Trung Quốc không muốn mất Ấn Độ, New Delhi cảnh giác với Bắc Kinh

16/09/2014 09:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Quan chức Ấn Độ có xu hướng hoài nghi khi xem xét những giao dịch với Bắc Kinh và coi các doanh nghiệp Trung Quốc là mặt trận của hoạt động gián điệp.
Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Nhật báo Phố Wall ngày 15/9 đưa tin, Trung Quốc dự kiến sẽ cam kết đầu tư hàng tỉ USD cho Ấn Độ trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình tuần này nếu Bắc Kinh đạt được ảnh hưởng với New Delhi trong bối cảnh cán cân quyền lực châu Á thay đổi liên tục.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ kéo dài 3 ngày, ông Bình sẽ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đặt nền tảng cho một làn sóng tiền Trung Quốc đổ vào xây dựng các khu công nghiệp và đường sắt cao tốc tại Ấn Độ.

Động thái Bắc Kinh rót tiền đầu tư sang Ấn Độ phản ánh nỗi sợ hãi rằng New Delhi có thể nghiêng quá xa về phía đối thủ của Trung Quốc, cụ thể là Nhật Bản và Mỹ, cả 2 đều đang "tán tỉnh" chính phủ mới tại Ấn Độ.

Prasad Kanti Bajpai, giáo sư nghiên cứ châu Á từ đại học Quốc gia Singapore bình luận: Trung Quốc không muốn để tuột mất Ấn Độ, họ thấy cả 2, một cơ hội làm ăn kinh tế và khuyến khích Ấn Độ tham gia vào nền địa chính trị khu vực trong thời điểm này.

Trong khi đó Ấn Độ vẫn tỏ ra cảnh giác trước Trung Quốc. 2 nước đã từng nổ ra chiến tranh biên giới năm 1962 và khu vực biên giới dãy Himalaya này vẫn đang là tâm điểm tranh chấp. Năm ngoái Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đã phái quân xâm lấn sâu vào lãnh thổ nước này.

Tuy nhiên đồng thời New Delhi cũng cần tiền để thực hiện các mục tiêu của ông Modi nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước, xây dựng các cơ sở sản xuất và làm cho quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này trở nên thịnh vượng hơn.

Tranh chấp biên giới vẫn là điểm nóng lớn nhất trong quan hệ Trung - Ấn.
Tranh chấp biên giới vẫn là điểm nóng lớn nhất trong quan hệ Trung - Ấn.

Còn bây giờ Narendra Modi dường như tập trung vào việc thu thập những gì có thể mang lại lợi ích cho New Delhi từ cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Ông không chống lại tiến trình này để có được những phần thưởng ngọt ngào cho Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ có mối quan hệ cá nhân khá gần gũi thân thiết với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong một chuyến thăm gần đây, 2 ông đã chào nhau bằng một cái ôm, nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và tuyên bố sẽ xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược để định hình châu Á thế kỷ 21.

Tại Tokyo ông Modi không ngại khiến Bắc Kinh khó chịu khi chỉ trích Trung Quốc "bành trướng, xâm lấn lãnh thổ, xâm nhập các vùng biển của nước khác". Thủ tướng Ấn Độ trở về từ Tokyo với một lời hứa đầu tư 35 tỉ USD trong vòng 5 năm.

Ông Modi cũng được lên kế hoạch ăn trưa tại Washington với Tổng thống Mỹ Barack Obama và thảo luận về quốc phòng, năng lượng, làm sâu sắc thêm mối quna hệ Mỹ - Ấn.

Ấn Độ đã tham gia tập trận hải quân với Mỹ, Nhật Bản, đồng thời tăng cường quan hệ với các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Ấn Độ và Việt Nam đã đồng ý mở rộng hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên vùng biển Việt Nam ở Biển Đông, bất chấp cản trở (vô lý, phi pháp) từ phía Trung Quốc".

Về những thách thức chưa được giải quyết mà Ấn Độ và Trung Quốc đang phải đối mặt, chính quyền Ấn Độ hôm Thứ Hai cho biết dân thường và binh lính Trung Quốc đã cản trở Ấn Độ xây dựng một con kênh ở Ladakh khu vực dãy Himalaya.

Ấn Độ có thể để Trung Quốc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, nhưng sẽ không sử dụng hệ thống tín hiệu Trung Quốc.
Ấn Độ có thể để Trung Quốc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, nhưng sẽ không sử dụng hệ thống tín hiệu Trung Quốc.

Simrandeep, một quan chức địa phương cho biết 50 binh lính và 120 dân thường Trung Quốc đã căng biểu ngữ phản đối, phía Ấn Độ đã tạm dừng thi công vì không muốn gia tăng căng thẳng. Lo lắng này đã ảnh hưởng tới các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ.

Các quan chức Ấn Độ có xu hướng hoài nghi khi xem xét những giao dịch với Bắc Kinh và coi các doanh nghiệp Trung Quốc là mặt trận của hoạt động gián điệp. Ngay cả việc Bắc Kinh bỏ cả đống tiền đầu tư vào đường sắt cao tốc tại Ấn Độ, New Delhi vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.

Ấn Độ có thể chấp nhân tàu cao tốc của Trung Quốc, nhưng sẽ không có chuyện sử dụng hệ thống tín hiệu đường sắt do Trung Quốc chế tạo. "Chúng ta nên vạch giới hạn đỏ rõ ràng như những lĩnh vực nào Trung Quốc có thể vào và những lĩnh vực nào thì không thể", Javadeva Ranade, Chủ tịch Trung tâm phân tích và chiến lược New Delhi cho biết.

New Delhi đang tiến hành đồng thời việc mở cửa cho tiền Trung Quốc tiến sát hơn quỹ đạo kinh tế của mình, đồng thời thúc đẩy chuẩn bị về quân sự và quan hệ đối tác chiến lược để đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn ĐỘ với tổng kim ngạch thương mại song phương ước tính khoảng 66 tỉ USD, nhưng hầu hết đó là giá trị kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc bao gồm điện và thiết bị viễn thông. Ấn Độ chủ yếu xuất nguyên liệu sang Trung Quốc.

Tập Cận Bình sẽ công bố khoản đầu tư 5 tỉ USD vào 2 khu công nghiệp tại Ấn Độ, một ở tiểu bang Gujarat quê hương ông Modi và một ở bang lân cận Maharashtra. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, trong chuyến thăm này của ông Bình quan hệ Ấn - Trung có thể sẽ có một sự đổi hướng. "Mặc dù là láng giềng, chúng tôi đã không thể tiến lên phía trước trong một số cơ hội."

Giáo sư Baipai từ đại học Quốc gia Singapore bình luận: Ông Modi sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, nhưng ông cũng sẽ thẳng thắn và mạnh mẽ hơn về sự khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Hồng Thủy