Trường Sa: "Máu thịt, thiêng liêng như hơi thở"

27/07/2012 11:26
(Tổng hợp từ trannhuong.com)
(GDVN) - "Trường Sơn đại ngàn hôm qua và Trường Sa giữa Biển Đông hôm nay, nơi ấy là Tổ quốc. Tôi nhìn lên ảnh cha trên ban thờ! Vẫn nụ cười rạng ngời tuổi 30, như không hề có cuộc chia ly hơn 40 năm!".

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2012), báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới quý độc giả tâm sự cảm động về tình yêu Tổ quốc thiêng liêng của con gái một liệt sỹ đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

"Những ngày tháng Bảy này, lòng mỗi người con dân đất Việt đều hướng ra Trường Sa thân thương. Và trên các nghĩa trang liệt sỹ, sau làn khói hương trầm ấm, các liệt sĩ linh thiêng đang độ trì cho Tổ quốc mãi mãi trường tồn, vững mạnh bên bờ Thái Bình Dương.

Bắt đầu từ những ngày học lớp hai, ngóng từng lá thư cha gửi trên đường hành quân Trường Sơn gửi về, niềm vui trẻ thơ quyện trong nắng thơm rơm rạ, trí óc non nót của tôi hiểu Tổ quốc theo cách cụ thể, thế nào là “Bắc Nam như cội với cành” trong những dòng thư cha viết.

Hình ảnh nghĩa trang Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sỹ đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hình ảnh nghĩa trang Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sỹ đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tôi vào tuổi trăng tròn cũng là khi đất nước thống nhất. Nhưng cha tôi cũng như bao chiến sỹ đã hy sinh ở mặt trận phía nam, không một dòng mộ chí. Lúc đó, nhìn vào đôi mắt mẹ, tôi hiểu thế nào là nỗi đau của người phụ nữ mất chồng! Thêm một lần, Tổ quốc trong tôi là màu máu đỏ tươi của cha nhuộm trong màu cờ.

Ròng rã từ năm hơn 30 năm đi tìm cha nằm nơi xóm ấp nào ở chiến trường Long An. Tình yêu mẹ dành cho cha cao hơn núi trong những bước đi nhẫn nại và ngọn lửa hy vọng không hề tắt. Mẹ 75 tuổi, tôi đi bên Mẹ tóc trắng như mây, rước cha từ Cần Giuộc về đoàn tụ.

Tổ quốc là màu cờ đỏ phủ trên linh cữu đưa cha về với ông bà tổ tiên và quây quần với các anh trong nghĩa trang liệt sĩ, quê hương của chiếc gậy Trường Sơn đã đi vào huyền sử chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam.

Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của những nàng Tô Thị vọng phu thế kỷ XX chờ chồng, thờ chồng, nuôi con khôn lớn? Và có niềm tự hào nào lớn hơn niềm tự hào của người chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng vì hoà bình, độc lập, tự do của Tổ quốc, làm nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”? Anh linh của các anh hoà trong hồn thiêng sông núi, gọi cháu con giữ toàn vẹn biển trời yêu quý!

Trường Sa, một phần máu mủ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Trường Sa, một phần máu mủ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Và hôm nay, ngay giữa những ngày tháng bảy nóng bỏng này của thế kỷ XXI, những người vợ chờ chồng vẫn ngóng trông ra Trường Sa, những trẻ thơ như tôi xưa, vẫn mong ngóng tiếng của cha ấm áp vượt sóng biển bay về ngôi nhà bé nhỏ! Tôi hình dung, các chiến sỹ ở Trường Sa thân thương cũng sẽ dặn vợ nhớ giữ gìn sức khoẻ, thay anh nuôi mẹ, chăm sóc con học hành nên người.

Tổ quốc máu thịt, thiêng liêng và gần gũi, từ những điều giản dị như hơi thở cuộc sống mỗi ngày. Tiếng em từ đảo xa gọi về “ Chị có khoẻ không? Chị đang viết bài hay đi công tác? Chị cứ yên tâm, chúng em vẫn khỏe, yêu đời, rau xanh mùa mưa tốt lắm chị ạ... Em vẫn đi gác đều! Chị nhớ gửi sách của ông ra cho chúng em đọc nhé!” làm tôi thấy mình luôn luôn mắc nợ những người chiến sĩ! "Nhất định rồi!".

Trường Sơn đại ngàn hôm qua và Trường Sa giữa Biển Đông hôm nay, nơi ấy là Tổ quốc. Tôi nhìn lên ảnh cha trên ban thờ! Vẫn nụ cười rạng ngời tuổi 30, như không hề có cuộc chia ly hơn 40 năm!

Và tôi biết những cánh thư của cha gửi mẹ năm nào đã được nhà xuất bản Quân Đội trân trọng in trong sách “Cha tôi và những cánh thư Trường Sơn” sẽ bay ra Trường Sa.

Và như thế, tôi tin, anh linh cha tôi cùng bao liệt sỹ hy sinh ở Trường Sơn đang trùng phùng nơi đảo nhỏ thân yêu, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ thêm chắc tay súng giữ biển trời của Tổ quốc".

Kim Thanh
(Tổng hợp từ trannhuong.com)