TQ gia tăng yêu sách lãnh thổ vì có tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông?

27/10/2014 09:39
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở Biển Đông, dấu hiệu là Trung Quốc gia tăng yêu sách lãnh thổ và ngăn chặn Mỹ do thám...
Tháng 9 năm 2014, tàu ngầm thông thường Type 039 Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở cảng Colombo, Sri Lanka
Tháng 9 năm 2014, tàu ngầm thông thường Type 039 Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở cảng Colombo, Sri Lanka

Tờ "Nhật báo Phố Wall" Mỹ ngày 24 tháng 10 cho rằng, trải qua 40 năm nỗ lực, Trung Quốc dựa vào tàu ngầm hạt nhân tuần tra ở vùng biển quốc tế, cuối cùng đã gia nhập câu lạc bộ các nước ưu tú.

Sự lớn mạnh không ngừng của hạm đội tàu ngầm không chỉ sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, mà sẽ còn tăng cường năng lực kiên trì yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp của nước này cũng như ngăn chặn Mỹ can thiệp.

Liên tiếp đi xa

Theo bài báo, tháng 12 năm 2013, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bất ngờ tiết lộ với vài tùy viên quân sự nước ngoài, cho biết, một chiếc tàu ngầm động cơ hạt nhân của Trung Quốc sẽ nhanh chóng đi qua eo biển Malacca.

Hai ngày sau, một chiếc tàu ngầm tấn công của Trung Quốc (tàu ngầm chuyên dùng để tìm kiếm và tiêu diệt tàu đối phương) lặng lẽ đi qua eo biển Malacca và lập tức mất dạng. Có nguồn tin tin cậy cho biết, chiếc tàu ngầm này nổi lên mặt nước ở khu vực lân cận Sri Lanka, sau đó lại xuất hiện ở vịnh Ba Tư, vào tháng 2 năm 2014 quay trở lại eo biển Malacca và về nước. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ Dương.

Bài viết cho rằng, động thái này đã phát đi một tín hiệu rõ ràng: Sau khi trải qua 40 năm nỗ lực, Trung Quốc dựa vào tàu ngầm có thể tuần tra ở vùng biển quốc tế, cuối cùng đã gia nhập câu lạc bộ các nước ưu tú. Tháng 9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiếp tục gặp gỡ các tùy viên quân sự ở Trung Quốc và thông báo một chiếc tàu ngầm động cơ diesel-diện của họ đã được điều tới Ấn Độ Dương, giữa đường đã cập cảng Colombo của Sri Lanka.

Tàu ngầm thông thường lớp Tống Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường lớp Tống Hải quân Trung Quốc

Lực lượng tàu ngầm hoạt động ngày càng mạnh và tích cực của Trung Quốc đánh dấu nước lớn trỗi dậy này đến nay tạo ra thách thức quân sự nghiêm trọng nhất đối với khu vực. Sự lớn mạnh không ngừng của hạm đội tàu ngầm sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, cũng sẽ tăng cường năng lực kiên trì yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp) của nước này và ngăn chặn Mỹ can thiệp.

Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ cho rằng, dự kiến Trung Quốc năm 2014 sẽ vượt qua một cột mốc khác, lần đầu tiên triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo lắp đầu đạn hạt nhân trên đại dương. Những tàu ngầm tên lửa đạn đạo này có tầm bắn rộng, có thể bắn tên lửa từ Đông Á tới Hawaii và Alaska, cũng có thể bắn tới đại lục Mỹ từ giữa Thái Bình Dương.

Những năm gần đây, sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc được dư luận quan tâm, bao gồm sự xuất hiện của tàu sân bay đầu tiên và máy bay chiến đấu tàng hình. Nhưng, tàu ngầm là vũ khí mạnh mẽ hơn về chiến lược: một chiếc tàu ngầm có thể mở rộng sức mạnh tới khu vực cách xa Trung Quốc, chỉ cần nó hiện diện là có thể đe dọa, uy hiếp các nước khác.

