TP.HCM không có vụ ùn tắc giao thông nào trên 30 phút, có tin được không?

29/07/2015 07:12
Thế Quân
(GDVN) - Theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, việc UBND TP.HCM báo cáo toàn địa bàn 6 tháng đầu năm không có vụ ùn tắc giao thông nào trên 30 phút, thì thật sự cần xem lại.

Chiều ngày 28/7, các đại biểu tham dự kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 18 – khóa VIII bước vào phiên thảo luận tại tổ, về những vấn đề có liên quan đến kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn.

Phát biểu về những vấn đề nhức nhối của giao thông TP.HCM, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho hay: Trong báo cáo của UBND TP.HCM thể hiện 6 tháng đầu năm nay, trên toàn địa bàn TP.HCM không có vụ ùn tắc giao thông nào kéo dài từ 30 phút trở lên xảy ra.

Tuy nhiên, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng nếu báo cáo này đúng trên thực tế thì cần phải xem xét lại cách tính, tiêu chí để đánh giá một vụ kẹt xe, ùn tắc giao thông.

Bởi lẽ, đại biểu Quân đã dẫn chứng, ngày 16/1/2015, trên địa bàn tuyến xa lộ Hà Nội đã xảy ra một vụ ùn tắc giao thông kéo dài từ 1h sáng đến 11h trưa cùng ngày.

Chỉ 3 ngày sau, trên tuyến xa lộ Hà Nội cũng tiếp tục xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tương tự như vậy. Sở dĩ, đại biểu Quân vẫn còn nhớ rõ đến như vậy, vì ngày 16/1 là ngày đưa tang cha ruột của đại biểu Quân.

Theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, rất nhiều đại biểu HĐND TP.HCM ngồi họp tại hội trường hôm nay, thì hôm ấy đã không thể nào đến đám tang nhà của ông được, vì tình trạng kẹt xe, ùn tắc đã kéo dài quá lâu.

“Vậy thì chúng ta nói không có vụ ùn tắc giao thông nào trên 30 phút xảy ra trên địa bàn thì làm sao người dân có thể tin được? “ – đại biểu Quân kết luận.

Đại biểu Lâm Thiếu Quân phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 28/7 (ảnh: Thế Quân)
Đại biểu Lâm Thiếu Quân phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 28/7 (ảnh: Thế Quân)

Thêm nữa, đại biểu Lâm Thiếu Quân còn chỉ ra việc khi các đại biểu HĐND TP.HCM đang ngồi ở trụ sở HĐND và UBND TP.HCM để thảo luận tình trạng ùn tắc giao thông, thì phía bên ngoài kia, ngay trước cửa trụ sở (đường Lê Thánh Tôn, Q.1) cũng đang xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe.

Ngoài ra, đại biểu Lâm Thiếu Quân còn phản ánh tình trạng tuyến xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh (Q.7), các loại xe tải nặng thường xuyên dừng đậu bừa bãi, “vô tội vạ”, mà các phương tiện khác thì đang lưu thông với tốc độ rất cao, nên dễ xảy ra tình trạng nguy hiểm.

Tình trạng này kéo dài thường xuyên, mà không thấy cơ quan chức năng nào ra tay xử phạt, giải quyết triệt để và nghiêm túc tình trạng này.

Nói tiếp về vấn đề giao thông, ông Lâm Thiếu Quân nói nhiều cử tri kiến nghị TP.HCM nên xem lại các tuyến đường kiểu mẫu, lòng lề đường trật tự ở các quận huyện.

Vụ kẹt xe kéo dài 10 tiếng trên xa lộ Hà Nội hôm 16/2 (ảnh: Tuổi Trẻ)
Vụ kẹt xe kéo dài 10 tiếng trên xa lộ Hà Nội hôm 16/2 (ảnh: Tuổi Trẻ)

Năm 2014, TP.HCM thực hiện rất tốt việc này, nhưng năm 2015, tình trạng lộn xộn, bừa bãi, lấn chiếm lòng lề đường ở các tuyến đường kiểu mẫu lại tái phát. Nhiều dấu hiệu cho thấy các quận huyện đang buông lỏng quản lý, không ai để ý.

“Phải xem xét coi ai là người chịu trách nhiệm chính vấn đề này, chịu trách nhiệm tới đâu. Đừng để xảy ra tình trạng ‘đánh trống bỏ dùi’ – đại biểu Quân kiến nghị.

Cách tính số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút như thế nào?

Cũng là đại biểu HĐND TP.HCM, với tư cách là Phó Giám đốc Công an TP.HCM đã từng phụ trách lĩnh vực an toàn giao thông, Đại tá Ngô Minh Châu giải thích: Cách tính số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút đã bị các đại biểu chưa hiểu rõ.

Theo cách tính đã được Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải áp dụng thống nhất cho cả nước, ùn tắc giao thông chỉ được tính khi mà các phương tiện có mặt trên đường hoàn toàn không thể di chuyển được gì, đứng yên một chỗ. Còn nếu phương tiện vẫn còn di chuyển được, hay di chuyển chậm thì không thể gọi là ùn tắc giao thông, hay kẹt xe được.

Đối với việc phản ánh của đại biểu Lâm Thiếu Quân về tình trạng xe tải nặng dừng đậu bừa bãi trên xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh, Đại tá Ngô Minh Châu khẳng định: Đó là cách nói của một người đi đường chỉ nhìn thoáng qua.

Trên thực tế, đó có thể là các phương tiện đang bị hư hỏng, gặp sự cố trên đường. Nếu khi nhận được thông tin, lực lượng CSGT các cấp sẽ có mặt, điều động xe cẩu đến để kéo xe đi. Việc này đòi hỏi phải có thời gian để giải quyết, chờ đợi xe cẩu đến, chứ không thể có ngay được.

Đại tá Ngô Minh Châu nhấn mạnh: Người đi đường chỉ nhìn thấy loáng thoáng, chứ không ai ở yên một chỗ để theo dõi trong khoảng thời gian dài được.

Về tình trạng vi phạm luật giao thông còn diễn ra phổ biến, Đại tá Ngô Minh Châu đánh giá: “Cũng như một số đại biểu HĐND TP.HCM nhìn nhận, tôi cũng cho rằng cái chính là do ý thức tham gia giao thông của con người”.

Một điều quan trọng không kém để kiềm chế số lần vi phạm giao thông, là do mức phạt ở nước ta chỉ đủ sức làm cho người vi phạm ở mức độ ngán, chứ chưa sợ.

“Chứ mà ở nước ngoài, vi phạm giao thông, phải đi đóng phạt là người dân sợ ngay, tởn tới già, không dám tái phạm – Đại tá Châu kết luận.

Thế Quân