Trường chuẩn quốc gia của huyện Vĩnh Thuận có phải là là dạng "ốc mượn hồn"

09/07/2019 06:06
Nguyễn Phan
(GDVN) - Thành tích trường đạt chuẩn của huyện này không chỉ dừng ở con số 22/ 33 trường mà tỷ lệ trường chuẩn đã tiếp tục được nâng lên một cách ngoạn mục

Như tin đã đưa, với thành tích là huyện vùng sâu nhưng có tới 22/33 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ chiếm tới 66,67 % trên tổng số.

Thành tích này đã giúp ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận đang dẫn đầu trong lá cờ “trường chuẩn” của tỉnh Kiên Giang.

Quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 06/05/2019 của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận (Tài liệu tác giả cung cấp)
Quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 06/05/2019 của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận (Tài liệu tác giả cung cấp)

Nhưng hiện nay, thành tích trường đạt chuẩn của huyện này không chỉ dừng ở con số 22/ 33 trường mà tỷ lệ trường chuẩn đã tiếp tục được nâng lên một cách ngoạn mục.

Theo đó, ngay trong tâm điểm của vụ việc giả mạo tài liệu giả để níu kéo thành tích 22/33 trường đạt chuẩn của ông Huỳnh Minh Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Vĩnh Thuận.

Ngày 24/6/2019  ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận lại long trọng đón nhận thêm một quyết định mới toanh về việc “công nhận và cấp bằng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia” đối với trường Mẫu giáo Phong Đông, tỷ lệ  được nâng lên tới… 69,69 % (23/33 trường đạt chuẩn).

Cụ thể, xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang tại tờ trình số 1086/TTr-SGDĐT.

Ngày 24/6/2019 , chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 1398/QĐ-UBND  về việc “công nhận và cấp bằng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia” đối với trường Mẫu giáo Phong Đông huyện Vĩnh Thuận.

Được biết, Trường Mẫu giáo Phong Đông là 1 trong 4 trường có tên trong Quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 06/05/2019 về việc thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định kết quả chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia do ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận ký đã bị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận thu hồi, hủy bỏ bằng Quyết định số 1169/QĐ-UBND ngày 7/5/2019.

Trường chuẩn quốc gia của huyện Vĩnh Thuận có phải là là dạng "ốc mượn hồn" ảnh 2
Vì danh hiệu “trường chuẩn quốc gia”, Trưởng phòng giáo dục chấp nhận vi phạm

Tìm hiểu thêm về trường chuẩn quốc gia mới toanh này, chúng tôi thấy có khá nhiều điều thú vị nhưng cũng thật buồn cho cái được gọi là danh hiệu trường chuẩn quốc gia của huyện này.

Báo cáo của nhà trường và báo cáo của Phòng Giáo dục, cái nào là thật?

Theo như báo cáo mới nhất về việc tổng hợp số trường, lớp, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập năm học 2019-2020 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận gửi cho Sở Giáo dục kiên Giang.

Hiện tại, Trường Mẫu giáo Phong Đông có 02 điểm trường, trong đó:

Có 149 cháu/06 lớp học 2 buổi/ ngày. Trẻ từ 03-12 tháng hoặc từ 3 - 4 tuổi có 1 lớp/20 cháu; Trẻ từ 13-24 tháng hoặc từ 4 - 5 tuổi có 49 cháu/02 lớp; Trẻ từ 25-36 tháng hoặc từ 5 - 6 tuổi có 80 cháu/03 lớp.

Số biên chế giáo viên được cấp có thẩm quyền giao năm học 2018-2019: 8 người;

Số biên chế giáo viên có mặt thực tế đến ngày 31/3/2019: 04 người;

Số biên chế giáo viên cần theo định mức: 10 người;

Nhu cầu tăng bổ sung biên chế giáo viên trong năm học 2019-2020  so với biên chế được giao: 02 người;

Thật lạ lùng, bởi theo phần mô tả hiện trạng của báo cáo tự đánh giá, trường Mẫu giáo Phong Đông lại báo cáo như sau:

“Tại thời điểm đánh giá nhà trường có tổng số 8 giáo viên trên 6 lớp, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quy định;

Nhà trường có 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định; có 100% giáo viên được đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên đạt mức khá trở lên.”