Washington cho rằng, chiến lược mới đang hình thành của Trung Quốc là ngăn cản Mỹ can thiệp các cuộc xung đột giữa Trung Quốc với Nhật Bản hoặc Philippines, trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân đặc biệt quan trọng đối với chiến lược này. Nhật Bản và Philippines đều là đồng minh của Mỹ, đều tồn tại "tranh chấp lãnh thổ" với Trung Quốc.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc

Vẫn có khoảng cách không nhỏ với Mỹ

Một số chuyên gia quân sự hải quân cho rằng, Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân có thể trở thành màn dạo đầu của cuộc chạy đua dưới đáy biển ở châu Á. Cuộc chạy đua này sẽ giống như đối đầu đáy biển giữa tàu ngầm Mỹ và Liên Xô cũ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Cùng với sức mạnh dưới nước của Trung Quốc được tăng cường, Mỹ và đồng minh cũng đang tăng cường sức mạnh tàu ngầm và chống tàu ngầm ở châu Á để chống lại Trung Quốc.

Trung-Mỹ đều không hy vọng cục diện Chiến tranh Lạnh tái diễn. Kinh tế hai nước lệ thuộc lẫn nhau nghiêm trọng, hơn nữa đến nay Trung Quốc - nước có "ý thức thị trường" - vừa không theo đuổi cách mạng toàn cầu, vừa không tìm kiếm "ngang hàng" với Mỹ về quân sự (?). Quan chức Trung Quốc cho biết, tàu ngầm Trung Quốc sẽ không tạo ra mối đe dọa đối với các nước khác, chúng là một phần của kế hoạch bảo vệ "lãnh thổ" và lợi ích toàn cầu không ngừng mở rộng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đã điều rất nhiều tàu ngầm đến châu Á. Sĩ quan chỉ huy Hải quân Mỹ cho biết, 60% lực lượng tàu ngầm của Mỹ triển khai ở Thái Bình Dương. Họ cho biết, Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân thứ 4 ở Guam vào năm 2015.

Từ tháng 12 năm 2013 đến nay, Mỹ đã triển khai 6 máy bay săn ngầm P-8 mới ở Okinawa, Nhật Bản. Mỹ cũng đã đổi mới một hệ thống nghe lén dưới nước từng chuyên dùng để theo dõi tàu ngầm Liên Xô, hơn nữa còn đang kiểm tra các công nghệ mới như máy bay không người lái dưới nước, để tìm kiếm tàu ngầm Trung Quốc.

Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-8A Poseidon Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-8A Poseidon Hải quân Mỹ

Một số nước xung quanh trong đó có Australia cho biết, họ có kế hoạch mở rộng hoặc nâng cấp lực lượng tàu ngầm và chống tàu ngầm. Từ tháng 12 năm 2013 đến nay, Việt Nam - nước có "tranh chấp lãnh thổ" với Trung Quốc - đã đưa vào hoạt động 2 chiếc trong số 6 chiếc tàu ngầm tấn công mà Việt Nam đặt mua của Nga.

Tư lệnh lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương Mỹ, Thiếu tướng Phillip Sawyer cho rằng, hiện nay số lượng tàu ngầm triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã vượt xa thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ông nói: "Một trong những vấn đề làm tôi thực sự lo ngại nhất là an toàn của tàu ngầm. Tàu ngầm triển khai ở một vùng biển càng nhiều, khả năng va chạm giữa chúng càng lớn".

Tháng 10 năm 2013, ở một căn cứ tàu ngầm, Trung Quốc đã tổ chức hoạt động ngày mở cửa chưa từng có cho giới truyền thông, chính thức giới thiệu với bên ngoài về lực lượng tàu ngầm hạt nhân của họ. Lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có khoảng cách không nhỏ so với Mỹ, Mỹ hiện có 14 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo và 55 tàu ngầm hạt nhân tấn công.

Sự lo ngại của Mỹ là, bị ảnh hưởng bởi thắt chặt tài chính, đến năm 2028 số lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ sẽ giảm xuống 41 chiếc.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Hải quân Mỹ

Phillip Sawyer cho rằng, mấy năm qua, tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất, hoạt động định kỳ ở vùng biển Philippines, hơn nữa bắt đầu tuần tra không gián đoạn cả năm. Ông cho rằng, chọc thủng chuỗi đảo thứ hai sẽ là một bước đi tiếp theo hợp logic.

Phillip Sawyer không muốn tiết lộ Trung Quốc phải chăng từng điều tàu ngầm đến các khu vực như Hawaii. Nhưng ông cho rằng, tháng 12 năm 2013, tàu ngầm Trung Quốc đến tận Ấn Độ Dương đã chứng minh nó có "khả năng" làm như vậy và "khả năng chạy liên tục". Xâm nhập Ấn Độ Dương khi đó là một chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Thương. Chuyên gia Hải quân cho rằng, đây là một loại tàu ngầm lắp ngư lôi và tên lửa hành trình hạ thủy sớm nhất vào năm 2002.

