"Tiến sĩ xin đi tù..." gửi lời nhắn đến Bộ trưởng Y tế

02/11/2011 06:11
Ngọc Quang
(GDVN) - “Nếu là Bộ trưởng Bộ Y tế thì điều tôi sẽ làm ngay bây giờ là tập trung vào vấn đề làm sạch môi trường song song với phòng chống dịch”.

Chiều ngày 27/10, Báo Giáo dục Việt Nam đăng bài viết “Tôi xin đi tù nếu không chữa được bệnh chân tay miệng” nói về việc TS.Nguyễn Văn Khải (hay còn gọi là Ông già Ozon) khẳng định chữa được bệnh tay chân miệng (TCM). Từ đó đến nay, đã có hàng trăm độc giả trên khắp cả nước gọi điện và gửi thư nhờ TS.Khải hướng dẫn cách xin Anolyt để ngâm tay chân, bôi lên những nốt mụn.

"Ở Việt Nam có một thói rất xấu..."

Cũng chỉ sau hai ngày, đã có rất nhiều người phản hồi cảm ơn “Ông già Ozon”, bởi phương pháp mà ông hướng dẫn đã mang lại hiệu quả ngay lập tức. “Với các nước tiên tiến trên thế giới, việc sử dụng Anlolyt trong lĩnh vực y tế không còn là chuyện mới mẻ, nhưng hiện nay ở Việt Nam thì rất ít nơi sử dụng”, TS.Khải cho hay.

Ngày hôm qua, khi gặp lại PV Báo Giáo dục Việt Nam, TS. Khải tỏ ra rất vui mừng vì đã giúp được nhiều người dân đang rơi vào cảnh không biết phải xử lý thế nào với những nốt mụn của những đứa trẻ, nhưng ông cũng rất buồn vì có nhiều người ở khá xa như Diễn Châu (Nghệ An), Bá Thước (Thanh Hóa), Vĩnh Long, Đồng Tháp… nên ông chỉ có thể hướng dẫn chi tiết cách dùng Anolyt, chứ không biết chắc có thể lấy được ở các trung tâm y tế huyện, tỉnh hay không.

TS. Khải quả quyết: “Nếu là Bộ trưởng Bộ Y tế thì điều tôi sẽ làm ngay bây giờ là tập trung vào vấn đề làm sạch môi trường song song với phòng chống dịch. Theo nghiên cứu của tôi, cộng với thông tin thu thập được từ những người dân có con bị bệnh, tôi khẳng định nếu chúng ta làm sạch môi trường thì sẽ hạn chế triệt để bệnh này, tạo điều kiện cho việc dập dịch tốt.

Vì sao ở những địa phương như TP.HCM lại có tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất? Đó là bởi triều cường, cộng với việc vài ba ngày lại có một trận mưa, đường xá cống rãnh ngập ngụa nước bẩn… Ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh khác nữa, rác rưởi bị ném ở khắp nơi, chính những người dân xả rác bừa bãi đang tạo nên mầm bệnh xung quanh mình”.

TS Khải: Cần phải tập trung làm sạch môi trường và nâng cao ý thức phòng dịch
TS Khải: Cần phải tập trung làm sạch môi trường và nâng cao ý thức phòng dịch

Cũng theo TS. Khải, sau khi ông công bố biện pháp sử dụng Anolyt đã có các ý kiến phản biện cho rằng chưa có nghiên cứu nào thì không nên dùng. “Tôi chỉ nói thế này, khi tôi dùng Anolyt để chữa bệnh lở mồm long móng cho trâu bò thì có nơi đang giữ chiếc máy này bảo rằng đây là máy để cứu người chứ không dùng cho gia súc; bây giờ tôi dùng nó để cứu người thì người ta lại bảo cái này để chữa cho gia súc chứ không phải cứu người.

Ở Việt Nam có một cái thói rất xấu, đó là có những người không làm được việc gì cả, nhưng chờ người khác hoàn thành nghiên cứu rồi nhảy vào bình phẩm, nghiễm nhiên coi đó là sự đóng góp của mình, nhưng thực chất họ chẳng biết quái gì cả.

Trước đây, người ta bảo không chữa được H5N1, tôi đã chứng minh chữa được; khi người ta nói dịch lở mồm long móng không chữa được, tôi lại chữa được, chỉ tiếc là nếu mình nhanh hơn chút nữa thì sẽ cứu được rất nhiều trâu bò “chết oan”, vì cứ chỗ nào có dịch là người ta yêu cầu giết sạch; tới khi dịch lợn tai xanh nổ ra, khắp nơi lo lắng thì tôi cũng vẫn chữa được.

Về những đóng góp của tôi, chính ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng phải công nhận… Nay tôi cứu các cháu nhỏ thì người ta lại bảo phải nghiên cứu, trong khi đó, Anolyt đã được Bệnh viện 108 sử dụng để chữa cho người bị rắn cắn, Viện Bỏng dùng để chữa cho bệnh nhân… vậy thì còn chờ gì nữa nhỉ?”, TS. Khải cho biết.

"Nay đã gần 70 tuổi, tôi cần gì danh lợi"

TS. Khải nói tiếp, mấy ngày qua, có phương tiện truyền thông đã nói sai, đáng lẽ phải gọi dung dịch này là Anolyt thì họ lại nói đó là nước muối thường, nước biển... Anolyt là nước muối, nhưng nó đã được thông qua một chiếc máy, bằng phương pháp điện hoá (ECAWA) được thực hiện trong buồng phản ứng điện hoá có màng ngăn sẽ cho phép tạo nên các trạng thái axit - bazơ và thế oxy hoá khử khác nhau trong dung dịch điện hoá mà không cần sử dụng các tác nhân hoá học.

