"Tôi xin lỗi anh em, đồng đội!"

27/07/2014 07:17
HOÀNG NGUYÊN
(GDVN) - Nghe những câu chuyện về thời chiến tướng Thước kể, tôi càng thêm trân trọng, biết ơn tới những người lính đã không tiếc thân mình vì độc lập tự do của tổ quốc

Đã lâu rồi hôm nay tôi mới có dịp gặp lại tướng Thước. Dạo này nhìn ông khỏe ra, thần sắc cũng tươi tỉnh. Ở cái tuổi mà xưa nay hiếm (88 tuổi), lại trải qua nhiều phen binh đao khói lửa, ông được khỏe mạnh như này thật khiến tôi mừng lắm.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước với chúng tôi, với tòa soạn như một người bạn. Cứ hễ xã hội có chuyện gì nóng bỏng, bức xúc là phóng viên phải tìm đến ông, để được nghe ông cho ý kiến.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: VIẾT CƯỜNG
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: VIẾT CƯỜNG

Hôm nay, trước ngày 27/7, ngày mà cả nước tri ân những anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng, tôi lại đến thăm ông.

Ông không kể về những trận chiến thắng bởi cuộc đời binh đao của ông đã có quá nhiều trận đánh, không biết phải kể từ đâu. Hôm nay, trước ngày thiêng liêng của đồng đội, ông kể với tôi về những mất mát, đau thương, về một chiến dịch mà nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống. Với ông lúc đó và ngay cả sau này, ông vẫn cho rằng đó là lỗi của ông với anh em, đồng đội.

“Tôi xin lỗi vì đã không bảo vệ được anh em!”

Trong chiến tranh, dù thắng lợi hay không thì trận đánh nào cũng phải có hi sinh, mất mát.

Năm 1972, vào giai đoạn cuối của chiến dịch Tây Nguyên, qua hơn một tháng giao tranh ròng rã, bộ đội ta đã thương vong nhiều và sức quân mệt mỏi. Trận cuối cùng, tướng Thước là Trung đoàn trưởng 24, trực tiếp chỉ huy đánh vào một cao điểm, một tiểu đoàn của quân Ngụy (quân Việt Nam Cộng Hòa) tại Kon Tum.

Khi đó, so sánh tương quan giữa ta và địch thì chênh lệch rất lớn. Quân ta số lượng ít, hơn nữa lại vừa trải qua hơn một tháng chiến đấu dữ dội nên sức quân không còn được mạnh. Tuy nhiên, là người chỉ huy thì không thể cho lùi được mà bắt buộc phải tiến lên bởi đây là trận đánh cuối.

Tướng Thước đã chỉ huy cho một trung đội tiến vào cứ điểm của địch, tuy nhiên lúc này hỏa lực của chúng phản lại quá mạnh, nó cắt đứt đội hình quân ta. Quân ta bên ngoài rất khó để tiến vào mà quân bên trong cũng không thể lùi trở ra. Tình hình lúc này rất nguy khó nhưng nếu cứ để các chiến sỹ ở lại bên trong cứ điểm của địch thì sớm muộn gì cũng hi sinh.

Tướng Thước cùng với các chiến sỹ bên ngoài đã quyết định phải bằng mọi giá vào cứu những anh em đang ở bên trong. Tuy nhiên, sau hơn một tiếng giằng co với địch để cố tiến vào thì quân ta càng thương vong nặng, số quân hi sinh ở ngoài khi đó gần bằng với số quân đang ở bên trong.

Trước tình thế khó khăn, tướng Thước nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục lao vào thì không biết sẽ còn bao nhiêu anh em nữa phải bỏ mạng. Sau khi cân nhắc, báo cáo với cấp trên, tướng Thước đã phải ra một quyết định mà ông cho là đau đớn nhất đó là dừng việc cứu đồng đội ở bên trong cứ điểm, chấp nhận mất anh em.

“Đó là một trận đánh không thành công, diệt được nhiều địch nhưng quân ta cũng thương vong quá lớn. Gần 30 người ở bên trong cứ điểm không thể ra ngoài, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh” – tướng Thước rưng rưng nhớ lại.

Sau trận đánh không thành công đó, tướng Thước luôn ray rứt vì mình là người chỉ huy nhưng lại không thể cứu được anh em đồng đội. Một năm sau, khi hiệp định Paris 1973 được ký kết, trong đó có việc trao trả quân nhân, danh sách trả về trong chiến trường lại có tên những đồng đội mà 1 năm trước thuộc trung đoàn tướng Tước đã từng chỉ huy.