Điểm yếu tiếng ồn vẫn chưa được giải quyết

Tuy nhiên, hai lần hoạt động gần đây của tàu ngầm cũng bộc lộ một điểm yếu của Trung Quốc. Tàu ngầm Trung Quốc phải đi qua eo biển hẹp, xâm nhập Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương. Những trở ngại này - bao gồm các eo biển như Malacca, Sunda, Lombok, Luzon, Miyako - đều tương đối dễ dàng giám sát hoặc phong tỏa. Hơn nữa, năng lực chống tàu ngầm của Trung Quốc vẫn tương đối yếu. Sĩ quan Hải quân Mỹ cho biết, tàu ngầm Mỹ thậm chí có thể bám theo tàu ngầm Trung Quốc ở khu vực bờ biển Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo Cự Lang-2 của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo Cự Lang-2 của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc

Trung Quốc còn chưa cho biết lúc nào bắt đầu tiến hành tuần tra tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo. Nhưng, sĩ quan hải quân phương Tây cho rằng, động thái giới thiệu lực lượng tàu ngầm hạt nhân vào tháng 10 năm 2013 của Trung Quốc cho thấy, tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn Trung Quốc và tên lửa Cự Lang-2 của nó đã chuẩn bị bố trí xong.

Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ cho rằng, tên lửa Cự Lang-2 của Trung Quốc có tầm bắn khoảng 4.600 dặm Anh (khoảng 7.400 km), đủ để từ Đông Á có thể tấn công bờ biển phía tây nước Mỹ. Nếu muốn tấn công nhiều mục tiêu hơn trên lãnh thổ Mỹ, tàu ngầm sẽ phải có năng lực mai phục ở toàn bộ vùng biển Thái Bình Dương.

Nhưng sĩ quan Mỹ và các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc không thể đi qua rất nhiều eo biển mà không bị phát hiện. Chuyên gia tên lửa Ngô Nhật Cường, người nghiên cứu về chiến lược hạt nhân của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, tàu ngầm lớp Tấn có tiếng ồn quá lớn, có thể chỉ có trình độ như Liên Xô trong giai đoạn 1970 - 1980.

Trong giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã từng xây dựng mạng lưới máy khuếch đại âm thanh dưới đáy biển để tiến hành nghe lén các tuyến đường giao thông quan trọng đi qua Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Những năm gần đây, Mỹ đã đổi mới một số bộ phận của mạng lưới được gọi là "hệ thống giám sát âm thanh" này, đồng thời tìm cách có được số liệu nghe lén từ các nước châu Á.

Đồng thời, một số chuyên gia hải quân Trung Quốc và phương Tây cho rằng, Trung Quốc cũng đang cố gắng tìm cách mô phỏng "hệ thống giám sát âm thanh”. Căn cứ vào thông tin năm 2013 trên tập san khoa học liên quan đến chính phủ, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới âm thanh cáp quang ở Biển Đông.

Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc

Giáo sư Ngô Nhật Cường cho rằng, trong ngắn hạn Trung Quốc rất có thể triển khai tàu ngầm tên lửa đạn đạo ở khu vực bờ biển Trung Quốc, có thể ở Biển Đông, bởi vì vùng biển này có độ sâu lớn nhất, cách bờ biển Mỹ xa nhất. Một số sĩ quan hải quân cho rằng, đây có thể là nguyên nhân Trung Quốc triển khai tàu ngầm lớp Tấn ở Hải Nam và thúc đẩy yêu sách lãnh thổ (bất hợp pháp) và ngăn chặn Mỹ tiến hành hoạt động trinh sát ở vùng biển này.

Giáo sư Ngô Nhật Cường từng tham gia đàm phán chiến lược hạt nhân với Mỹ. Ông dự đoán, trong 20 năm tới, Trung Quốc sẽ chế tạo tàu ngầm tên lửa đạn đạo có tiếng ồn thấp hơn, cho dù trong tình hình Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, tàu ngầm Trung Quốc cũng có thể đi lại ở vùng biển quốc tế xa xôi.

Đông Bình