Tôi đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Giáo dục để bỏ các chứng chỉ cho giáo viên

05/02/2021 06:33
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đai biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh: "Tôi rất mừng vì Bộ Giáo dục đã tiên phong, quyết liệt bỏ yêu cầu về các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho thầy cô".

Chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên từ tháng 3/2021- đây là một trong những nội dung trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Các Thông tư này được ban hành trên cơ sở sửa đổi, thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2021.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học của giáo viên được xem nhẹ hoặc hạ thấp, mà đã được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo yêu cầu về các năng lực này được quy định hiệu quả và thực chất hơn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) cho biết, đại biểu vui mừng khi đọc được thông tin này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên). Ảnh: NVCC

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên). Ảnh: NVCC

Đại biểu Hiền chia sẻ, vấn đề các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học làm khổ giáo viên đã được không chỉ Đại biểu mà nhiều Đại biểu Quốc hội khác chất vấn tại nghị trường.

"Tôi nhớ thời điểm giáo viên bức xúc với các yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ tin học, giáo viên, dư luận đổ dồn lên nói phải chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng chúng tôi hiểu, vấn đề này phải chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Và tôi cũng như nhiều Đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có cùng tham gia trả lời.

Tôi mừng cho các thầy, cô giáo vì Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể trao đổi, thống nhất với Bộ Nội vụ để ban hành được nhóm thông tư này để chính thức bỏ yêu cầu các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Việc này không phải đơn giản và cần sự quyết tâm rất lớn từ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ phận liên quan. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đứng về phía quyền lợi giáo viên trong trường hợp này.", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đánh giá.

Theo đại biểu, trước đây, khi tiếp xúc cử tri là giáo viên, thầy cô rất kêu về những quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, rồi ngoại ngữ thứ 2 với giáo viên viên ngoại ngữ…

Những quy định này gây cản trở rất lớn cho sự cống hiến của giáo viên, tốn kém, lãng phí nguồn lực của xã hội. Với rất nhiều người, nó chỉ là hình thức chứ không thực chất đánh giá được trình độ, năng lực của họ.

"Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ các chứng chỉ chắc chắn là sự thay đổi lớn, đi vào thực chất, đúng vào đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên thay vì các loại chứng chỉ, văn bằng.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, không chỉ riêng tôi mà nhiều đại biểu đã chất vấn về việc không phù hợp của các loại chứng chỉ này với Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhưng cũng chỉ nhận được các lời hứa hẹn.

Tôi rất mừng vì Bộ Giáo dục đã tiên phong, quyết liệt làm được điều này. Đó là một điều đáng ghi nhận về nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian gần đây.

Nhóm Thông tư này đã giúp trút bỏ phần nào gánh nặng lo lắng, tâm tư của đội ngũ giáo viên.

Giáo viên sẽ dồn tâm sức tập trung vào chuyên môn thay vì lo lắng để có đủ các văn bằng chứng chỉ cho đầy đủ hồ sơ như trước đây", Đại biểu Hiền chia sẻ.

Không chỉ đánh giá cao việc bỏ chứng chỉ không cần thiết, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền còn ghi nhận điểm mới hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học trong các thông tư mới.

Theo đó, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học được xác định thành 3 hạng, gồm hạng I, hạng II và hạng III (thay vì hạng II, hạng III, hạng IV như hiện hành).

Theo đại biểu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học đã được nhìn nhận một cách phù hợp, đề cao được yêu cầu trình độ đào tạo, chuẩn năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tính chất mức độ của giáo viên bậc học này đặt trong một bối cảnh chung là chúng ta đang đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Điểm mới này chính là sự nhìn nhận khách quan, chính xác về vai trò, vị thế của đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học. Đây là các bậc học mang tính tiền đề, nền tảng của giáo dục. Và đội ngũ giáo viên của các bậc học này đã được đặt đánh giá, nhìn nhận đúng với vị thế của bậc học.

Đỗ Thơm