Lúc này, tướng Thước đã không còn là chỉ huy của trung đoàn 24 nữa mà đã lên làm ở cơ quan tham mưu mặt trận Tây Nguyên. Biết tin anh em đồng đội ở trung đoàn cũ có 12 chiến sỹ còn sống, tướng Thước đã xin phép tư lệnh mặt trận được ra đón đồng đội.

“Tôi báo cáo với tư lệnh, trong đợt trả quân này có 12 anh em trước là quân của tôi tưởng đã hi sinh trong cứ điểm của địch. Tôi ra đó để xin lỗi anh em vì đã không hoàn thành nhiệm vụ” – tướng Thước nói.

Khi ra đón đồng đội, tướng Thước và 12 “anh em” đã ôm nhau khóc. Ông vô cùng xúc động khi gặp lại đồng đội xưa, ông nói: “Hôm nay không phải là trách nhiệm của tôi ra đón nhưng biết trong số quân trao trả có tên các anh em nên tôi xin ra đây để nhận lỗi với anh em đây”.

12 chiến sỹ đã khóc như những đứa trẻ và nói lại với tướng Thước rằng: “Thủ trưởng ơi, bọn em cũng cố đánh trở ra nhưng vì hết đạn không thể đánh tiếp. Lúc ấy mà thủ trưởng điều thêm quân vào trong thì thương vong còn lớn hơn nhiều. Thế nên bọn em không ân hận gì cả, chỉ tiếc là trận đánh cuối cùng trung đoàn ta không thắng để hoàn thành trọn vẹn chiến dịch thôi”.

Trận đánh đó đã để lại nhiều nỗi buồn cho tướng Thước. Bởi theo ông, đây là trận mà mình tổn thất, thương vong lớn nhưng không giành được thắng lợi, không hoàn thành nhiệm vụ. Mãi đến tận bây giờ, khi nhắc lại chuyện xưa, vị tướng 88 tuổi này vẫn rưng rưng nước mắt vì “đã không bảo vệ được cho các anh em, đồng đội”.

Nỗi đau tận cùng của người chỉ huy chiến dịch

Ký ức thứ hai mà khiến tướng Thước ám ảnh mãi đó là những giờ phút cuối cùng trong ngày giải phóng đất nước 30/4/1975. Khi đó, ông đang là tham mưu quân đoàn 3, chỉ huy một đại đội thiết giáp ở quân đoàn, đảm nhiệm đánh 2 mục tiêu trong chiến dịch là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu Tổng tham mưu của quân Việt Nam Cộng Hòa.

Khi nghe tin Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa - Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng, tư lệnh quân đoàn 3 đã chỉ huy cho quân thọc sâu vào Dinh Độc Lập.

Lúc đi qua khu vực Lăng Cha Cả, 3 chiếc xe tăng của quân đoàn 3 đang đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đã bị hỏa tiễn chống tăng của địch ở trên cao bắn xuống, khiến cả 3 xe đều bị cháy.

Tuy nhiên, khi đó mục tiêu của quân đoàn là tiến vào Dinh Độc Lập, mà thời cơ thì chỉ có một nên tất cả đều phải nhắm mắt, nghiến răng vượt qua, bỏ đồng đội ở lại. Sau khi tiến vào Dinh Độc Lập, quay trở lại mở cửa nắp tháp pháo xe tăng ra thì thấy bên trong 3 chiếc xe tăng 15 chiến sỹ đã bị cháy đen.

“Khi đó là 11h, có nghĩa chỉ còn 30 phút nữa thôi là hòa bình. Nếu như chiến tranh kết thúc sớm hơn vài chục phút thì 15 con người trong 3 chiếc xe tăng đó đã được đoàn tụ cùng gia đình” – tướng Thước buồn rầu chia sẻ.

Với ông, trong chiến tranh thì việc chứng kiến những cái chết là bình thường và ngay cả mạng sống của mình cũng coi “nhẹ tựa lông hồng”. Thế nhưng cái chết của đồng đội ông, những người hi sinh ở ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình đó luôn là nỗi ray rứt lớn nhất đối với người cầm quân, lãnh đạo.

Trải qua bao cuộc chiến, tướng Thước may mắn hơn nhiều người đồng đội của mình, ông được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Dinh Độc Lập, được thấy cảnh Nam Bắc reo vui chào đón ngày thống nhất. Và giờ đây, mỗi ngày ông còn được thấy cảnh đất nước đang chuyển mình, phát triển.

Sống trong cảnh hòa bình, đủ đầy nhưng chưa khi nào vị trung tướng nguôi niềm thương tiếc với những người đồng đội đã hi sinh thân mình cho dân tộc.  

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên là Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X.

HOÀNG NGUYÊN