Trường công tự chủ tài chính ở nông thôn, tỉnh lẻ làm tăng gánh nặng cho dân

12/01/2019 07:50
THIÊN ẤN
(GDVN) - Một số nhà giáo bày tỏ lo ngại về gánh nặng học phí đối với phụ huynh ở vùng nông thôn khi thực hiện chuyển sang mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.

LTS: Tổng hợp ý kiến của một số cán bộ quản lý và giáo viên, thầy giáo Thiên Ấn bày tỏ những lo ngại về gánh nặng học phí đối với phụ huynh khi các trường chuyển đổi sang đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đề án chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp công lập sang đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi được chuyển đến các 38 trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh để lấy ý kiến.

Theo đó, mục tiêu chung của đề án là tăng cường khai thác các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và các nguồn thu khác; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Hình minh họa: Truyền hình Bắc Giang.
Hình minh họa: Truyền hình Bắc Giang.

Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, nhu cầu thị trường và trình độ quản lý nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững.

Nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.

Từng bước giảm chi từ ngân sách nhà nước qua từng năm theo lộ trình đối với một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị có thể tăng tỷ lệ tự chủ và đóng góp thêm nguồn thu cho trường.

Đề án này đang nhận được quan tâm lớn của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo ở các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị trường học trong thời gian tới.

Một số ít cán bộ quản lý giáo dục ủng hộ, đồng tình với đề án, bởi lẽ, đơn vị trường được tăng tính tự chủ, không phụ thuộc quá lớn vào ngân sách nhà nước; đời sống, thu nhập của cán bộ, giáo viên và nhân viên có thể khấm khá hơn nếu thầy cô giáo dạy tốt, ban giám hiệu quản lý, quản trị hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn không ít băn khoăn, lo ngại về tính khả thi của đề án này.

Một thầy Hiệu trưởng ở huyện Bình Sơn phân tích: “Hiện nay, hàng tháng, trường tôi phải chi trả lương trên 600 triệu đồng cho hơn 90 cán bộ, giáo viên và nhân viên từ nguồn kinh phí nhà nước.

Trường công tự chủ tài chính ở nông thôn, tỉnh lẻ làm tăng gánh nặng cho dân ảnh 2Tự chủ trong giáo dục tại Việt Nam

Khi trường tôi thực hiện tự chủ tài chính đảm bảo chi thường xuyên (loại 2), nhà nước sẽ cắt giảm hoặc không cấp kinh phí chi thường xuyên nữa thì buộc phải tăng mức đóng học phí và các dịch vụ khác của người học lên.

Bây giờ, một học sinh trường tôi thuộc khu vực nông thôn đóng học phí ở mức 65 ngàn đồng theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Nhưng khi chuyển đổi mô hình, mỗi học sinh phải đóng học phí ở mức trên 1 triệu đồng thì nhà trường mới đủ chi trả lương cho cán bộ, giáo viên và nhân viên.

Học sinh ở đây chủ yếu là diện con em nông dân, vùng thôn quê còn nghèo khổ, đóng học phí trăm ngàn đồng đã thấy khó rồi, nay hoặc vài năm nữa bảo đóng học phí tiền triệu lấy đâu ra.

Không có khả năng đóng học phí, nhiều em sẽ bỏ học.

Do vậy giải quyết được bài toán về tăng học phí để đảm bảo tự chủ chi thường xuyên ở trường tôi nói và nhiều trường khác thuộc tỉnh Quảng Ngãi là vô cùng nan giải, khó khăn…”

Một cô giáo ở Trường Trung học phổ thông Sơn Mỹ, thành phố Quảng Ngãi chia sẻ: “Tiếng là khu vực thành phố (mới nhập vào từ huyện Sơn Tịnh) nhưng điều kiện cuộc sống, kinh tế của đại bộ phận phụ huynh học sinh ở đây còn thiếu thốn lắm.

Học phí tháng có 110.000 đồng mà nhiều em vẫn nộp trễ, xin giáo viên chủ nhiệm để nợ sang tháng sau, vì gia đình không có tiền.

Trường công tự chủ tài chính ở nông thôn, tỉnh lẻ làm tăng gánh nặng cho dân ảnh 3Tự chủ đại học không được giảm cơ hội của người nghèo

Mô hình trường công lập tự chủ về tài chính ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện hàng chục năm nay rồi.

Nhìn chung là khá ổn, thu nhập của giáo viên có tăng lên. Song nơi đó kinh tế phát triển, mặt bằng thu nhập nhân dân cao, học phí có tăng cũng không thành vấn đề quá lớn.

Còn ở tỉnh lẻ như Quảng Ngãi thì mọi chuyện hoàn toàn khác.

Làm không tốt, coi chừng học sinh bỏ học hàng loạt, giáo viên mất việc làm, rối loạn đủ thứ.

Địa phương cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng, kéo giãn thời gian triển khai, thực hiện ra đến 5, 6 năm nữa khi kinh tế, thu nhập của người dân được cải thiện hơn.”

Người viết bài này được biết thêm, trong giai đoạn hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành đầy đủ các hướng dẫn về mô hình của đơn vị sự nghiệp tự chủ, chưa tính giá dịch vụ công có sử dụng ngân sách Nhà nước cũng như định hình những dịch vụ không sử dụng ngân sách.

Chính điều này đang làm khó cho các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc xác lập, định hướng mô hình các dịch vụ sự nghiệp công.

THIÊN ẤN