Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo: “Để trở lãnh đạo giỏi, trước hết phải là người tử tế”

11/01/2021 06:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Người tử tế thì sẽ làm việc có lợi cho sự phát triển chung của đất nước”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo nhận định.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp diễn ra, nhân dân cả nước đang chờ mong đất nước sẽ tìm được hiền tài để kế tục và phát huy những thành quả đã đạt được từ những kỳ Đại hội trước.

Một trong những vấn đề dư luận, nhân dân cả nước quan tâm nhất là việc kiểm soát quyền lực được rút kinh nghiệm từ những nhiệm kỳ trước và được chuẩn bị như thế nào cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Ông có đánh giá thế nào về công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ vừa qua?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo: Đại hội Đảng khóa XII đã làm được nhiều việc hết sức quan trọng, đó là giữ ổn định kinh tế, chính trị, đặc biệt là đánh rất mạnh vào những cá nhân và nhóm lợi ích cấu kết làm sai quy định của Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại ấy suy cho cùng vẫn là công sức lao động của nhân dân, ai mà không xót xa khi bị phung phí như vậy.

Nếu như không lôi ra ánh sáng được những kẻ sâu mọt ấy thì giờ này đất nước có lẽ còn chịu nhiều thiệt hại hơn.

Có rất nhiều ý kiến rằng việc chống tham nhũng mạnh, quyết liệt như vậy đồng nghĩa rằng Đảng thừa nhận có nhiều tham nhũng. Nhiều vụ việc, dự án có liên quan đến cán bộ từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo là đảng viên ở cấp địa phương, cơ sở... sao nhiều lỗi như vậy?

Trong quá trình phát triển dù ở quốc gia nào cũng có những giai đoạn tập trung phát triển kinh tế dẫn đến những phát sinh trong cơ chế điều hành kinh tế vĩ mô, về quản lý xã hội, về con người… Do đó, có nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh, cần phải nhìn lại, cần phải thay đổi và tôi cho rằng, Đại hội XII đã dám nhìn thẳng vào vấn đề, không né tránh thực trạng tham nhũng.

Để đạt được kết quả ấn tượng trong phòng chống tham nhũng thì vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Vai trò của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại nhiệm kỳ khóa XII để lại một dấu ấn thời đại. Nếu không có lãnh đạo sáng suốt, quyết liệt như vậy thì rất có thể Đảng sẽ tiếp tục có những sai lầm.

Cá nhân tôi và nhiều đồng chí khác đều rất mừng là người đứng đầu đã chỉ ra những sai lầm ấy và chỉ đạo hiện xử lý rất cương quyết và lấy lại được lòng tin của nhân dân. Tôi cho rằng đó là thành công lớn nhất của khóa XII và tạo đà cho khoá XIII tiếp tục phát huy, giành được những thành quả ấn tượng hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo nhận định rằng việc xử lý mạnh tay với những cán bộ cấp cao có sai phạm đã nâng cao uy tín của Đảng với nhân dân. Ảnh: Cao Kim Anh.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo nhận định rằng việc xử lý mạnh tay với những cán bộ cấp cao có sai phạm đã nâng cao uy tín của Đảng với nhân dân. Ảnh: Cao Kim Anh.

Phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng nhìn ở góc độ khác thì việc lôi ra ánh sáng nhiều cán bộ lãnh đạo vi phạm cũng chứng tỏ kiểm soát quyền lực chưa chặt. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo: Sinh thời Bác Hồ đã dạy lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo.

Đường lối, nghị quyết dù có hay đến mấy mà không có kiểm tra, đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện thì không thể có được kết quả tốt.

Về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhìn thấy từ lâu và đã nói rằng phải “nhốt” quyền lực vào “lồng” bằng pháp luật.

Trong công tác cán bộ khoá này chúng ta phải làm theo 5 bước, hết sức dân chủ và sẽ tránh được tối đa những sai sót. Nhân sự không được tập trung, đồng nghĩa với việc dân chủ hơn, sàng lọc rất kỹ.

Tôi rất tâm đắc câu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói rằng “quan trọng của quan trọng” vẫn là yếu tố con người khi chọn nhân sự. Chúng ta đang làm rất chặt vấn đề này từ địa phương tới Trung ương. Hy vọng rằng với cách làm và tư tưởng ấy sẽ tìm được nhiều nhân sự tốt là đội ngũ kế cận để cho khóa XIII này.

Thêm vào đó, yếu tố quyết định tôi nghĩ để chọn được một người tốt là phải chọn những người tử tế. Người tử tế sẽ làm được việc có lợi cho sự phát triển chung cho đất nước, luôn đặt lợi ích của tập thể lên cao nhất. Nếu chọn ra một người có năng lực nhưng đạo đức kém thì sẽ tới một ngày nào đó gây thiệt hại lớn cho đất nước, làm mất uy tín của Đảng.

Trong xã hội ta tồn tại rất nhiều bệnh thành tích, nói nhiều thành tựu mà ít khi thẳng thắn chỉ ra hạn chế vì nể nang nhau, vì lợi ích nhóm, vì quan hệ. Tuy nhiên, khoá XII đã có sự thay đổi rất rõ, giữ lòng tin của nhân dân với Đảng và cũng như là tấm gương cho khóa XIII. Đó là tư duy đúng, hành động đúng, rất đúng người, đúng tội, rõ ràng. Đó là một bước phát triển vượt bậc so với các khoá trước.

