Tôi nói thẳng, chọn sách giáo khoa khó nhưng đừng để sách đi đường “ngoằn ngoèo”

27/12/2019 06:32
Đỗ Thơm
(GDVN) - "Vội đến mấy thì vội, giáo viên cũng phải được tiếp cận, dạy thử các sách giáo khoa trước khi đưa ra lựa chọn sách phù hợp nhất", Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói.

Việc lựa chọn sách giáo khoa đang là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với các cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt với các trường tiểu học trên cả nước.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có một số trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh:Vietnamnet

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh:Vietnamnet

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh, sách giáo khoa do ai giảng dạy, đó là giáo viên.

Sách mới, chương trình mới, ý tưởng mới, đòi hỏi mới mà giáo viên không giảng dạy được theo yêu cầu thì cùng khó đạt mục tiêu.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản làm gì thì làm nhưng phải đảm bảo chất lượng đúng theo lời hứa khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của lãnh đạo Bộ Giáo dục trước Quốc hội, trước nhân dân", ông nhấn mạnh.

Theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, giáo viên các trường phải được tiếp cận, dạy thử tất cả các sách giáo khoa.

Ví dụ như hiện tại có 5 bộ sách giáo khoa với 32 cuốn sách đã được thẩm định, giáo viên phải được tiếp cận, dạy thử xem các bộ sách, các sách đó như thế nào thì mới lựa chọn được.

"Vội đến mấy thì vội, giáo viên cũng phải được tiếp cận, dạy thử các sách giáo khoa trước khi đưa ra lựa chọn sách phù hợp nhất.

Làm sao trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa thật sự trung thực, vì học sinh, vì chất lượng giáo dục chứ không để bất cứ thứ gì can thiệp, kể cả mệnh lệnh hành chính.

Đừng đi con đường ngoằn ngoèo tiêu cực để sách giáo khoa được chọn", Tiến sĩ Chức nên quan điểm.

Theo ông, nếu để có tiêu cực xảy ra hoặc có sự can thiệp nào bằng mệnh lệnh hành chính vào lựa chọn sách giáo khoa sẽ làm cho mong muốn cạnh tranh, minh bạch như ý tưởng ban đầu làm nhiều sách giáo khoa trở nên phá sản.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng nêu một băn khoăn là Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông nêu: “có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Vì vậy, nhiều người đặt vấn đề là các trường có thể chọn môn Tiếng Việt của nhà xuất bản này, môn Toán của nhà xuất bản kia được không?

Khi thẩm định, đánh giá, chúng ta có đảm bảo tính liên tục, lô gich để có thể lựa chọn như thế không? Hay cứ nhất nhất là phải chọn theo bộ sách giáo khoa?

Mỗi lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa là mỗi lần băn khoăn, lo lắng!
Mỗi lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa là mỗi lần băn khoăn, lo lắng!

"Chọn sách giáo khoa nói thẳng là một việc khó. Việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm đầu tiên đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là thực hiện theo Nghị quyết 88.

Nghị quyết 88 quy định: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Việc lựa chọn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực thẩm định của các giáo viên, hiệu trưởng các trường", ông nói.

Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục chỉ nên làm trọng tài, đảm bảo giám sát việc lựa chọn minh bạch, các cơ sở chọn được sách phù hợp nhất với họ. Tất cả để làm sao việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả nhất, giúp xã hội ổn định.

Bởi giáo dục nhiều năm qua đã có quá nhiều xáo trộn, gây lo lắng cho dư luận như gian lận thi cử, thay đổi hình thức thi, sách giáo khoa…

“Quan trọng nhất theo tôi để đảm bảo thành công của chương trình mới hay của bất cứ cuốn sách giáo khoa nào thì phải có giáo viên đủ năng lực. Sách hay, tốt đến mấy mà giáo viên trình độ kém thì khó mà đạt được mục tiêu đề ra.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở ngành hãy chú trọng vào việc đảm bảo chất lượng giáo viên cho lần đổi mới này”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói.

Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, mặc dù ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chính thức công bố danh mục 32 sách giáo khoa được sử dụng trong năm học tới, để các trường phổ thông lựa chọn bộ sách phù hợp cho học sinh địa phương.

Nhưng từ năm 2015 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Giám đốc, Phó giám đốc Sở cùng Chánh văn phòng, Phó văn phòng, các Trưởng, Phó phòng chuyên môn, chuyên viên chỉ đạo toàn bộ các môn học từ tiểu học đến trung học phổ thông của Sở này mỗi tháng từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng, tùy chức vụ.

Tính ra, mỗi năm, các vị này nhận được từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khoảng 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Điều này gây rất nhiều băn khoăn về tính minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa.

Đỗ Thơm