Tổng kết Mô hình Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS ở Tây Nguyên

19/10/2015 11:14
THỤY MIÊN
(GDVN) - Mô hình Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS ở Tây Nguyên được triển khai rất bài bản, có sự chỉ đạo sát sao từ Đảng ủy, chính quyền địa phương.

Nhằm tìm ra những hoạt động truyền thông hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và tình hình dịch HIV/AIDS khu vực Tây Nguyên, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các đơn vị y tế của tỉnh Đắc Lắc triển khai Mô hình trong thời gian hơn năm (2013 – 2015) tại xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, với mục tiêu nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, có ý thức phòng, tránh lây nhiễm HIV và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Ông Y Dẫn Ê Ban, Phó Vụ trưởng vụ Địa phương II Ủy ban Dân tộc báo cáo tại Hội nghị.
Ông Y Dẫn Ê Ban, Phó Vụ trưởng vụ Địa phương II Ủy ban Dân tộc báo cáo tại Hội nghị.

Sau hơn 2 năm tích cực triển khai các hoạt động, ngày 16/10 vừa qua, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Mô hình điểm Phòng, chống HIV/AIDS trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực Tây Nguyên tại xã Hòa Xuân. Hội nghị có sự tham gia của hơn 120 đại biểu, từ lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, già làng, trưởng bản, người chức sắc tôn giáo của xã Hòa Xuân, lãnh đạo các ban, ngành tuyến tỉnh, TP Buôn Ma Thuột, đặc biệt là sự tham gia của Ban Dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên, với sự chứng kiến của Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Truyền thông Ủy ban Dân tộc, Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Ông Y Dẫn Ê Ban, Phó Vụ trưởng vụ Địa phương II Ủy ban Dân tộc, đơn vị được giao trực tiếp chỉ đạo triển khai hoạt động Mô hình tại Hòa Xuân đã báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Mô hình.

Mô hình được triển khai rất bài bản, có sự chỉ đạo sát sao từ Đảng ủy, chính quyền và các ban ngành của xã. Sau khi được các đơn vị y tế tuyến tỉnh tập huấn chuyên môn cho các đại diện ban ngành đoàn thể, các nhóm nòng cốt là già làng, trưởng buôn, người có chức sắc tôn giáo, các buổi truyền thông tại thôn, buôn đã được triển khai thường xuyên thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề cũng như được lồng ghép trong các buổi họp thôn, buôn được bà con hưởng ứng nhiệt tình.

Ngoài các hoạt động truyền thông phát tài liệu như tờ rơi, tạp chí, treo bang rôn, khẩu hiệu, cụm pa nô như các địa bàn khác, Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS xã Hòa Xuân đã tổ chức Hội thi “Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng” với sự tham gia của hơn 30 thí sinh, đến từ 6 đội của các thôn buôn.

Hội thi đã thu hút được đông đảo đồng bào của xã và các xã lân cận tham dự từ đó mọi người có thêm hiểu biết về HIV/AIDS thông qua các tiết mục dự thi. Đây là hoạt động mang tính cộng đồng và rất hiệu quả để truyền các thông điệp đến với đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên.

Trong tham luận của Ông Trần Quang Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân đã nêu bật vao trò chỉ đạo tổ chức triển khai Mô hình của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hòa Xuân. Trong các năm 2013, 2014, 2015 UBND xã đã tham mưu cho Đảng ủy xã ban hành 3 Nghị quyết có nội dung chỉ đạo hệ thống chính trị của xã tham gia triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói chung và Mô hình nói riêng.

UBND xã cũng có văn bản kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS, trong đó Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban là Trưởng trạm Y tế, các thành viên được mở rộng ngoài các đại diện các ban ngành, đoàn thể xã còn có đại diện Ban tự quản thôn, buôn, cộng tác viên y tế, các già làng, người uy tín, chức sắc tôn giáo.

Tại các thôn buôn có các nhóm nòng cốt những cán bộ trực tiếp triển khai các hoạt động truyền thông trực tiếp của đơn vị mình. Các hoạt động của Mô hình được lồng ghép chặt chẽ với phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS ở cộng đồng dân cư”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.

Trong quá trình triển khai Mô hình đã xây dựng lên những nhân vật tiêu biểu. Đối với y tế có chị H Đum Ê Ban y sĩ của Trạm Y tế. Là người con của dân tộc Ê Đê, dân tộc phổ biến nhất khu vực Tây Nguyên, với lòng nhiệt huyết và kiến thức đã được trang bị H Đum đã rất tích cực tổ chức các buổi nói chuyện về HIV/AIDS với bà con.

Với ưu thế là người địa phương chị đã hiểu rất rõ tâm lý người dân, từ đó yêu thương, cảm thông với mọi người, biết lắng nghe, đặt câu hỏi và giải đáp mọi thắc mắc của bà con đồng bào dân tộc về HIV/AIDS. 

Trong các buổi tập huấn, các hội nghị, hội thảo trong hơn 2 năm triển khai Mô hình, Già làng A Ê Căn là người nổi bật nhất với những câu hỏi hóc búa về các vấn đề xã hội, những tình huống giả thuyết để biết được khả năng lây truyền HIV, ông đã hiểu rõ những kiến thức về HIV/AIDS để từ đó nói lại cho dân buôn nơi ông sinh sống nghe và khuyến khích mọi người có những hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV.

Đây là lực lượng truyền thông hiệu quả nhất đối với DTTS vùng Tây Nguyên. Tiếng nói của Già làng, Trưởng buôn, người uy tín, chức sắc tôn giáo rất quan trọng trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống không chỉ riêng về phòng, chống HIV/AIDS.

Bằng những hình thức truyền thông đa dạng, nội dung phong phú và với những tuyên truyền viên phù hợp, Mô hình Phòng, chống HIV/AIDS tại xã Hòa Xuân đã đạt được những kết quả đáng kích lệ, huy động được 100% ban, ngành, đoàn thể xã tham gia; hiểu biết đúng, đầy đủ của người dân về HIV/AIDS đã nâng lên, đạt gần 80% những người được hỏi. Các mục tiêu, chỉ tiêu của Mô hình đều đạt và vượt so với kế hoạch đã đặt ra.

Đến dự Hội nghị, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS ghi nhận những kết quả đã đạt được từ việc triển khai Mô hình điểm và khẳng định đây là cách làm đúng đang được Chương trình ưu tiên triển khai để tìm ra những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt nhân rộng ra các địa bàn, các địa phương khác có cùng điều kiện.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân cảm ơn Ủy ban Dân tộc, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã quan tâm hỗ trợ triển khai Mô hình tại xã và cam kết tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể duy trì các hoạt động truyền thông tại thôn buôn trong thời gian tới.

THỤY MIÊN