Chúng ta có một Đảng lãnh đạo toàn diện. Do đó, Đảng phải luôn luôn biết nhìn thẳng vào sự thật, biết sửa sai. Trong quá trình phát triển đất nước quan trọng nhất là nhìn ra sai lầm, nhìn ra sâu mọt và dám sửa nó để không bị “ung thư”, không bị “di căn”.

Đến thời điểm này, chúng ta khẳng định đã thực hiện một bước rất dài so với thời gian trước là chỉnh đốn về con người. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong quá trình phát triển đất nước.

Theo ông, những biện pháp nào có thể thực hiện để kiểm soát quyền lực hiệu quả?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo: Tôi thấy chuẩn bị tới Đại hội XIII, Đảng đã và đang triển khai công tác cán bộ hết sức chặt chẽ, lựa chọn những người xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo quan trọng của địa phương, của đất nước. Như tôi nói ở trên những cán bộ ấy đều phải hội tụ cả hai yếu tố là đức và tài thì mới có đủ tầm lãnh đạo, đưa đất nước đi lên.

Khi đã chọn được cán bộ tốt rồi thì vẫn phải coi trọng kiểm soát quyền lực, tức là phải có kiểm tra, giám sát bằng cơ chế minh bạch.

Chỉ có công khai minh bạch thực sự, đi kèm là cơ chế giám sát chặt chẽ, xử lý nhanh nếu có sai phạm thì mới chống được lạm quyền, chống được tham nhũng.

Tôi lấy thí dụ như công khai minh bạch thu phí giao thông BOT bằng công nghệ điện tử, rất minh bạch nguồn thu từ đó, đưa ra được một giá chuẩn, không bị mù mờ, không bị vống lên.

Đã có lần tôi phát biểu về đầu tư BOT, đây là phương án rất đúng của Chính phủ và các nước trên thế giới cũng áp dụng mô hình đầu tư này. Tuy nhiên, vấn đề vẫn là phải làm thế nào cho minh bạch để mang lại lợi ích phù hợp, đất nước huy động được nguồn lực phát triển, doanh nghiệp được hưởng lợi một phần khi đầu tư dự án - kinh tế tư nhân phát triển và hiệu quả cốt lõi là người dân được thụ hưởng từ chính sách, dự án đầu tư.

Trước đây, chúng ta thường có suy nghĩ dựa vào đầu tư FDI nhưng gần đây nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam rất tốt, điều kiện tự chủ rất mạnh mẽ, nhưng vấn đề còn lại là chính sách ngày càng phải thuận lợi thì mới phát triển được.

Muốn làm tốt điều đấy được phải quản lý, kiểm soát quyền lực. Câu chuyện đó rất quan trọng. Tôi tham gia Quốc hội khoá XIII, đồng thời cũng có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kinh tế nên tôi nắm rất rõ những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp. Cùng là một việc nếu gặp người lãnh đạo có tâm thì sẽ tìm cách tháo gỡ ngay, nhưng ngược lại thì doanh nghiệp khốn khổ.

Vì vậy mà kiểm soát quyền lực luôn phải được chú trọng song song với tuyển chọn, đào tạo và đề bạt cán bộ vào những vị trí lãnh đạo quan trọng.

Hơn nữa, tôi cho rằng khi đánh giá đề bạt cán bộ vào những vị trí cao hơn thì phải xem thành tích của tập thể, của toàn ngành ra sao. Một tập thể không tốt, thua lỗ, nhiều sai phạm... thì cá nhân đó không thể tốt được. Điều tôi muốn nhấn mạnh là đánh giá phải hiện bằng con số, định lượng chứ không thể định tính.

Một bộ trưởng giỏi thì ngành đó phải phát triển có nhiều điểm tốt. Một lãnh đạo tỉnh được đánh giá có tài thì địa phương phải phát triển, đời sống của người nhân được cải thiện. Tất cả những đánh giá đều tính ra những hiệu quả nhìn thấy, không cảm tính.

Cuối cùng, điều tôi muốn lưu ý đó là nền tảng giáo dục, văn hoá của chúng ta cần tiếp tục được quan tâm, coi đó là trụ cột phát triển của đất nước.

Trước đây, chúng ta đã có một thời mải mê, vội vàng kiếm tiền, văn hóa không được chú trọng từ đó dẫn đến những tiêu cực lớn trong xã hội, vấn đề nhân cách con người ngày càng bị mai một.

Hiện tại, chúng ta phải nhìn nhận lại rằng văn hóa, giáo dục rất quan trọng, đó là nền tảng lâu dài. Gốc của con người cuối cùng là văn hóa. Con người tử tế là con người có văn hóa, có hiểu biết và có tâm trong công việc thì người đó mới làm được những việc lớn. Tài năng mà không có tâm thì không làm được việc lớn, mà có làm đi chăng nữa thì cũng bị lợi ích nhóm chi phối.

Thời gian qua, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành gỡ bỏ nhiều văn bản dưới luật gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tôi hy vọng vấn đề tiếp tục được rà soát, đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, vai trò của Quốc hội cũng rất lớn trong xây dựng luật, càng chi tiết, rõ ràng thì càng nhanh đi vào đời sống, ngăn chặn được tiêu cực.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cao Kim Anh