

Trong khi đó ở nước ta, dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là “không để ai tụt lại phía sau” trong tiến trình phát triển.

Những điều đó đã đi vào lòng người và cũng là chủ trương mà Đảng, Nhà nước quyết liệt thực hiện trong suốt thời gian vừa qua. Đó là cơ sở để nhân dân có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó có nêu “chúng ta cần xây dựng xã hội ở đó người dân được thực sự hưởng các thành tựu lao động của mình chứ không phải là xã hội dù giàu có nhưng lại bất bình đẳng không thể khắc phục được.

Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc là mục đích và cũng là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta”.

Đó cũng chính là tư tưởng vì dân đã được Bác Hồ soi rọi!

Gần đây, những hình ảnh xúc động về các bác sĩ, chiến sĩ công an, bộ đội… từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc chi viện hỗ trợ cho địa phương có dịch; hình ảnh các cá nhân, tổ chức quyên góp hỗ trợ vùng dịch đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân” của dân tộc, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Giáo sư Phạm Hồng Tung: “Cuộc chiến” chống lại đại dịch COVID-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá cao và được ghi nhận là một trong những quốc gia mặc dù điều kiện vật chất, khoa học kỹ thuật tương đối hạn chế nhưng đến bây giờ, chúng ta đã và đang đấu tranh thành công với đại dịch này.

Thế giới đánh giá cao bởi họ nhìn thấy người dân Việt Nam về cơ bản ủng hộ và chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống bệnh dịch. Nhưng thế giới còn đặc biệt ấn tượng về tinh thần nhân ái, chia ngọt sẻ bùi của dân tộc Việt Nam.

Ở trong nước, từ những cây AMT gạo, từ hành động của tập thể và cá nhân hỗ trợ đồng bào đang chống chọi với bệnh dịch, đặc biệt là sự hy sinh vô bờ bến của đội ngũ cán bộ y tế, bộ đội, công an, chiến sĩ biên phòng… Đó là những tấm gương, hình ảnh lay động hàng triệu con tim.

Với các nước khác, dù còn khó khăn nhưng nhân dân ta vẫn hỗ trợ nước bạn chống dịch, cả bằng vật chất, cả bằng nhân lực…

Lòng nhân ái ấy xuất phát từ gốc rễ của truyền thống dân tộc Việt Nam - đoàn kết toàn dân, chia ngọt sẻ bùi. Truyền thống đó được nâng lên tầm cao mới với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” và còn lan tỏa mãi...

Trong điều kiện hiện nay, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đã quán triệt tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, trở ngại và xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ mong muốn.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo Baochinhphu.vn