 Lý do Anolyt có tính khử trùng cao nhưng lại không độc hại với con người, đó là vì  thành phần của Anolyt gồm nhiều hoạt chất oxy hoá. Các tế bào của cơ thể người ngay trong quá trình hoạt động sống cũng tham gia vào các phản ứng oxy hoá khử, chúng sản sinh và sử dụng có mục đích các chất oxy hoá hoạt tính cao như HO, HO2-, H2O2, O3, HClO, ClO-.

Các vi khuẩn, virus không có hệ thống bảo vệ để chống oxy hoá nên dung dịch Anolyt là chất cực độc đối với chúng. Thêm nữa, mức độ khoáng hoá thấp của Anolyte và khả năng Hyđrat hoá cao của nó làm tăng độ thẩm thấu của màng tế bào vi khuẩn đối với các chất oxy hoá. Các vi bọt khí mang điện được tạo ra trong vùng tiếp xúc với polyme sinh học cũng góp phần làm chuyển dịch mạnh mẽ các chất oxy hoá vào trong tế bào vi khuẩn. Tuy nhiên, điều đặc biệt là Anolyt lại không gây độc hại với con người và đã được y học thế giới ứng dụng nhiều năm nay.

TS. Khải nhấn mạnh: “Tôi khẳng định một lần nữa là hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những thông tin đã công bố. Tôi làm khoa học mấy chục năm nay, mà đã làm khoa học thì phải rất cẩn thận, chứ không công bố để lấy cái danh, năm nay tôi gần 70 tuổi rồi thì cần danh lợi làm gì nữa.

Qua những người quen mà tôi biết, họ cho con đi viện chữa bệnh tốn rất nhiều tiền, người 5 triệu, người 10 triệu, thậm chí nhiều hơn nữa, nhưng nếu dùng Anolyt thì chỉ hết vài chục nghìn đồng.

Theo TS,Khải, môi trường ở TP.HCM quá bận khiến cho dịch bệnh lan rộng
Theo TS,Khải, môi trường ở TP.HCM quá bận khiến cho dịch bệnh lan rộng

"Gửi Bộ trưởng Bộ Y tế"

Tại thời Thủ tướng Chính phủ có công điện, các con số tổng kết trên cả nước đã có gần 33 nghìn trường hợp mắcTCM tại 52 địa phương, trong đó đã có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tới ngày 25/10 (tức là chỉ sau 2 tháng khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Y tế đã tổ chức họp báo về bệnh TCM và theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tích lũy từ đầu năm 2011 đến nay đã lên đến 77.895 nghìn trường hợp ở 63 tỉnh, thành phố (như vậy là số ca mắc bệnh tăng hơn gấp 2 lần, trong đó 137 ca tử vong. Riêng tuần qua ghi nhận thêm 2.900 ca mắc TCM mới, tăng 400 ca.

Cũng tại buổi họp báo này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết từ tháng 6 đến nay, đã có 6 đoàn công tác liên ngành và 19  đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại 33 tỉnh, thành phố trọng điểm nhưng chưa địa phương nào đủ điều kiện công bố dịch tay chân miệng.

Bà Tiến Tiến khẳng định ở Việt Nam đang có dịch tay chân miệng, nhưng cho rằng: “Chỉ một vài nghìn ca rải rác trong cả nước thì làm sao công bố dịch được. Nếu như cúm A/H1N1, cúm thường mà công luận chưa yêu cầu công bố chúng tôi đã kiểm tra rồi. Bây giờ mà công bố dịch tay chân miệng thì suốt ngày đi kiểm tra phân, kiểm tra máu của hành khách đến Việt Nam thì sao mà làm được. Lý thuyết về công bố dịch là như vậy”.

Chỉ sau 2 tháng số ca nhiễm TCM đã tăng hơn gấp 2 lần
Chỉ sau 2 tháng số ca nhiễm TCM đã tăng hơn gấp 2 lần

Vậy trong trường hợp này, theo tôi Bộ trưởng Bộ Y tế cần thông báo rõ ràng tới người dân, rằng tôi làm được gì, các bạn làm được gì, chúng ta làm được gì…? Hãy cùng làm sạch môi trường, hãy giữ gìn môi trường ở chính nơi các bạn đang ở, đó là cách tốt nhất để phòng chống các loại bệnh dịch, chứ không riêng gì TCM.

Bệnh này thực chất không nguy hiểm, bởi tất cả chúng ta đều có thể bị mọc mụn ngoài da, mà bản chất là bị nhiễm khuẩn, vì vậy không chỉ vệ sinh cơ thể cẩn thận mà ngay cả những cái gối của trẻ, chiếc chăn, những chỗ trẻ ngủ và những đồ vật chúng động vào cũng cần phải được vệ sinh thật sạch. 

Ngoài ra, cần phải làm sạch các trường mầm mon, trường tiểu học… đây là những đối tượng dễ nhiễm nhất vì da tay trẻ mỏng, sức đề kháng chưa thể tốt bằng người trưởng thành. Một số người nói rằng, rửa tay sạch bằng xà phòng, nhưng tôi chắc chắn xà phòng không thể diệt cùng lúc cả vi khuẩn, virus, nấm mốc, bào tử - đó là lý do vì sao Anolyt được các nước có nền khoa học phát triển sử dụng”.

Ngọc Quang