Trung Quốc không hài lòng cục diện Biển Đông, tích lũy khả năng thay đổi

16/02/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc liên tục tăng chi tiêu cho quân sự nhưng thiếu minh bạch, đồng thời lại luôn đi kèm các hành động hung hăng, từ chối tham gia các cuộc đối thoại.
Tàu hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh lao về phía tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan 981 hạ đặt trái phép rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Tàu hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh lao về phía tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan 981 hạ đặt trái phép rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Tờ The Epoch Times của người Hoa hải ngoại ngày 16/2 bình luận, một nghiên cứu do Viện Lowy ở Sydney tiến hành cho thấy người Úc có mối quan tâm cơ bản về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. 56% người Úc được hỏi cho rằng, chính phủ của họ đã cho phép quá nhiều đầu tư vào Trung Quốc. Gần một nửa dân số Úc cũng tin rằng Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa quân sự với Úc trong vòng 20 năm tới.

Mối quan tâm của người Úc với Trung Quốc không phải không có cơ sở, nghiên cứu của các tổ chức và chuyên gia quốc phòng đã chỉ ra một số lý do người Úc cần phải lo ngại trước Bắc Kinh. Đầu tiên là chiến lược quân sự phát triển mạnh mẽ nhưng mờ ám. Trung Quốc liên tục tăng chi tiêu cho quân sự nhưng thiếu minh bạch, đồng thời lại luôn đi kèm các hành động hung hăng, từ chối tham gia các cuộc đối thoại gây ra lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang ở Bắc Á.

Théo giáo sư Des Ball từ đại học Quốc gia Úc, lo ngại quân sự cụ thể từ Trung Quốc bao gồm: Gây tổn hại bằng tình báo mạng, tấn công mạng, tăng số lượng vệ tinh tình báo quân sự, phát trển tàu quân sự mang tên lửa tầm xa, máy bay quân sự thế hệ mới...

Lý do thứ hai về mặt đối nội, mặc dù ông Tập Cận Bình đang nỗ lực thực hiện chiến lược truy quét tham nhũng, nhưng vẫn nạn này vẫn tiếp tục hành hoành ở cả cấp trung ương lẫn địa phương. Trung Quốc sử dụng pháp luật "phù hợp với lợi ích riêng của bộ máy cầm quyền", những đề xuất thay đổi phù hợp không được chấp nhận.

Về mặt đối ngoại, Bắc Kinh "xuất khẩu quan điểm" cho cộng đồng người Hoa ở hải ngoại. Một nghiên cứu do tiến sĩ John Fitzgerald tiến hành năm ngoái từ đại học Swinburne ở Melbourne phát hiện ra rằng, phần lớn các tờ báo tiếng Hoa ở Úc hoặc thuộc quyền sở hữu hoặc nằm dưới sự ảnh hưởng chỉ đạo nội dung từ Trung Nam Hải.

Tiếng Hán được giảng dạy, theo dõi, tổ chức tại Úc giống như giảng dạy tại Bắc Kinh. Sinh viên ngôn ngữ của Úc cũng có thể gặp phải các vấn đề tuyên truyền của Bắc Kinh thông qua hệ thống viện Khổng Tử gây tranh cãi.

Đặc biệt về mặt lãnh thổ, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (vô lý và phi pháp) với gần như toàn bộ Biển Đông và thực hiện các hành vi khiêu khích, bành trướng ở cả Hoa Đông lẫn Biển Đông. Bắc Kinh đã lựa chọn đối đầu với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Những hành động khiêu khích này càng làm nâng cao mối quan tâm về sự ổn định của khu vực, chính quyền Trung Quốc đang có ý định trở thành một sức mạnh vượt trội trong khu vực. Bắc Kinh không hài lòng với tình trạng hiện tại trên Biển Đông và đang tích lũy dần dần khả năng thay đổi tình thế có lợi cho mình, nhà phân tích Mỹ Bonnie Glaser viết cho Viện Lowy.

Hồng Thủy