Trung tướng Đặng Quân Thụy: “Chúng ta đã mất bao nhiêu xương máu từ đời ông cha”

05/01/2016 13:49
Ngọc Quang
(GDVN) - Trung tướng Đặng Quân Thụy – nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội các khóa tiếp theo cần phải tiếp tục quan tâm sâu sắc tới biển đảo của tổ quốc.

Tại buổi gặp mặt các thế hệ Đại biểu Quốc hội các nhiệm kỳ sáng 5/1, Trung tướng Đặng Quân Thụy – nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban An ninh – Quốc phòng của Quốc hội đã bày tỏ tâm tư mà ông luôn mang trong lòng nhiều năm qua.

Năm nay 88 tuổi, dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng Trung tướng Đặng Quân Thụy vẫn luôn quan tâm, theo dõi sát sao các sự kiện lớn của đất nước.

Nhớ về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, Trung tướng Đặng Quân Thụy xúc động chia sẻ: “Tôi nhớ lúc ấy tất cả mọi người dân đều có chung một suy nghĩ, đó là nước Việt Nam phải là một nước độc lập, phải thống nhất và phải dân chủ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ thì chúng ta phải chuẩn bị giải phóng miền Nam và tư tưởng ấy tiếp tục cổ vũ từng người dân, từng anh em chiến sĩ, thấm nhuần trong cuộc sống, khích lệ toàn dân phải thống nhất nước nhà.

Rồi chúng ta đâu chỉ có chiến tranh 30 năm chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ mà chúng ta còn có cả những cuộc chiến tranh biên giới phía Nam, phía Bắc. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, tư tưởng thống nhất, độc lập, dân chủ mà Bác Hồ, Đảng ta đã lựa chọn đều rất đúng với nguyện vọng của nhân dân”.

Trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tình hình biển đảo rất phức tạp và Quốc hội cần coi đây là sự quan tâm hàng đầu. ảnh: Ngọc Quang
Trung tướng Đặng Quân Thụy - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tình hình biển đảo rất phức tạp và Quốc hội cần coi đây là sự quan tâm hàng đầu. ảnh: Ngọc Quang

Đề cập tới vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Trung tướng Đặng Quân Thụy chia sẻ: “Quốc hội khóa 9 đã có đông đảo đoàn đại biểu đi ra Trường Sa. Lúc đó, chúng ta đã đặt ra vấn đề quan tâm tới vấn đề biển đảo. Sau đó, chúng ta gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc về biển. Đó là quyết định rất sáng suốt, để bây giờ chúng ta có cơ sở đấu tranh trên quốc tế về chủ quyền biển đảo”.

Trung tướng Đặng Quân Thụy: “Chúng ta đã mất bao nhiêu xương máu từ đời ông cha” ảnh 2

"Luật pháp của các ông kỳ thật, tôi có mỗi một cái đầu đã bị chém"

Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc thời gian vừa qua, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Trung tướng Đặng Quân Thụy chỉ rõ: “Tình hình biển đảo bây giờ rất phức tạp, người ta làm đảo nhân tạo, và mới đây thử sân bay rồi.

Vì vậy, tôi cho rằng muốn gì thì vấn đề biển đảo phải được quan tâm hàng đầu của Quốc hội.

Chúng ta đã mất bao nhiêu xương máu ở biên giới, rồi tới biển đảo chúng ta cũng mất bao nhiêu xương máu từ đời ông cha.

Ở thế hệ chúng ta, tôi đề nghị Quốc hội các khóa 14, 15, 16 và tiếp theo phải quan tâm tới vấn đề biển đảo. Tôi đề nghị quan tâm tới vấn đề hết sức thiêng liêng của tổ quốc là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn chủ quyền biển đảo của tổ quốc".

Quốc hội đang thể hiện tốt vai trò giám sát

Tại buổi gặp mặt, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu chia sẻ: "Trong tình khó khăn của những năm đầu khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng Hòa, như vậy nhưng Bác Hồ và Đảng ta cực kỳ sáng suốt, quan tâm chắt lọc tinh hoa của nhân loại về thể chế chính trị.

Cho nên mặc dù nhiều nước, kể cả nhiều nước phương Tây không thực hiện đầy đủ quyền bầu cử vào những năm đó thì ở Việt Nam thể hiện rõ quyền của người dân.

Lúc đó, kinh tế của nước ta vô cùng khó khăn, phải đấu tranh với cả Pháp và Nhật, nhưng ý thức chính trị của dân ta thì tuyệt vời, mặc dù phần lớn chưa biết chữ".

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Nguyễn Văn Yểu nhận định, công tác lập pháp của Quốc hội đã có những bước tiến dài. ảnh: Ngọc Quang.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Nguyễn Văn Yểu nhận định, công tác lập pháp của Quốc hội đã có những bước tiến dài. ảnh: Ngọc Quang.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Yểu, trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Quốc hội Việt Nam đã có những bước đổi mới rất nhanh, rất dài, hết sức đúng với thực tiễn Việt Nam, chứ không phải cóp nhặt, sao chép.

“Đến khóa XIII, về mặt thể chế chính trị nói chung đã có những bước tiến dài phù hợp với tình hình của đất nước.

Qua 4 bản hiến pháp, đến năm 2013 chúng ta hoàn thiện bản Hiến pháp thứ 5, cho thấy thể chế của chúng ta đã có một bước tiến dài; tất nhiên so với thực tế yêu cầu thì còn nhiều mặt phải tiếp tục phấn đấu.

Trong sự thành công ấy, Quốc hội chúng ta đã có đóng góp một phần rất quan trọng nhằm mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân do dân và vì dân.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã từng bước đổi mới rất mạnh mẽ, xây dựng luật pháp ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn”, ông Yểu bày tỏ.

Với tư cách là Đại biểu Quốc hội khóa 9, 10, 11 và suy nghĩ của người chuyên nghiên cứu về pháp luật, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc hội còn phải tiếp tục đổi mới cả về giám sát tối cao, các vấn đề quan trọng của đất nước.

Ông Yểu cho hay: “Chúng ta còn khá nhiều vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện. Luật của chúng ta hiện nay còn chưa chi tiết nên khá nhiều vấn đề Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành.

Thậm chí có những vấn đề Nghị định còn giao cho các Bộ ra thông tư buộc dân phải theo, doanh nghiệp phải theo. Tôi nghĩ là luật của chúng ta phải làm thế nào cho đủ, nhưng đủ một cách cụ thể”.

Cuối cùng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Quốc hội khóa XIII đã thay đổi rất mạnh trong công tác giám sát và chất vấn tại các phiên họp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Yểu bày tỏ: “Liên quan tới các vấn đề quan trọng của đất nước, đại bộ phận các nước phương tây nắm ngân sách nhà nước.

Tôi dùng từ nắm không phải chỉ là chi mà lên dự toán cũng phải có vai trò của Quốc hội. Tức là Quốc hội chúng ta phải đi sâu hơn nữa vào việc nắm ngân sách, quyết ngân sách, từ đó sẽ giám sát tốt việc quản lý đất nước đối với các ngành”.

Ngọc Quang