“Trước khi hành động thì luôn phải nghĩ đến tình huống xấu nhất”

17/10/2015 14:32
Ngọc Bích
(GDVN) - Đó là lời khuyên của TS. Lê Thẩm Dương gửi tới thế hệ trẻ hiện nay, hoàn toàn không được đưa ra kết luận theo cảm xúc.

Tại cuộc hội thảo giữa TS. Lê Thẩm Dương (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) và các bạn sinh viên về chủ đề “Học từ thất bại” diễn ra vào chiều ngày 16/10 đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia đặc biệt là tân sinh viên. 

Thành công và thất bại là hai khía cạnh đối lập nhau nhưng chúng lại luôn tồn tại song hành với nhau. Biết vươn lên sau thất bại chính là sự thành công, còn sau thành công luôn tiềm ẩn một thất bại.

Thất bại là gì?

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có một mục đích sống. Cuộc sống vốn dĩ không tồn tại sự công bằng nên chắc chắn sẽ có kẻ thắng người thua. Nhưng điều quan trọng người thắng họ có được vinh quang thì người thua sẽ phải học được kinh nghiệm và rút ra bài học. Vấp ngã để rồi đứng lên đó mới thực sự là chiến thắng. 

Để chạm tới mục đích của bản thân thì bạn phải trải qua rất nhiều chông gai, khó khăn, thử thách, những lần vấp ngã thậm chí là cả những cạm bẫy. Nhưng quan trọng là chúng ta có đứng lên từ những lần thất bại đó hay không?

“Vinh quang lớn nhất đời người không phải là không bao giờ vấp ngã, mà là biết đứng dậy sau những lần vấp ngã". (Ảnh: thanhnien.com.vn)
“Vinh quang lớn nhất đời người không phải là không bao giờ vấp ngã, mà là biết đứng dậy sau những lần vấp ngã". (Ảnh: thanhnien.com.vn)

Riêng đối với thế hệ trẻ, mỗi ngày đang phải đối mặt 24 tiếng với: ước mơ, say mê, khát vọng, yêu, ăn, nhậu, học… và đặc biệt là đối mặt với chính bản thân mình.

Theo TS. Lê Thẩm Dương, khi đối mặt với những điều này sẽ khiến bạn gặp những trở ngại, sai lầm. Nhưng khái niệm “thất bại” chỉ xuất hiện nếu gục ngã mà bản thân nằm nguyên tại chỗ, buông xuôi mọi việc. 

Cú vấp ngã đó là những trở ngại mà buộc mỗi người cần vượt qua. Chúng ta có thể ngã gục, mất hết ý chí nhưng đó chưa phải là kết quả cuối cùng.

Còn nếu xem cái vấp ngã đó là bài học, là một ông thầy để đứng dậy đi tiếp vững vàng hơn thì con người đó không có thất bại. Chính vì vậy với người này thì có khái niệm thất bại nhưng với người kia thì không có. 
 
Rất nhiều người không bắt tay hành động do lo sợ thất bại. Ngược lại, những người thành đạt nhận ra rằng thất bại chính là một phần quan trọng trong quá trình học hỏi. Bởi họ hiểu rằng thất bại chỉ là cách chúng ta học hỏi qua phương pháp thử và sai. 

Mối quan hệ giữa thất bại và thành công

Những người biết đứng dậy, biết vươn lên trong cuộc sống và khắc phục những trở ngại thì họ sẽ trân trọng mọi thứ hơn. Chính thất bại mà họ phải trải qua là bài học kinh nghiệm quý báu giúp cho bạn không để bản thân mình bị cám dỗ và vấp ngã. Thất bại sẽ dẫn đến tình trạng buông xuôi, bỏ bê, phó mặc cho số phận. Điều này thật đáng trách?

Ví như, các bạn trẻ hiện nay sau khi chia tay một mối tình đặc biệt là các bạn nữ cảm thấy chán nản, không còn niềm tin vào những người con trai khác thậm chí tìm đến cái chết…

TS. Lê Thẩm Dương cũng nhắc nhở chúng ta rằng, nếu bạn gặp trở ngại, khó khăn, sai lầm thì phải lấy dũng khí để cố gắng để dành lấy thành công. Khi thành công rồi thì cần phải tiếp tục cố gắng để có những thành công lớn hơn. 

Bởi  thái độ sống sẽ quyết định rất nhiều đến tâm trạng của mỗi chúng ta trong cuộc sống. Đừng mãi chìm đắm trong nỗi buồn thất bại, cũng đừng sợ người khác cho rằng bạn là người kém cỏi. Hãy cho họ thấy rằng thành công của bạn chỉ là muộn hơn một chút mà thôi.

Điều quan trọng nhất mà thế hệ trẻ hiện nay cần phải tuân theo để giảm thiểu vấp ngã thì mọi việc đều phải làm theo đúng quy trình nhất định, không được đi tắt ngang, không được đưa ra kết luận theo cảm xúc. 

“Trước khi hành động thì luôn phải nghĩ đến tình huống xấu nhất”  ảnh 2

Hãy nhìn thất bại như một bài học kinh nghiệm

(GDVN) - Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa cho rằng: Mỗi bài học thất bại sẽ tạo thành một cơ hội để bản thân học hỏi, cải thiện, tạo thành công trong tương lai

Và trước khi hành động thì luôn phải nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra để có biện pháp dự phòng, phải biết kiểm soát hành vi, kiểm soát chính bản thân mình.

Chỉ có như vậy thì mỗi chúng ta sẽ không còn sốc trước rủi ro ví dụ: thi đạt điểm kém, kinh doanh thua lỗ, ….

Cùng quan điểm với TS. Lê Thẩm Dương, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa (Bhutan) trong buổi tọa đàm về chủ đề “Doanh nhân và Hạnh phúc” vào ngày 13/10 tại TP.HCM, Ngài cho rằng mỗi chúng ta hãy nhìn thất bại như một bài học kinh nghiệm để tích lũy trí tuệ.

Khi đó mỗi bài học thất bại sẽ tạo thành một cơ hội để bản thân học hỏi, cải thiện, tạo thành công trong tương lai. 

Ngọc Bích