Từ đó, chỉ riêng vấn đề cơ cấu nhân sự của trường Mẫu giáo Phong Đông như báo cáo của Phòng Giáo dục báo cáo cho Sở Giáo dục nói trên, thì câu nói: "ốc mượn hồn" đối với một số trường chuẩn quốc gia của địa phương này dường như hoàn toàn đúng và đủ.

Làm trái văn bản quy phạm pháp luật có phải là truyền thống của ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận?

Ngày 22/8/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non (gọi tắt là Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT)

Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT là Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2018.

Trường chuẩn quốc gia của huyện Vĩnh Thuận có phải là là dạng "ốc mượn hồn" ảnh 3
Dấu hỏi lớn cho 22 trường đạt chuẩn quốc gia ở Vĩnh Thuận

Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục và quy trình công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non được thực hiện theo các bước:

(1). Tự đánh giá; (2). Đánh giá ngoài; (3). Công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia khi đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 quy định tại Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT và có kết quả đánh giá ngoài đạt từ Mức 2 trở lên.

Nhưng, lạ thay, nếu như so sánh số liệu trong báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận gửi cho Sở Giáo dục kiên Giang (gửi ngày 3/7/2019) với Điều 8, Tiêu chuẩn 2 của Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT thì trường Mẫu giáo Phong Đông không thể được công nhận đạt mức độ 1 thì lấy đâu ra việc đạt được chuẩn quốc gia (?)

Trường Mẫu giáo Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận đủ điều kiện để công nhận trường chuẩn quốc gia không?

Khoản 2, Điều 8, Tiêu chuẩn 2 Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐTquy định chuẩn Đối với đội ngũ giáo viên:

“Có đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo quy định”

Vậy, thế  nào là đội ngũ giáo viên “ đủ về số lượng” ?

Khoản 3, Điều 5 Thông tư liên tịch Số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 03 năm 2015 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ; nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập quy Định mức số lượng người làm việc đối với giáo viên mầm non như sau :

-  Đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: Bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp;

-  Đối với lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày: Bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp.

Như vậy, nếu trường Mẫu giáo Phong Đông có đủ 8 giáo viên như báo cáo tự đánh giá của trường thì chỉ đáp ứng được tỉ lệ giáo viên đủ để dạy 1 buổi/ ngày vì chỉ đạt 1,33 giáo viên/ lớp (?)

Tỷ lệ giáo viên như trên không đủ điều kiện dạy 2 buổi/ ngày nên không thể đánh giá được phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn (?)

Nếu tại thời điểm báo cáo, trường Mẫu giáo Phong Đông chỉ có 4 giáo viên (báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận gửi cho Sở Giáo dục kiên Giang thì chỉ đạt 0,66 giáo viên/ lớp (!)

Vậy tại sao, động cơ nào để ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận quyết tâm ngang nhiên lừa dối các cấp có thẩm quyền, lừa dối nhân dân để đề nghị được công nhận mức 2 đối với công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia (?)

Quả là một sự nhạo báng pháp chế kinh điển.

Từ đó, việc xem xét lại Quyết định số 1398/QĐ-UBND  về việc “công nhận và cấp bằng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia” đối với trường Mẫu giáo Phong Đông huyện Vĩnh Thuận là một việc làm rất cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền.

Việc làm này phải cấp thiết để trấn an dư luận và trả lại sự trong sạch đúng nghĩa cho ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận, trả lại niềm tin cho các thế hệ nhà giáo đang ngày đêm tâm huyết cống hiến cho ngành giáo dục của huyện này.

Nguyễn Phan