Tôi thấy chạy chỗ, chạy ghế đang song hành với chủ trương sáp nhập

24/08/2018 06:50
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là chia sẻ thật của ông Nguyễn Túc. Điều này khiến ông lo lắng sẽ có chạy chỗ, chạy ghế nếu không minh bạch, dân chủ trong lựa chọn cán bộ khi sáp nhập.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bảy tỏ sự nhất trí cao với kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Sáu mô hình thí điểm được nêu trong Kết luận của Bộ Chính trị đều được cụ thể hóa rõ đối tượng, rõ việc, rõ trách nhiệm, có sự phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Túc đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, thận trọng trong sắp xếp bộ máy. Ảnh: Đỗ Thơm
Ông Nguyễn Túc đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, thận trọng trong sắp xếp bộ máy. Ảnh: Đỗ Thơm

“Tôi rất tâm đắc với kết luận của Bộ Chính trị, trong đó nói rõ về thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện.

Ở đây, kết luận đặc biệt nhấn mạnh đến điểm tương đồng và đủ điều kiện.

Nó cho thấy, tất cả đều được thực hiện rất thận trọng”, ông Túc đánh giá.

Tuy nhiên, ông cho rằng, thực tế trong tình hình hiện nay, khi chủ trương sáp nhập, tinh gọn đầu mối đang được bàn và ban hành, triển khai thì việc chạy chỗ, chạy vị trí đã bắt đầu xuất hiện.

“Tôi có đọc phát biểu của Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh tại một Hội nghị mới đây về đề án sáp nhập huyện, xã. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh có nói: “Mới làm đề án thôi, ở dưới đã có hiện tượng người ta chạy rồi”.

Tôi nói thật, ngay bản thân tôi không có chức tước gì cũng có cháu đến gặp chia sẻ tâm tư và nhờ giúp.

Tôi nói thẳng, tôi giờ đã nghỉ hưu nhưng dù có điều kiện tôi cũng không làm việc đó. Vì nó trái với quy định của Đảng và Nhà nước.

Tôi chia sẻ câu chuyện đó để thấy là có chuyện gián đoạn, tâm tư của cán bộ ở các đơn vị trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Vì vậy, cần giải quyết vấn đề tư tưởng cho cán bộ. Việc sáp nhập huyện xã, tinh gọn đầu mối rất cần nhưng thật thận trọng, không thể tinh giản một cách cơ học”, ông Túc nói.

Vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc phân tích, chúng ta cũng đã nhiều lần tinh giản biên chế nhưng không đạt được kết quả mong muốn.

Như các số liệu từng công bố, sau mỗi lần tinh giản thì kết quả cho thấy bộ máy biên chế lại phình to hơn.

Tôi thấy chạy chỗ, chạy ghế đang song hành với chủ trương sáp nhập ảnh 2Sáp nhập sở, ngành, nói thật là không nên chần chừ nữa

Chúng ta phải thấy được thực tiễn đó. Không thể đặt tinh giản, tinh gọn bộ máy có hiệu lực hiệu quả chỉ bằng phương pháp cơ học.

Ông Túc nhận định, như một vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ có nói, việc sắp xếp mỗi nơi đều có độ trễ. 

Nhưng để độ trễ này mang lại hiệu quả, cán bộ vui vẻ rời khỏi vị trí của mình tâm phục, khẩu phục thì theo ông Nguyễn Túc phải làm tư tưởng cho thông, phải minh bạch, dân chủ trong chọn lựa cán bộ.

Việc sáp nhập, tinh gọn đầu mối là việc phải làm. Tuy nhiên, sáp nhập thì chắc chắn dôi dư. Vậy các anh em đó đi đâu?. Đừng để sáp nhập lại thành “dồn toa”.

Theo vào đó, ông Túc cho rằng, về chế độ cho cán bộ dôi dư nghỉ việc, Trung ương cũng cần quy định thống nhất, không để mỗi nơi ban hành quy định riêng.

Sáp nhập thì đồng nghĩa với bớt ghế. Bớt ghế thì phải cạnh tranh, lọc lựa cán bộ nhiều hơn.

Nhưng, ông Túc lo nhất là cạnh tranh không lành mạnh. Sắp xếp cán bộ nếu không có tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để chạy chức, chạy vị trí sinh sôi, phát triển.

Ông Túc nhấn mạnh, sáp nhập, tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng trong tổ chức mà chúng ta đã có kinh nghiệm thành công và chưa thành công.

Các yếu tố này cần phải cân nhắc thật kỹ khi thực hiện việc sáp nhập, tinh gọn đầu mối.

Đặc biệt khi sáp nhập các huyện, xã không đáp ứng đủ yêu cầu về số dân, diện tích cần xem xét các yếu tố đặc thù khác của địa phương để sắp xếp.

Việc sắp xếp phải được lấy ý kiến nhân dân, đảm bảo tính kế thừa và không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…

Đặc biệt là ở khu vực miền núi phải xem xét việc hậu sáp nhập thì chỉ đạo, vận động người dân có bị ảnh hưởng gì không.

Đỗ Thơm